Đừng để tâm đến nỗi lo sợ
Trong văn hóa Phật giáo, “Hàn Văn Thập Đắc đối vấn lục” có mô tả một đoạn như sau.
Hàn Sơn tử là một dị nhân trong Phật giáo Trung Quốc đời nhà Đường, là người giữ vị trí quan trọng trong lịch sử Thiền tông.
Ông là một nhà thơ ẩn cư trên hang núi hẻo lành, thường đến viếng Thiền sư Phong Can ở chùa Quốc Thanh.
Tại đây, ông gặp một phụ bếp tên là Thập Đắc, là đứa trẻ được trụ trì chùa nhặt được và đưa về nuôi nấng.
Hàn Sơn gặp Thập Đắc, ông hỏi:
“Ở đời, nếu có người đánh tôi, mắng tôi, nhục nhã tôi, bắt nạt tôi, dọa dẫm tôi, lừa gạt tôi, chê bai tôi, khinh thường tôi, ăn hiếp tôi, cười nhạo tôi, đối xử khắc nghiệt với tôi, thì tôi phải làm thế nào?
Thập Đắc trả lời rằng:
“Phải làm sao ư? Ông chỉ cần nhẫn nhịn họ, tránh họ, nhường họ, kính họ, sợ họ, khiêm tốn với họ, không phản kháng họ, chẳng để ý tới họ, rồi một vài năm sau ông hãy chờ và nhìn lại họ xem".
Hàn Sơn lại hỏi:
“Còn có cách thức nào để có thể tránh khỏi họ được không?”
Thập Đắc đáp:
“Cũng không bàn phải quấy, cũng không luận gia đình, cũng không tranh nhân ngã, cũng không làm hảo hán. Mắng chửi cũng kệ thây, hỏi tới như người câm, đánh đập cũng không kể, xô tới ngã lật nhào”.
Khi còn trẻ, chúng ta rất ít người có thể hiểu được đạo lý bên trong đoạn đối thoại này. Nhiều người còn cảm thấy, đại sư hành xử như vậy quá yếu mềm.
Nhưng khi tuổi ngày một lớn, nhìn lại, chúng ta mới phát hiện sự trí tuệ được thể hiện bên trong.
Thời gian khiến con người trưởng thành, thêm một chút bình tĩnh, đạm nhiên, cuộc sống gian khổ mài giũa khiến chúng ta phải học cách buông tay, đối mặt, giúp cho nội tâm an bình hơn.
Người ta chỉ thật sự khỏe mạnh khi đạt được sự cân bằng cả về thể chất lẫn tinh thần.
Thi nhân Lục Du là một trong những người sống lâu nhất của thời cổ đại, sinh năm 1125 và mất năm 1210, thọ tới 85 tuổi.
Người ta cho rằng, bí quyết của việc trường thọ từ ông chính là một tấm lòng rộng lượng và nội tâm an bình.
Quan điểm sống này được thể hiện thông qua câu thơ của ông:
“Sơn trùng thủy phúc nghi vô lộ,
Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn.”
Dịch nghĩa là: Núi lại núi khe lại khe ngỡ là không có đường, liễu rậm hoa tươi lại có làng.
Một lần, mái nhà của Lục Du bị gió bão quất rơi, hỏng mất một nửa, vách tường cũng bị xối ướt nhẹp, trong nhà lại không còn chút lương thực nào để ăn.
Gặp cảnh tượng tiêu điều như vậy, người thường đã suy sụp từ lâu. Nhưng thay vì lo lắng điều đó, Lục Du lại hứng khởi lấy giấy bút ra để làm ngay một bài thơ.
Có thể thấy rằng, đời người không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, luôn sẽ có những thất bại và khó khăn, nhưng những tâm thái đối mặt khác nhau sẽ dẫn tới những kết quả hoàn toàn khác nhau sau này.
Một người có tinh thần lạc quan luôn có thể nhanh chóng thoát khỏi cảm giác suy sụp, lấy lại sự bình tĩnh, và từ đó lĩnh ngộ được những bài học quan trọng.
Ngược lại, những ai có xu hướng suy nghĩ bi quan sẽ luôn hãm sâu trong nguồn năng lượng tiêu cực, gây căng thẳng thần kinh, chèn ép tư duy lúc nào cũng nơm nớp lo sợ.
Nên biết rằng, người có vui buồn hợp tan, trăng có lúc tròn lúc khuyết. Bình tĩnh khi có được, bình tĩnh khi mất đi, hết thảy tùy duyên, thích ứng trong mọi hoàn cảnh.
Đối mặt với sự vô thường xung quanh của vạn vật, giữ một tâm trạng bình an và khỏe mạnh mới chính là điều quan trọng nhất.
Thế nào mới đạt được bình an trong nội tâm?
Mọi chuyện trên đời đều có hai mặt tốt và xấu. Ví dụ như mưa xuân với người du xuân là một điều chán ghét vì ẩm ướt, bẩn thỉu, nhưng với người trồng trọt lại là dấu hiệu vui mừng, báo hiệu thời tiết thích hợp, mùa màng tươi tốt.
Cho nên, con người dù giỏi giang đến đâu cũng sẽ có người khen kẻ chê, không phải ai ai cũng yêu mến.
Vậy nên, chúng ta tức giận khi đối mặt với định kiến của người khác để làm gì? Trước những lời nói khó nghe, hãy đặt nó sau lưng, quay đi ăn một bữa thật ngon, ngủ một giấc thật sâu, vậy là hết thời gian để lãng phí tâm tính tình cảm.
Dùng nụ cười để đối mặt cuộc sống, dùng chân tình để viết nên nhân sinh. Giữ tâm bình tĩnh mới có thể tỉnh táo đối mặt với vấn đề.
Bớt thể hiện tính tình mới có thể chan hòa kết nối với mọi người xung quanh. Lòng dạ phóng khoáng một chút, chúng ta mới tìm về sự an bình hạnh phúc và đơn giản nhất trong nội tâm.
Trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử viết: “Phu duy bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh”, nghĩa là vì không tranh giành, cho nên thiên hạ không ai tranh giành với mình.
Thứ nhất, người không tranh không phải vì yếu nhược. Quân tử coi trọng đạo nghĩa, tiểu nhân coi trọng ích lợi. Tranh danh đoạt lợi chỉ là hành vi am hiểu của kẻ tiểu nhân. Làm người quân tử tranh không lại họ, tốt nhất cũng đừng tranh.
Thứ hai, tranh đi đoạt lại vốn là chuyện mất thời gian mà chẳng được lợi lộc gì. Tranh thua, chúng ta mất mặt. Tranh thắng, chúng ta mất tình. Danh dự và quan hệ đều là những nhân tố quan trọng, không thể đánh mất bất cứ điều gì.
Vì thế, hãy dùng sự bình tĩnh để đối mặt với mọi chuyện. Cho dù môi trường thay đổi như thế nào, hoàn cảnh dần trở nên khó khăn và khắc nghiệt ra sao, chúng ta hãy đặt trọng tâm mọi sự chú ý vào chính bản thân mình.
Quan tâm sức khỏe thể chất và tinh thần đầy đủ mới là cách tốt nhất để bảo vệ những tài sản vô giá mà cuộc sống ban cho.
Phải biết rằng, sự giàu có thực sự đến từ tinh thần. Nếu để nỗi lo sợ ngự trị, chiếm lĩnh tâm trí, bạn sẽ không bao giờ có thể đạt được sự yên bình thanh thản.
Tâm có an, thì sự sống mới lạc, con người mới yên. Bảo vệ bản thân từ chính nội tâm bên trong là biện pháp bền vững nhất.