Trái Đất đã trải qua một thời gian dài từ thuở sơ khai, khi mà sự sống chỉ mới ở dạng đơn bào đơn giản và trải qua hơn 4 tỷ năm để trở thành hành tinh có sự sống sôi động nhất Hệ Mặt Trời.
Sức sống mãnh liệt từ những lần Đại Tuyệt chủng trong lịch sử
Và con người cũng không nằm ngoài quy luật của sự sống. Ảnh Guerrilla World Press - WordPress.com
Nhưng sự sống không phát triển một cách êm đềm, thuận lợi mà trải qua sự đấu tranh sinh tồn để có thể tồn tại cho tới ngày nay. Trong đó, những lần Đại Tuyệt chủng có thể xem là những bước ngoặt lớn đối với tất cả các sinh vật sống.
Trải qua 5 lần Đại Tuyệt chủng chính đầy khắc nghiệt và biến động, giờ đây sự sống vẫn phát triển mạnh mẽ trên hành tinh xanh như một minh chứng về sức sống mãnh liệt từ đám tro tàn đổ nát của sự sống.
5 cuộc Đại Tuyệt chủng lớn nhất lịch sử Trái Đất
1. Tuyệt chủng Ordovic - Silur (cách đây 440 đến 450 triệu năm) do một vụ nổ gamma gần Trái Đất khiến 17% số họ và 1 nửa các chi động vật bị biến mất vì thời kỳ băng hà khắc nghiệt kéo dài hơn 1 triệu năm.
2. Tuyệt chủng Devon (cách đây 360 triệu năm) do thiên thạch và chạm ở đại dương khiến 19% số họ, 50% số chi và 70% số loài biến mất sau 20 triệu năm tuyệt chủng liên hoàn kéo dài do ảnh hưởng sinh thái.
3. Tuyệt chủng Permi - Trias (lớn nhất lịch sử) với 90% sinh vật biển và 70% sinh vật đất liền biến mất do sự vận động kiến tạo của Trái Đất như núi lửa, động đất kết hợp với va chạm thiên thạch càng làm cuộc Đại Tuyệt chủng trở nên tồi tệ hơn,
4. Tuyệt chủng Trias - Jura (cách đây gần 200 triệu năm) khiến 23% số họ, 48% số chi biến mất mà nguyên nhân chưa thật sự rõ ràng (theo các nhà khoa học thì có thể là do núi lửa phun trào hoặc va chạm sao băng tạo nên hồ Manicouagan, Canada lúc bấy giờ.
5. Tuyệt chủng Creta - Paleogen (cách đây khoảng 66,5 triệu năm) khiến các loài khủng long tuyệt chủng cùng 17% số họ, 50% số chi và 75% số loài biến mất do va chạm thiên thạch và sự hoạt động mạnh của núi lửa.
Có thể thấy, các cuộc Đại Tuyệt chủng trên quy mô lớn đều xuất phát từ tự nhiên như va chạm thiên thạch, sao băng hay sự thay đổi mực nước biển, động đất, núi lửa... và không theo quy luật nào.
Sau mỗi cuộc Đại Tuyệt chủng, lớp sinh vật cũ biến mất và được thay thế bởi lớp sinh vật có khả năng tồn tại và thích nghi tốt hơn, đó chính là quy luật phát triển và tiến hóa của sự sống mà nhà bác học Darwin đã tìm ra.
Đây cũng là một quy luật tất yếu của sự sống, theo thời gian, quy luật này vẫn không hề thay đổi, do đó một cuộc Đại Tuyệt chủng lớn lần thứ 6 là điều không ai có thể đoán được sẽ xảy ra vào lúc nào!?
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, cuộc Đại Tuyệt chủng này đã âm thầm khởi động và bắt đầu, mà nguyên nhân lần này không tới từ tự nhiên, chính con người mới là tác nhân chính gây ra biến cố lịch sử này.
Cuộc đại Tuyệt chủng lần thứ 6 đã bắt đầu...
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang dần hiện nguyên hình và thể hiện sự tác động sâu sắc tới mọi ngóc ngách của Hành tinh Xanh, sự mất cân bằng sinh thái, suy thoái sinh cảnh, môi trường tự nhiên bị tàn phá...
Con người đang không chỉ đẩy các sinh vật khác vào bờ vực cái chết, chính chúng ta cũng đang tiến gần hơn tới cái bờ vực ấy.
Có một sự thật đáng lo ngại và có thể khiến bạn giật mình, đó là tốc độ tuyệt chủng hiện nay nhanh gấp 4.000 lần so với Đại Tuyệt chủng thời kỳ khủng long.
Chúng ta đang cướp đi ngôi nhà chung của các loài động thực vật, tác động hủy hoại tới không chỉ rừng mà cả đại dương, hầu như không có nơi đâu là không có bàn tay con người. Dù sâu dưới biển hay ở tận cùng hai cực.
Nếu như trước kia, các nhà khoa học dự đoán chưa đầy 1 thế kỷ nữa, cuộc Đại Tuyệt chủng sẽ chính thức bắt đầu thì nay, "cơn ác mộng" này đã tới sớm hơn rất nhiều và đã bắt đầu diễn ra.
Nếu không có sự thay đổi tích cực nào trong 20 năm, cả con người cũng sẽ là nạn nhân của thảm họa này. Nguyên nhân chính dẫn tới cuộc Đại Tuyệt chủng lần này được cho là sự phá hủy sinh học (biological annihilation) do tác động của con người.
Kể từ năm 1993 tới này, số lượng sư tử tại châu Phi đã giảm tới 43%, con người dường như đang bất chấp sự sống của các sinh vật khác để mở rộng sự sống cho bản thân mình, hoạt động công nghiệp hay nông nghiệp, sự phát triển đô thị đang dần thu hẹp phạm vi sống của các sinh vật khác.
Biểu đồ cho thấy gần 50% số lượng sư tử đã biến mất chỉ trong 1 thập kỷ ở châu Phi. Ảnh MailOnline.
Các nhà khoa học tới từ hai trường Đại học Stanford (Mỹ) và Mexico City (Mexico) đã công bố kết quả nghiên cứu của mình trên Tạp chí Khoa học Proceedings of the National Academy chỉ ra tốc độ biến mất của nhiều loài sinh vật.
Theo đó, tốc độ biến mất của lớp động vật có xương sống trong khoảng cuối thập kỷ này là 2 loài/năm (so với tốc độ 2 loài/100 năm khoảng 2 triệu năm trước đây).
Biểu đồ cho thấy 1 số loài khác cũng chịu chung số phận như sư tử. Ảnh Đại học Stanford.
Dường như gia tốc tuyệt chủng đang ngày càng tăng lên mà không hề có dấu hiệu chững lại, dù có vẻ âm thầm nhưng lại là khởi đầu cho một thảm kịch trong tương lai không xa.
Nghiên cứu cũng chỉ ra 1/3 các loài sống trên Trái Đất đang chịu chung số phận khi số lượng loài giảm đi rất nhiều với tốc độ nhanh, thậm chí gần 1 nửa các động vật có vú trên đất liền đã giảm 80% loại trong suốt cuối thập kỷ vừa qua.
Biểu đồ số lượng tính theo phần trăm các sinh vật đã bị tuyệt chủng trên các khu vực của Trái Đất. Ảnh Đại học Standford.
Theo biểu đồ trên, có tới 177 loài động vật có vú ở các lục địa trên thế giới đang bị giảm số lượng nặng nề (khu vực sẫm màu) thông qua việc nghiên cứu và phân tích 27.600 động vật có vú, bò sát và lưỡng cư.
Báo cáo cho hay: "Khoảng 50% số lượng các cá thể động vật chung sống trên Trái Đất cùng với chúng ta đã biến mất, tức khoảng nghìn tỷ số lượng sinh vật".
"Chúng tôi nhấn mạnh rằng cuộc Đại Tuyệt chủng lần thứ 6 đã thật sự bắt đầu và chúng ta chỉ có thời gian rất ngắn là 2 đến 3 thập kỷ để thay đổi điều này".
Bài viết được dịch từ nguồn: Dailymail.co.uk.