Khởi nghĩa Lam Sơn đi đến hồi kết, hơn 10 vạn quân Minh bị diệt sạch

B.T sưu tầm, SGK Sử 7 |

Sau quyết chiến ở Chi Lăng – Xương Giang, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng, chấm dứt 25 năm nhà Minh đô hộ. Lê Lợi lên ngôi, nhà Lê được thành lập.

Trận Tốt Động - Chúc Động (cuối năm 1426)

Tháng 10/1426, 5 vạn viện binh giặc do Vương Thông chỉ huy kéo vào Đông Quan, nâng số lượng quân Minh ở đây lên tới 10 vạn.

Để giành lại thế chủ động, Vương Thông quyết định mở cuộc phản công lớn, đánh vào chủ lực của nghĩa quân ở Cao Bộ (Chương Mĩ, Hà Nội).

Khởi nghĩa Lam Sơn đi đến hồi kết, hơn 10 vạn quân Minh bị diệt sạch - Ảnh 1.

Lược đồ trận Tốt Động – Chúc Động

Sáng 7/11/1426, Vương Thông cho xuất quân tiến về hướng Cao Bộ.

Nắm được ý đồ và hướng tiến quân của Vương Thông, nghĩa quân đã đặt phục binh ở Tốt Động và Chúc Động. Khi quân Minh lọt vào trận địa, nghĩa quân nhất tề xông thẳng vào quân giặc, đánh tan tác đội hình của chúng, dồn quân giặc xuống cánh đồng lầy lội để tiêu diệt. Kết quả, trên 5 vạn quân giặc tử thương, bắt sống trên 1 vạn; Vương Thông bị thương tháo chạy về Đông Quan; Thượng thư bộ binh Trần Hiệp cùng các tướng giặc Lý Lượng, Lý Đằng bị giết tại trận.

Bình Ngô đại cáo có đoạn:

"Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh trôi vạn dặm,

Tốt Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm".

Sau chiến thắng Tốt Động - Chúc Động, nghĩa quân Lam Sơn thừa thắng, vây hãm Đông Quan và giải phóng nhiều châu, huyện.

Trận Chi Lăng – Xương Giang (tháng 10/1427)

Đầu tháng 10/1427, hơn 10 vạn viện binh từ Trung Quốc chia làm hai đạo kéo vào nước ta. Một đạo do Liễu Thăng chỉ huy, từ Quảng Tây tiến vào theo hướng Lạng Sơn. Đạo thứ hai do Mộc Thạnh chỉ huy, từ Vân Nam tiến vào theo hướng Hà Giang.

Bộ chỉ huy nghĩa quân quyết định tập trung lực lượng tiêu diệt viện quân giặc, trước hết là đạo quân của Liễu Thăng, không cho chúng tiến sâu vào nội địa nước ta.

Ngày 8/10, Liễu Thăng hùng hổ dẫn quân ào ạt tiến vào biên giới nước ta, bị nghĩa quân phục kích và giết ở ải Chi Lăng.

Khi quân Liễu Thăng tiến đến ải Chi Lăng (Lạng Sơn), nghĩa quân Lam Sơn do tướng Trần Lựu chỉ huy được lệnh vừa đánh vừa lui, nhử địch vào trận địa phục kích ở ải Chỉ Lăng. Liễu Thăng thúc quân đuổi theo, lọt vào trận địa mai phục, lập tức bị quân ta phóng lao đâm chết, quân Minh hoảng hốt, rối loạn. 

Nghĩa quân mai phục, do tướng Lê Sát, Lưu Nhàn Chú chỉ huy, thừa cơ đổ ra đánh, tiêu diệt trên 1 vạn tên giặc.

Sau khi Liễu Thăng bị giết, Phó tổng binh là Lương Minh lên thay, chấn chỉnh đội ngũ, tiến xuống Xương Giang (Bắc Giang). Trên đường tiến quân, quân giặc liên tiếp bị phục kích ở Cần Trạm, Phố Cát, bị tiêu điệt đến 3 vạn tên, Tổng binh Lương Minh bị giết tại trận, Thượng thư bộ Binh Lý Khánh phải thắt cổ tự tử.

Mấy vạn địch còn lại cố gắng lắm mới tới Xương Giang co cụm lại giữa cánh đồng, bị nghĩa quân từ nhiều hướng tấn công, gần 5 vạn tên bị tiêu diệt, số còn lại bị bắt sống, kể cả tướng giặc là Thôi Tụ, Hoàng Phúc.

"Ngày mười tám, trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế,

Ngày hai mươi, trận Mã Yên, Liễu Thăng cụt đầu.

Ngày hăm lăm, Bá tước Lương Minh bại trận tử vong,

Ngày hăm tám, Thượng thư Lý Khánh cùng kế tự vẫn.

…Đánh một trận, sạch không kinh ngạc,

Đánh hai trận, tan tác chim muông

…Đô đốc Thôi Tụ lê gối dâng tờ tạ tội,

Thượng thư Hoàng Phúc trói tay để tự xin hàng.

Lạng Giang, Lạng Sơn, thây chất đầy đường,

Xương Giang, Bình Than, máu trôi đỏ nước...".

Khởi nghĩa Lam Sơn đi đến hồi kết, hơn 10 vạn quân Minh bị diệt sạch - Ảnh 2.

Lược đồ trận Chi Lăng – Xương Giang

Cùng lúc đó, Lê Lợi sai tướng đem các chiến lợi phẩm ở Chi Lăng đến doanh trại Mộc Thạnh. Mộc Thạnh trông thấy, biết Liễu Thăng đã bại trận nên vô cùng hoảng sợ, vội vàng rút chạy về Trung Quốc.

Được tin hai đạo viện binh Liễu Thăng, Mộc Thạnh đã bị tiêu diệt, Vương Thông ở Đông Quan vô cùng khiếp đảm, vội vàng xin hoà và chấp nhận mở hội thề Đông Quan (ngày 10/12/1427) để được an toàn rút quân về nước. Ngày 3/1/1428, toán quân cuối cùng của Vương Thông rút khỏi nước ta. Đất nước sạch bóng quân thù.

Nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử

Đất nước được giải phóng hoàn toàn, Nguyễn Trãi viết bài Bình Ngô đại cáo. Đây là một áng anh hùng ca tổng kết hết sức tài tình cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc từ những ngày gian lao ở núi Chí Linh đến các chiến thắng lẫy lừng Tốt Động - Chúc Động, Chi Lăng - Xương Giang.

Bình Ngô đại cáo không những nêu bật ý nghĩa lịch sử to lớn của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn: "Xã tắc từ đây vững bền, Giang sơn từ đây đổi mới", mà còn toát lên niềm tự hào dân tộc sâu sắc, chủ nghĩa yêu nước và nhân đạo sáng ngời "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, Lấy chí nhân để thay cường bạo" của nhân dân ta trong cuộc khởi nghĩa đó.

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi vẻ vang là do nhân dân ta có lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất quyết tâm giành lại độc lập tự do cho đất nước, toàn dân đoàn kết chiến đấu. 

Tất cả các tầng lớp nhân dân không phân biệt nam nữ,già trẻ, các thành phần dân tộc đều đoàn kết đánh giặc, hăng hái tham gia kháng chiến (gia nhập lực lượng vũ trang, tự vũ trang đánh giặc, ủng hộ, tiếp tế lương thực cho nghĩa quân v.v...).

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn gắn liền với đường lối chiến lược, chiến thuật đúng đắn, sáng tạo của bộ tham mưu, đứng đầu là các anh hùng dân tộc Lê Lợi, Nguyễn Trãi. Những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đã biết dựa vào dân, từ cuộc khởi nghĩa phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc quy mô cả nước, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ giải phóng đất nước.

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi đã kết thúc 20 năm đô hộ tàn bạo của phong kiến nhà Minh, mở ra một thời kì phát triển mới của xã hội, đất nước, dân tộc Việt Nam - thời Lê sơ.

Bài viết nhằm giúp cho độc giả nào chưa có điều kiện tìm hiểu lịch sử nước nhà có thêm kiến thức tham khảo, theo tinh thần "Dân ta phải biết Sử ta". Nguồn: SGK Sử lớp 7, tr. 89-90-91-92-93.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại