Ngày 25/08, Văn Lâm cùng CLB Muangthong United đánh bại Suphanburi 4-1 tại vòng 25 Thai League 2019. Cá nhân thủ thành sinh năm 1993 đã có một trận đấu khá nhàn nhã, anh không phải hoạt động quá nhiều khi các đồng đội ở tuyến trên đã làm rất tốt.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất trong trận đấu này lại là khoảnh khắc Văn Lâm nắm tay em gái Đặng Thanh Giang ra sân trong trận đấu cuối cùng tại Thai League trước khi hội quân cùng ĐT Việt Nam. Thanh Giang đã đã được trải nghiệm cảm giác làm một "player escort" hay "match mascot" (thuật ngữ chỉ những đứa trẻ cùng cầu thủ ra sân trước mỗi trận đấu).
Cô bé Thanh Giang đã không giấu được sự phấn khích và sung sướng khi có được trải nghiệm đặc biệt này khi chia sẻ đoạn video của Muangthong United lên trang cá nhân cùng dòng trạng thái ngắn gọn "giấc mơ trở thành sự thật".
Văn Lâm quả là một người anh trai đáng ngưỡng mộ. Trong suốt quãng thời gian Thanh Giang ở Thái Lan, cô bé đã được Văn Lâm đưa đi du lịch, shopping thỏa thích và giờ lại được tham gia vào một trận đấu tại Thai League với vai trò đặc biệt. Trên khán đài sân SCG ngày hôm qua, ông Đăng Văn Sơn, bố ruột cũng có mặt để cổ vũ cho con trai. Chắc hẳn ông cũng đã rất hạnh phúc khi chứng kiến hai người con của mình nắm tay nhau bước ra từ đường hầm tiến vào sân đấu.
Ở một diễn biến khác, cô bạn gái của Văn Lâm, Yến Xuân cũng sẽ trở về Việt Nam trong quãng thời gian bạn trai tập trung cùng ĐTQG. Trên trang cá nhân, cô nàng đăng tin tìm học viên dạy trực tiếp tại TP. Hồ Chí Minh từ 26/08, đúng thời điểm Văn Lâm bay về Việt Nam.
Một "player escort" hay "match mascot" có ý nghĩa như thế nào trong bóng đá?
Mỗi đứa trẻ đại diện cho các cầu thủ được gọi là "player escort" hay "match mascot". Truyền thống này chỉ bắt đầu từ giữa thập niên 90.
Dù cho trẻ em đã được ra sân từ cuối thập niên 90, nhưng mãi đến World Cup năm 2002 thì nguyên nhân mới được tiết lộ chính thức.
FIFA cho biết họ đã đồng ý kết hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) trong chiến dịch "Say Yes for Children" (tạm dịch: Hãy nói Có để giúp đỡ trẻ em).
Giữa bối cảnh cuối thập niên, đầu 2000 - thời khắc chuyển giao giữa hai thiên niên kỷ - có thể nói các giải đấu thể thao đã thu hút sự quan tâm lớn từ người hâm mộ. Trong khi đó, quyền lợi của trẻ em vẫn chưa được trọn vẹn tại nhiều nơi trên thế giới.
Lúc này, chiến dịch kết hợp từ FIFA và UNICEF là một hành động thật ý nghĩa và thông minh. Mục đích của nó là "cải thiện cuộc sống, bảo vệ tính mạng của trẻ em trên toàn thế giới" với mong muốn "bóng đá sẽ cùng tạo ra sự khác biệt cho trẻ em".