Sau chiến tranh, nhà Trần phát triển mạnh mẽ mọi mặt

B.T sưu tầm, SGK Sử 7 |

Thời nhà Trần, đời sống tín ngưỡng và văn hóa của nhân dân ta có nhiều biến chuyển. Một số thành tựu xây dựng, kỹ thuật vẫn còn lưu giữ được đến ngày nay

Đời sống văn hóa

Ở thời Trần, những tín ngường cổ truyền vẫn phổ biến trong nhân dân và có phần phát triển hơn như tục thờ tổ tiên, thờ các anh hùng dân tộc, những người có công với làng, nước v.v...

Đạo Phật phát triển, tuy nhiên không bằng thời Lý. Trong nước có nhiều người đi tu, kể cả những người thuộc giai cấp thống trị. Chùa chiền mọc lên ở khắp nơi.

Trần Nhân Tông về cuối đời đã tu ở núi Yên Tử (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh) và trở thành vị tổ thứ nhất của thiền phái Trúc Lâm ở Đại Việt. Đầu thế kỉ XIV, nhà nho Lê Văn Hưu đã nhận xét: "Nhân dân quá nửa làm sư, trong nước chỗ nào cùng có chùa".

Sau chiến tranh, nhà Trần phát triển mạnh mẽ mọi mặt - Ảnh 1.

Chùa tháp Phổ Minh (Nam Định)

Thời Trần, Nho giáo ngày càng phát triển do nhu cầu xây dựng bộ máy nhà nước của giai cấp thống trị. Các nhà nho được bổ nhiệm giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước. Địa vị của Nho giáo ngày càng được nâng cao.

Nhiều nhà nho được triều đình trọng dụng như Trương Hán Siêu, Đoàn Nhữ Hải, Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, đặc biệt là thầy giáo Chu Văn An.

Nhân dân ta ở thời Trần rất ưa thích các hình thức sinh hoạt văn hoá như ca hát, nhảy múa, chèo tuồng, múa rối, đấu vật, cướp cầu, đua thuyền... Bởi vậy các hoạt động văn hoá nói trên rất phổ biến và phát triển.

Tập quán sống giản dị như đi chân đất, áo quần đơn giản rất phổ biến. Nhưng bên trong sự giản dị đó là một dân tộc giàu tinh thần thượng võ, yêu quê hương, đất nước thiết tha và trọng nhân nghĩa.

Văn học

Nền văn học chữ Hán chứa đựng sâu sắc lòng yêu nước, tự hào dân tộc, được phát triển mạnh ở thời Trần. Nền văn học chữ Nôm bước dầu phát triển, xuất hiện một số nhà thơ Nôm nổi tiếng như Nguyễn Thuyên, Nguyễn Sĩ Cố, Hồ Quý Ly v.v...

Bấy giờ có nhiều tác gia nổi tiếng với những tác phẩm đặc sắc mà tiêu biểu là Trần Quốc Tuấn với Hịch tướng sĩ, Trần Quang Khải với bài thơ Phò giá về kinh, Trương Hán Siêu với Phú sông Bạch Đằng v.v.

Giáo dục và khoa học - kĩ thuật

Thời Trần, Quốc tử giám mở rộng việc đào tạo con em quý tộc, quan lại. Các lộ, phủ quanh kinh thành đều có trường công. Trong nhân dân, ở các làng xã có trường tư. Các kì thi được tổ chức ngày càng nhiều. Chu Văn An là một thầy giáo tiêu biểu thời Trần.

Trong Lịch triều hiến chương loại chí, Khoa mục chí ghi:

Năm 1246, nhà Trần định lệ thi thái học sinh (tiến sĩ) 7 năm một lần thi. Năm 1247, quy định chọn tam khôi (trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa) trong kì thi Đình.

"Phép thi thời Trần 7 năm một khoa, đặt ra tam khôi, điều lệ mỗi ngày một nghiêm ngặt, ân điển mỗi ngày một long trọng, công danh do đó mà ra, nhân tài đầy rẫy, so với triều Lý thì thịnh hơn nhiều".

Cơ quan chuyên viết sử ra đời (Quốc sử viện) do Lê Văn Hưu đứng đầu. Năm 1272, ông biên soạn xong bộ Đại Việt sử kí gồm 30 quyển. Đây là bộ chính sử đầu tiên có giá trị của nước ta.

Về quân sự, tác phẩm nổi tiếng Binh thư yếu lược của Trần Hưng Đạo đánh dấu bước phát triển về lý luận của quân sự của Đại Việt.

Trên lĩnh vực y học, người thầy thuốc nổi tiếng Tuệ Tĩnh đã nghiên cứu cây thuốc nam, tổng kết việc chữa bệnh bằng thuốc nam trong nhân dân. Một số nhà thiên văn học như Đặng Lộ, Trần Nguyên Đán cũng có những đóng góp đáng kể. Cuối thế kỉ XIV, Hồ Nguyên Trừng và các thợ thủ công giỏi đã chế tạo được súng thần cơ và đóng các loại thuyền lớn, có hiệu quả cao trong chiến đấu.

Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc

Nhiều công trình kiến trúc mới, có giá trị ra đời như tháp Phổ Minh (Nam Định), thành Tây Đô (Thanh Hoá)... Một số công trình được tu sửa lại có quy mô hơn như cung điện và Hoàng thành ở Thăng Long, cung Thái thượng hoàng ở Tức Mặc (Nam Định), tháp Bình Sơn (Vĩnh Phúc).

Chùa Phổ Minh (Nam Định) có nhà thủy tạ để lễ hội, có đỉnh đồng nặng hơn 1000 cân, ngoài chùa dựng toà tháp 14 tầng, cao hơn 20m.

Thành Tây Đô có tường cao gần 6m, được xây bằng những khối đá lớn. Thành có ba cổng chính, được xây theo kiểu vòm cuốn; xung quanh có hào sâu, cống ngầm thông trong ngoài. Phía trong thành là cung điện và dinh thự các quan.

Ở các lăng mộ vua và quý tộc Trần có nhiều tượng hổ, sư tử, trâu, chó và các quan hầu bằng đá. Hình rồng khắc trên đá trau chuốt, có sừng uy nghiêm.

Bài viết nhằm giúp cho độc giả nào chưa có điều kiện tìm hiểu lịch sử nước nhà có thêm kiến thức tham khảo, theo tinh thần "Dân ta phải biết Sử ta". Nguồn: SGK Sử lớp 7, tr. 71-72-73.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại