Loài sói ở Đan Mạch đã biến mất từ thế kỷ 19. Thế rồi bỗng dưng người ta thấy một đàn sói hoang xuất hiện ở quốc gia này, lần đầu tiên sau 200 năm.
Tất cả đều cảm thấy háo hức chờ đợi sự phục sinh của loài thú " không dành cho rạp xiếc ". Nhưng đó là trước khi thảm kịch kinh khủng này diễn ra.
Chuyện bắt đầu trên một cánh đồng tại Jutland (Đan Mạch). Tại đó có 2 nhiếp ảnh gia đang dõi một con sói, lướt qua cánh đồng một cách khoan thai. Nó là con sói cái duy nhất trong vòng 200 năm qua.
Bên vệ đường, có một chiếc xe màu xanh đang đậu, ở trong một người đàn ông đang mở cửa sổ và nhìn ra ngoài.
2 nhiếp ảnh gia đang quay phim, và họ cứ mải mê với công việc của mình, cho đến khi một tiếng súng vang lên. Con sói cái duy nhất ấy gục xuống.
Chiếc xe nhanh chóng rời khỏi hiện trường, để lại 2 nhà nhiếp ảnh đang sững sờ, cuống cuồng gọi cảnh sát.
Vốn dĩ loài sói đã biến mất tại Đan Mạch từ năm 1813. Đến năm 2012, 4 con sói đực xuất hiện. Nhưng phải đến cuối năm 2017, các nhà khoa học mới dám hy vọng vào một sự phục sinh của loài sói, khi một cô sói cái đã di chuyển hơn 500km từ Đức sang Đan Mạch để gia nhập đàn 4 con này.
Vậy mà niềm hy vọng ấy bị chấm dứt từ quá sớm. Viễn cảnh loài sói sẽ phát triển thịnh vượng tại Đan Mạch trở nên ngày càng xa vời.
Cảnh sát sau đó đã bắt được một người đàn ông 66 tuổi - được cho là hung thủ đã bắn con sói. Tuy nhiên, người này phủ nhận mọi cáo buộc, nên cảnh sát vẫn đang tiếp tục điều tra.
Ảnh minh họa
"Người này phủ nhận đã bắn con sói, nhưng cũng từ chối hợp tác cung cấp thông tin." - người phát ngôn tại sở cảnh sát cho biết. Chiếc xe của người này cũng đã bị thu giữ.
Theo các trang tin từ Đan Mạch, có thể con sói đã đi ngang qua vùng đất của người đàn ông này nên mới bị bắn chết.
Đây được cho là kết quả của sự bất đồng giữa con người và khoa học. Trong khi khoa học đang rất vui mừng với sự trở lại của loài sói, thì nông dân Đan Mạch chẳng mấy thích thú. Họ chỉ biết rằng lũ sói đang tấn công cừu của mình mà thôi (dù ở trường hợp này, cô sói cái cũng chưa làm gì sai cả).
Tham khảo: IFL Science, Guardian.