Trí thông minh bẩm sinh quyết định bao nhiêu phần trăm đến thành công trong tương lai? Nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel năm 2000 James Heckman đã hỏi những các chính trị gia và các nhà hoạch định chính sách, hầu hết họ trả lời 25-50%. Tuy vậy, nghiên cứu của James Heckman và cộng sự đã chỉ ra IQ không liên quan gì nhiều đến thành công, mức độ ảnh hưởng chỉ khoảng 1-2%.
Theo nghiên cứu của Heckman và cộng sự đăng trên Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ năm 2016, Heckman đã nhận thấy thành công về tài chính có tương quan với sự tận tâm, bao gồm cả sự siêng năng, kiên trì và kỷ luật tự giác.
Nhà kinh tế học James Heckman
Để đi đến kết luận này, các nhà nghiên cứu đã xem xét 4 bộ số liệu về điểm IQ, kết quả bài kiểm tra năng lực cơ bản, điểm số ở trường học và đánh giá tính cách của hàng nghìn người ở Anh, Mỹ và Hà Lan. Sau đó, họ tính toán mức độ chặt chẽ của từng yếu tố này dự đoán thu nhập trong tương lai.
Nghiên cứu cho thấy điểm số và kết quả kiểm tra là những yếu tố dự đoán tốt hơn một cách rõ rệt về thành công của người trưởng thành so với điểm IQ. Đáng chú ý, theo Heckman, điểm số phản ánh không chỉ trí thông minh mà còn cả những gì ông gọi là “kỹ năng phi nhận thức”, chẳng hạn như tính kiên trì, thói quen học tập tốt và khả năng hợp tác hay nói cách khác là sự tận tâm.
Heckman, người đồng sáng lập của Trung tâm Kinh tế phát triển Con người thuộc Đại học Chicago (Mỹ), tin rằng thành công không chỉ xuất phát từ khả năng bẩm sinh mà nó còn phụ thuộc vào những kỹ năng được trau dồi và nuôi dưỡng trong suốt giai đoạn trưởng thành. Nghiên cứu của ông đã khẳng định tầm quan trọng của nuôi dạy trẻ trong giai đoạn hình thành tính cách. Đặc biệt là sự cởi mở, tò mò và bền bỉ đều có thể dạy và tác động đến điểm kiểm tra và điểm số.
(Ảnh minh hoạ)
Dù vậy IQ vẫn quan trọng. Một người có chỉ số IQ 70 sẽ không làm mọi việc dễ dàng như một người có chru số IQ 190. Nhưng theo Heckman, nhiều người IQ cao vẫn thất bại khi tham gia vào thị trường việc làm bởi không biết cách xư xử lịch sự trong buổi phỏng vấn xin việc, đến muộn, ăn mặc không chỉnh tề hoặc trong quá trình làm việc, họ thể hiện rằng mình sẽ không làm nhiều hơn mức tối thiểu.
John Eric Humphries, đồng tác giả của nghiên cứu trên, cho biết mình hy vọng công trình của họ có thể làm sáng tỏ quan điểm sai lầm về khả năng của con người. Trong một nghiên cứu năm 2011, nhà tâm lý học Angela Duckworth của Đại học Pennsylvania (Mỹ) nhận thấy rằng điểm IQ thực chất phản ánh cả động lực và nỗ lực của người làm bài kiểm tra. Những đứa trẻ siêng năng sẽ làm bài chăm chỉ hơn để trả lời những câu hỏi khó hơn những đứa trẻ thông minh nhưng lười biếng.
Nhà tâm lí học Duckworth dành nhiều năm để nghiên cứu về con người và sự thành công. Cô cho rằng bí quyết của thành công không chỉ có trí tuệ mà còn bao gồm cả 2 yếu tố đam mê và kiên trì. "Nền tảng tốt nhất của thành công là kết hợp của đam mê và kiên trì. Nói một cách khác, những người thành công đã rất bền bỉ theo đuổi đam mê của họ", cô nhấn mạnh.
Sự kiên trì là khả năng chăm chỉ, sẵn sàng đối mặt và vượt qua những khó khăn, trở ngại, thậm chí là thất bại để đạt được mục tiêu. Những người kiên trì luôn bền bỉ và cải tiến phương pháp thực hiện để tiến gần tới mục tiêu của họ hơn. Còn niềm đam mê giúp con người không từ bỏ ước mơ ngay cả trong thời điểm bế tắc nhất.
Nhà tâm lý học Angela Duckworth
Không giống việc IQ càng cao thì càng tốt, các nhà nghiên cứu gợi ý mức độ trung bình là trạng thái tốt nhất để thành công, không hướng nội đến mức không thể lên tiếng hoặc quá hướng ngoại đến mức không thể im lặng và lắng nghe. Các chuyên gia tâm lý học cho rằng chúng ta sẽ tự làm hại mình nếu coi tính cách là cố định và không linh hoạt. Khoa học đã chứng minh tính cách và hành vi của con người có thể bị thay đổi mạnh mẽ bởi hoàn cảnh hay đam mê mới.