Tình hình kinh tế
Từ nửa sau thế kỉ XIV, nhà nước không còn quan târn đến sản xuất nông nghiệp, không chăm lo tu sửaa, bảo vệ đê điều, các công trình thủy lợi... nên nhiều năm bị mất mùa, đói kém. Nhiều nông dân phải bán ruộng đất, vợ, con cho các quý tộc, địa chủ giàu có và biến thành nô tì, bị bóc lột nặng nề.
Vào nửa sau thế kỉ XIV, có 9 lần vỡ đê, lụt lớn. Nhiều năm vừa bị hạn vừaa bị lụt, có hơn 10 nạn đói lớn. Nguyễn Phi Khanh đỗ Thái học sinh thời Trần, đã mô tả tình cảnh dân chúng bấy giờ như sau:
Ruộng lúa ngàn dặm như cỏ cháy
Đồng quê than vãn trông vào đâu ?
Lưới chài quan lại còn vơ vét
Máu thịt nhân dân cạn nửa rồi...
Vương hầu, quý tộc, nhà chùa, địa chủ nắm trong tay rất nhiều ruộng đất. Ruộng đất công ở các làng xã bị xâm lấn, khẩu phần ruộng đất của nông dân bị thu hẹp, đời sống ngày càng bấp bênh, cực khổ. Thế nhưng triều đình vẫn bắt dân nghèo mỗi năm phải nộp ba quan tiền thuế đinh.
Tình hình xã hội
Mặc cho đời sống của nhân dân sa sút nghiêm trọng, vua, quan, quý tộc nhà Trần vẫn lao vào cuộc sống ăn chơi sa đọa.
"Vua buông tuồng ăn chơi vô độ... nghiện rượu, mê đàn hát, xa xỉ làm cung điện nguy nga..., lãng phí tiền của, hoang dâm chơi bời ; món gì Dụ Tông cũng mắc ! Cơ nghiệp nhà Trần sao khỏi suy được ?".
(Khâm định Việt sử thông giám cương mục)
Quan lại, vương hầu quý tộc nhân đó thả sức ăn chơi xa hoa, bắt quân, dân xây dinh thự, chùa chiền liên miên. Trong triều, nhiều kẻ tham lam, nịnh thần làm rối loạn kỉ cương phép nước, triều chính bị lũng loạn.
Tư nghiệp Quốc tử giám là Chu Văn An đã dâng sớ lên vua đòi chém 7 tên nịnh thần, nhưng Dụ Tông không nghe. Ông đã xin "treo mũ" từ quan.
Nhà Trần càng suy sụp hơn từ sau khi Trần Dụ Tông chết (1369) và Dương Nhật Lễ lên nắm quyền (1369 - 1370).
Trần Dụ Tông không có con trai, Nhật Lễ là con nuôi của một đại vương nhà Trần đươc Hoàng thái hậu đưaa lên ngôi.
Nhà Trần còn bất lực trong việc đối phó với các cuộc tấn công của Chăm-pa và yêu sách ngang ngược của nhà Minh, đời sống nhân dân càng khổ cực. Bị áp bức bóc lột tàn tệ, nông dân, nô tì mẫu thuẫn ngày càng sâu sắc với giai cấp thống trị. Bởi vậy, họ đã vùng dậy đấu tranh mạnh mẽ.
Từ giữa thế kỉ XIV, nông dân, nô tì đã nổi dậy khởi nghĩa.
Cuộc khởi nghĩa của Ngô Bệ ở Hải Dương
Đầu năm 1344, Ngô Bệ hô hào nông dân ở Yên Phụ (Hải Dương) đứng lên khởi nghĩa. Bị quân đội triều đình đàn áp, khởi nghĩa thất bại. Đến năm 1358, Ngô Bệ lại nổi dậy ở Hải Dương, đến đầu năm 1360 thì bị giết.
Cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Thanh, Nguyễn Kỵ ở Thanh Hóa
Năm 1379, Nguyễn Thanh tụ tập nông dân khởi nghĩa, tự xưng là Linh đức vương, hoạt động ở vùng sông Chu (Thanh Hóa). Nguyễn Kỵ cũng xưng vương, hoạt động ở Nông Cống. Cùng năm 1379, Nguyễn Bổ nổi dậy ở Bắc Giang.
Lược đồ khởi nghĩa nông dân nửa cuối thế kỉ XIV
Cuộc khởi nghĩa của Phạm Sư Ôn ở Quốc Oai - Hà Nội
Đến năm 1390, nhà sư Phạm Sư Ôn hô hào nông dân nổi dậy ở Quốc Oai. Nghĩa quân hoạt động ở vùng Sơn Tây, lực lượng hùng hậu, đã kéo quân về đánh chiếm kinh thành Thăng Long trong ba ngày. Vua Trần phải bỏ thành chạy lên Bắc Giang. Sau đó, cuộc khởi nghĩa bị triều đình đàn áp.
Cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Nhữ Cái ở Sơn Tây
Năm 1399, Nguyễ Nhữ Cái nổi dậy khởi nghĩa, hoạt động ở vùng Sơn Tây, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang. Đến năm 1400, cuộc khởi nghĩa mới bị đàn áp.
Bài viết nhằm giúp cho độc giả nào chưa có điều kiện tìm hiểu lịch sử nước nhà có thêm kiến thức tham khảo, theo tinh thần "Dân ta phải biết Sử ta". Nguồn: SGK Sử lớp 7, tr. 74-75-76.