Ngày Nhà giáo Việt Nam đã qua được 1 tuần nhưng mới đây, dân tình lại được dịp xúc động trước sự xuất hiện của một món quà 20/11 muộn vô cùng đặc biệt. Món quà này xuất hiện trong đoạn clip ngắn được cô giáo trẻ tên Thu Hà (Quảng Bình) đăng tải trên TikTok cá nhân và đã nhận về hơn 23k lượt thả tim vì vừa dễ thương vừa ý nghĩa.
Món quà 20/11 muộn đầy ý nghĩa
Theo đó, xuất hiện trong đoạn clip là cảnh hàng loạt các em học sinh còn nhỏ xíu cầm trên tay túi gạo. Hỏi ra mới biết, những túi gạo này chính là món quà 20/11 mộc mạc mà các em muốn gửi tới cô giáo của mình - cô giáo Thu Hà. Từ biểu cảm ngượng ngùng đến những bộ trang phục giản dị có phần cũ kỹ các em đang mặc rồi cả túi nylon đựng gạo trắng các em tặng cô... tất cả đều khiến dân tình không nhịn được mà "ôm tim".
"20/11 năm nay vào Chủ nhật, mình đã nghĩ các con sẽ không nhớ để chúc cô. Vậy mà hôm thứ 2 mình lên lớp, các con đã nói có gạo tặng cô. Cảm giác khi ấy khó tả lắm, xúc động và thương vô bờ bến", Thu Hà bùi ngùi.
Hình ảnh các em nhỏ vùng cao cầm trong tay túi gạo đem tặng cô giáo làm quà khiến ai cũng xúc động
Được biết, Thu Hà sinh năm 1996, hiện là giáo viên tiểu học dạy ở trường Tiểu học & THCS Dân Hoá - một điểm trường vùng cao thuộc huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Clip trên được cô giáo trẻ quay từ đầu tuần nhưng mới chia sẻ lên MXH và thu hút nhiều sự chú ý.
Nói thêm về món quà mình nhận được, Thu Hà cho biết thóc gạo đối với nhiều người chỉ là lương thực ăn hàng ngày không đáng giá nhưng với những người dân vùng cao, đây thực sự là thứ có giá trị nhất nhì trong nhà. Bởi vậy nên việc được các em học sinh tặng gạo khiến Hà rất xúc động: "Có bạn thì nhà năm nay bố mẹ làm gạo mới nên tặng cô, có bạn tuy năm nay không làm nhưng còn gạo của năm ngoái lấy tặng cô. Các con chẳng có tiền mua quà đâu, gạo là thứ quý nhất trong nhà rồi nên quý lắm...".
Thu Hà hiện đang là giáo viên tiểu học tại một điểm trường vùng cao của tỉnh Quảng Bình
Thu Hà mới về công tác tại trường PTDT bán trú TH và THCS Dân Hóa được 2 năm. Làm giáo viên vùng cao đồng nghĩa với vô vàn khó khăn, không chỉ đi lại vất vả mà Hà cùng các đồng nghiệp còn thường xuyên phải làm công tác tinh thần, vận động học sinh đi học đều.
"Phụ huynh trên này suốt ngày đi làm trên rẫy, đi làm xa, nên trẻ con đứa thì ở với ông bà, đứa ở họ hàng. Đôi khi thiếu sự quan tâm của bố mẹ nên các con không đi học, các thầy cô lại cuống cuồng đi tìm để chở các con tới lớp. Lắm lúc phải lội suối đi vận động để các con đi học lại luôn...", Hà kể.
Nhưng bù lại, quá trình dạy học ở đây cũng mang về cho Thu Hà rất nhiều kỉ niệm và tình cảm. Một trong những kỉ niệm Hà nhớ nhất là một lần có bạn trong lớp đọc yếu, đọc sai nhiều nên bị Hà mắng. Bạn khóc, vừa khóc vừa đọc theo yêu cầu cô nhưng hết buổi học lại cười và không giận cô nữa, cô chỉ trêu một chút đã cười tít mắt. Hay đơn cử như những túi gạo 20/11 mà Hà nhận được, đi kèm theo đó là những nụ cười ngại ngùng mà đầy ngây thơ từ đám học trò nhỏ.
Những điểm trường vùng cao rất đơn sơ...
Thế nhưng các em học sinh ở đây đều hiếu học và sống rất tình cảm
"Lúc đầu, mình không định theo con đường giáo viên đâu, vì bố mình cũng là giáo viên vùng cao mấy chục năm rồi, khó khăn đủ đường. Thấy bố vất vả quá, mình cũng chùn bước. Nhưng thấy cảnh bố đi dạy được người dân và học sinh rất quý, lúc cho măng, lúc cho gạo, lúc cho rau, mọi thứ đều bình dị chân thật..., tự nhiên mình cảm thấy yêu con người ở đây đến lạ.
Thế là dòng đời đưa đẩy mình lại tiếp nối con đường của bố. Họ nói lương giáo viên dạy trên vùng dân tộc cao lắm, điều này mình không phủ nhận. Đúng là có khá hơn dưới xuôi nhưng ai đã làm việc trên này rồi mới hiểu được sự vất vả của các thầy cô như thế nào thôi", Thu Hà chia sẻ.
Trong thời gian sắp tới, Thu Hà không có dự định gì đặc biệt. Tuy nhiên, cô giáo trẻ khẳng định một điều rằng một khi còn dạy ở vùng cao, cô sẽ cố gắng dùng hết tâm huyết để giúp các học sinh có một tương lai tươi sáng hơn.
Một vài hình ảnh khác của cô giáo trẻ với nhan sắc cực xinh đẹp
Ảnh + Clip: NVCC