Những công ty khởi nghiệp là mô hình kinh doanh hàng đầu thúc đẩy sự đổi mới và tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới. Họ tạo ra các loại sản phẩm và dịch vụ mới mỗi năm. Họ là những doanh nhân sáng tạo, đầy tham vọng và có những ý tưởng đáng kinh ngạc.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể biến giấc mơ của mình thành sự thật. Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp nhỏ (SBA) định nghĩa một doanh nghiệp nhỏ là một doanh nghiệp vận hành với ít hơn 500 nhân viên. Điều đó có nghĩa là có rất nhiều startup sẽ được định nghĩa là "nhỏ" dù làm ăn có vẻ lớn. Như vậy, nếu tính riêng ở Mỹ, hiện có 31,7 triệu doanh nghiệp nhỏ, chiếm 99,9% tổng số doanh nghiệp nước này.
Hàng tháng, rất nhiều startup được thành lập nhưng tỷ lệ thất bại rất cao. Tính đến năm 2021, 20% trong số đó thất bại ngay trong năm đầu tiên, 50% "gục ngã" trong vòng 5 năm và 65% phải bỏ cuộc trong vòng 10 năm.
Vậy nguyên nhân các công ty khởi nghiệp thất bại nhiều như vậy là do đâu?
Hãy cùng tìm hiểu 5 lý do lớn nhất khiến các startup phải dừng cuộc chơi:
1. Không có thị trường hoặc xác định sai thị trường
Quá nhiều doanh nghiệp vừa bắt đầu đã nhắm mục tiêu nhân khẩu học. Tiếp theo, họ cố gắng nhắm mục tiêu đến tất cả mọi người ở thành phố hay thị trấn mà họ đang sinh sống. Mục tiêu của những startup này quá rộng. Thị trường ngách càng được thu hẹp lại thì càng dễ dàng tiếp thị đến đúng đối tượng.
2. Cạn kiệt tài chính
Tại sao tiền lại cạn kiệt? Do cách quản lý chi phí kém hay do doanh doanh số bán hàng không đủ cao? Cạn kiệt tài chính cũng liên quan đến việc không có khả năng tài chính hoặc không đủ nguồn tài chính cần thiết để duy trì hoạt động kinh doanh, đặc biệt là trong những ngày đầu cho đến khi doanh nghiệp có thể bắt đầu tạo ra lợi nhuận.
3. Đội ngũ làm việc chưa đủ giỏi
Có những người bắt đầu kinh doanh vì họ cần có việc làm. Họ có một ý tưởng mơ hồ về những gì mình đang làm và nghĩ rằng vì mình giỏi hơn các bạn đồng trang lứa về việc gì thì nên kiếm sống bằng việc đó. Sự thật đáng buồn là nếu không có kỹ năng kinh doanh và chuyên môn thực sự, những doanh nhân này được định sẵn sẽ phải chật vật trên con đường mà họ muốn đi.
Bên cạnh đó, một mình nhà lãnh đạo không thể gây dựng nên một doanh nghiệp thành công. Họ cần có những trợ thủ đắc lực, những đội nhóm làm việc hiệu quả và mang lại sự phát triển. Nhưng nếu chọn sai người, đặc biệt là với những startup còn non trẻ thì thành công sẽ càng xa tầm với.
4. Cạnh tranh khốc liệt
Luôn có khả năng là đang có hàng nghìn công ty khởi nghiệp cùng lúc nhắm mục tiêu đến cùng một thị trường. Cạnh tranh là chìa khoá của một hệ sinh thái khởi nghiệp. Sự cạnh tranh buộc các nhà sáng lập của các công ty khởi nghiệp phải tiến lên nhanh hơn, tuyển dụng nhanh hơn, đưa ra các quyết định về sản phẩm một cách thận trọng hơn.
Đồng thời, họ cũng phải giành được thị trường cho mình ngay hôm nay chứ không phải là một năm nữa. Đây là lý do khiến nhiều startup thất bại khi họ không thể giải quyết hết tất cả mọi việc để có thể cạnh tranh với những đối thủ biết cách "sống sót" và ngày một vững mạnh hơn.
5. Vấn đề về giá cả
Các doanh nhân mới thường đưa ra một mức giá cho sản phẩm hoặc dịch vụ của họ bằng cách cộng thêm chi phí hay thêm phần lợi nhuận mà họ nghĩ mình nên nhận được. Đây là một cách tiếp cận quá đơn giản và đã bỏ qua các yếu tố quan trọng như vị trí thị trường và giá trị thực của sản phẩm.
Cách các startup định vị sản phẩm của mình ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công của họ. Họ chưa thể xác định được mình sẽ là nhà cung cấp giá rẻ cho thị trường đại chúng, tạo ra một sản phẩm cao cấp với giá cao hay sẽ bán ra một sản phẩm có chất lượng tốt nhưng giá thành tương đối thấp.
Tuy có nhiều nguyên nhân khiến các startup lo ngại về việc gây dựng doanh nghiệp của mình nhưng nếu có đủ đam mê và niềm tin thì dù biết có thể sẽ thất bại, họ vẫn sẽ làm. Trên thực tế, thất bại không ngăn cản bạn đến với thành công, đó là một bước cần thiết. Sau khi đã có sự chuẩn bị và đề phòng trước những rủi ro có khả năng xảy ra thì việc thực sự bắt tay vào làm mới có thể khiến một startup trở nên thành công và phát triển.