Video cho thấy máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (UAV FPV) đang đuổi theo chiếc xe tăng Abrams dọc theo một con đường trước khi tấn công vào phía sau tháp pháo của xe.
Năm chiếc tăng Abrams được xác nhận đã bị phá hủy vào giữa tháng 4. Video mới nhất sẽ nâng tổng số xe tăng Abrams bị bắn hạ lên 7 chiếc.
Video mới xuất hiện chỉ ba ngày sau khi Bộ Quốc phòng Nga công bố cảnh một chiếc Abrams khác và xe chiến đấu bộ binh Bradley (IFV) bị phá hủy gần Avdiivka.
Thời gian gần đây, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, nhiều chiếc M1 Abrams đã bị phá hủy trong giao tranh, một số chiếc khác bị hư hại ở các mức độ khác nhau.
Một trong những xe tăng Abrams bị phá hủy trên mặt trận Avdiivka đã được quân đội Nga trục vớt và mang về Moskva trưng baỳ chiến tích trước lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5.
Xe tăng M1 Abrams do Mỹ chế tạo bắt đầu xuất hiện trên chiến trường Donetsk từ cuối tháng 2 khi quân đội Ukraine cố gắng ngăn chặn bước tiến của Nga, sau khi thành phố chiến lược Avdiivka thất thủ vào đầu tháng.
Washington cam kết cung cấp 31 xe tăng M1 Abrams và một số xe rà phá bom mìn M1150 cho Ukraine vào đầu năm ngoái trước cuộc phản công mùa hè. Việc chuyển giao chỉ được thực hiện đầy đủ vào giữa tháng 10, khi đà tiến công của Ukraine phần lớn đã cạn kiệt.
Lớp giáp dày khiến các xe tăng Abrams trở nên nặng nề nhưng động cơ mạnh mẽ giúp nó di chuyển dễ dàng. Trước đó, xe tăng này được kỳ vọng sẽ mang đến yếu tố bất ngờ nhất định trong giao tranh và xét về khả năng tấn công, nó được thiết kế để đánh bại xe bọc thép Liên Xô.
Tuy nhiên, Abrams không phải không có những hạn chế của riêng mình. Động cơ của xe tăng này ngốn nhiều xăng và việc bảo trì nó phức tạp. Điều này gây ra vấn đề đối với các tuyến hậu cần vốn đã bị kéo căng của Ukraine.