Khó khăn bủa vây, Vodka Hà Nội tiếp tục chìm trong thua lỗ, số lỗ lũy kế đã tăng lên 434 tỷ đồng

PV |

9 tháng 2020, công ty sở hữu thương hiệu Vodka Hà Nội tiếp tục báo lỗ hơn 20 tỷ đồng và kéo dài chuỗi ngày thua lỗ. Điểm tích cực là số lỗ này đã giảm so với cùng kỳ năm trước.

Công ty cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico), đơn vị sở hữu thương hiệu Vodka Hà Nội vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2020.

Theo đó, doanh thu thuần quý 3 năm nay đạt 23,5 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy doanh thu giảm, nhưng lợi nhuận gộp lại tăng tới gần 60%, đạt 3,9 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, khoản lợi nhuận gộp này vẫn rất nhỏ khi so với các khoản chi phí mà Halico phải trả, gồm chi phí bán hàng gần 7 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp gần 4 tỷ đồng. Kết quả quý 3, Halico lỗ 5,5 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu đạt 76 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ và số lỗ là 20,7 tỷ đồng. Mức lỗ này đã cải thiện đáng kể so với con số lỗ 56 tỷ đồng 9 tháng 2019.

Với kết quả liên tục thua lỗ, tính đến cuối tháng 9/2020, Halico đã lỗ lũy kế 434 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ là 200 tỷ đồng.

Tiền thân là nhà máy Rượu Hà Nội do hãng Fontaine của Pháp xây dựng từ năm 1898, Halico là một trong những doanh nghiệp có truyền thống lâu năm tại Thủ Đô. Giai đoạn 2012 trở về trước, Halico vẫn đều đặn có lãi trăm tỷ mỗi năm.

Tuy nhiên, con số doanh thu và lợi nhuận của Halico giảm mạnh trong hai năm 2013-2014 và bắt đầu chìm trong thua lỗ kể từ năm 2015.

Theo nhận định của Halico, công ty kinh doanh khó khăn do thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng đối với mặt hàng thực phẩm nói chung và mặt hàng rượu nói riêng ngày càng khắt khe về chất lượng sản phẩm, hình ảnh và bao bì mẫu mã. Bên cạnh đó, xu hướng người tiêu dùng tự mang rượu đến các nhà hàng ngày càng lớn.

Đáng chú ý, Halico đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các hãng rượu khác và đặt biệt là đối mặt với tình trạng trốn lậu thuế, làm hàng giả, hàng nhái của các cơ sở tư nhân, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh.

Ngoài ra, hệ lụy từ các chương trình bán hàng, hệ thống bán hàng trước đó còn có tác động tiêu cực từ các năm trước chuyển sang mà chưa thể giải quyết dứt điểm được ngay, đặc biệt là vấn đề bán lấn vùng lấn tuyến và bán phá giá.

Giữa năm 2018, Halico đã đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán UPCoM với mức định giá 638 tỷ đồng. Tuy nhiên hiện nay định giá của công ty chỉ còn khoảng 240 tỷ đồng và cổ phiếu hầu như không có giao dịch trên sàn chứng khoán.

Tuy kinh doanh thua lỗ, nhưng Halico vẫn được đánh giá là một doanh nghiệp hấp dẫn khi sở hữu nhiều "đất vàng". Trong số đó có hơn 868m2 đất tại số 28 Nhân Đồng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội là đất thuê Nhà nước trả tiền hàng năm với thời hạn thuê 50 năm tính từ năm 1993, là đất dùng làm văn phòng làm việc và cửa hàng giới thiệu sản phẩm.

Mảnh đất tại số 94 Lò Đúc Hà Nội rộng hơn 2.230m2 cũng là đất thuê Nhà nước trả tiền hàng năm với thời hạn 50 năm kể từ năm 1993 dùng làm văn phòng và cửa hàng giới thiệu sản phẩm.

Mảnh đất rộng hơn 9.655m2 tại số 238 Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội sử dụng làm kho chứa hàng; mảnh đất rộng 150.000m2 tại Yên Phong, Bắc Ninh dùng xây dựng Nhà máy sản xuất cồn rượu, có thời hạn thuê đến năm 2054. Mảnh đây rộng 68.856m2 cũng tại huyện Yên Phong, Bắc Ninh để xây dựng hồ sinh học xử lý nước thải với thời hạn thuê đất đến năm 2060.

Khu đất tại Khu Tái định cư Thanh Lộc, Thanh Khê, Tp Đà Nẵng – là chi nhánh công ty tại Đà Nẵng – là lô đất nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ cá nhân.

Và cuối cùng là lô đất số 26 Nguyễn Huy Tự, p Đa Kao, quận 1, Tp HCM rộng 180m2 dùng làm văn phòng làm việc và showroom giới thiệu sản phẩm. Đây là lô đất nhận chuyển nhượng từ Nhà máy Thủy điện Gò Vấp.

Tổng diện tích đất đai công ty đang quản lý sử dụng lên đến trên 233.709m2.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại