Thử liệt kê danh sách các loại rác gây lãng phí bậc nhất, chúng ta có thực phẩm, rác nhựa, và giấy.
Trên thực tế, con người đang dần ý thức tác động của lượng rác thải khổng lồ đến môi trường mỗi năm, và đang tìm cách sử dụng tiết kiệm, tăng cường tái chế các loại vật dụng, rác thải.
Tuy nhiên, có một loại rác đứng hàng "top" về độ lãng phí, nhưng chẳng có ai buồn nghĩ đến việc tái chế chúng cả. Đó là giấy vệ sinh, loại đã qua sử dụng!
Theo như thống kê từ một số tổ chức môi trường, thì trung bình mỗi người châu Âu xả đi khoảng 14kg giấy vệ sinh/năm. Con số thậm chí còn lớn hơn tại các quốc gia như Mỹ, và quả thực, đó là sự lãng phí kinh khủng.
Một sự lãng phí khủng khiếp
Tuy nhiên mới đây, một nhà hóa học từ ĐH Amsterdam (UvA - Hà Lan) đã "dám" dấn thân vào lĩnh vực này.
Ông cho rằng, con người đã chưa tận dụng hết được tiềm năng thực sự của giấy vệ sinh, trong khi nó thực sự là nguồn cung carbon rất dồi dào. Và nhờ vậy, ông cùng các cộng sự đã nghĩ ra cách cực kỳ đơn giản, giúp biến giấy vệ sinh thành điện.
Theo lý thuyết, nếu lấy số giấy do người dân Amsterdam thải ra mỗi năm (khoảng 10.000 tấn) là đủ điện cho 6.400 hộ gia đình sử dụng - một hiệu năng cực kỳ ấn tượng.
Hơn nữa về cơ bản, 80% thành phần giấy vệ sinh là cellulose lấy từ cây cối, vậy nên đây là nguồn năng lượng có thể tái tạo. Và quan trọng hơn, người tiêu dùng có thể được trả tiền để giao lại số giấy họ đã sử dụng.
Tưởng tượng, bạn đi cầu, sau đó có người đưa tiền cho bạn - còn gì tuyệt vời hơn?
Giáo sư Gadi Rothenberg từ Uva - chủ nhiệm nghiên cứu chia sẻ, bản chất của phương pháp là biến đổi các chất hữu cơ làm nên giấy vệ sinh trở thành carbon monoxide, hydrogen, và CO2. Kế đó, họ sẽ sử dụng nhiên liệu oxide rắn để chuyển đổi các loại khí thành điện cho con người sử dụng.
Hiệu suất chuyển đổi hiện tại rơi vào khoảng 57% - tức là gần tương đương với hiệu suất quay vòng năng lượng trong các nhà máy điện từ khí thiên nhiên. Và nếu thành công, chi phí sẽ tương đương với hệ thống điện từ năng lượng Mặt trời tiên tiến nhất hiện nay.
"Khi chúng tôi thảo luận kết quả nghiên cứu với một số công ty, tất cả đều cảm thấy thích thú" - giáo sư Rothenberg cho biết.
Hiện tại, đây vẫn là công nghệ ước mơ của tương lai. Nhưng Rothenberg tin rằng mô hình tái chế này sẽ sớm được áp dụng tại Hà Lan và nhiều quốc gia trên thế giới. Thời gian đầu, có thể chi phí sẽ cao, nhưng dần dần có thể giảm xuống nhờ thị trường mở rộng hơn.
Nguồn: Energy Technology, IFL Science