Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại cuộc họp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Uzbekistan hôm 16-9 Ảnh: REUTERS
Họ vừa liên thủ với nhau về chính trị, an ninh vừa lợi dụng nhau trong cuộc chơi địa chính trị và địa chiến lược riêng. TNK sử dụng Nga làm đối trọng trong việc xử lý quan hệ vốn không được êm thấm của nước này với NATO và EU (Liên minh châu Âu). Nga dùng TNK làm một con bài để phân rẽ nội bộ NATO.
TNK chủ ý duy trì thế cân bằng tương đối nhất định giữa Nga với Mỹ, EU và NATO trong vấn đề Ukraine. TNK cùng quan điểm với một số nước khi lên án Moscow và không công nhận Crimea là một phần lãnh thổ của Nga nhưng không hùa theo họ trừng phạt và cô lập nước này.
TNK cung cấp máy bay không người lái cho Ukraine nhưng nỗ lực duy trì các kênh tiếp xúc trực tiếp với Nga để gây dựng vai trò trung gian hòa giải quyết định nhất có thể đưa lại giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc xung đột.
Nhưng rồi những ngày gần đây, TNK công khai làm găng và gây khó khăn, khó xử cho Nga. TNK nhắc lại quan điểm lâu nay về Crimea, công khai yêu cầu Nga trả lại Ukraine những vùng lãnh thổ đã chiếm trong cuộc xung đột hiện tại, đồng thời lên án việc tổ chức trưng cầu dân ý ở 4 vùng lãnh thổ của Ukraine về chuyện gia nhập Liên bang Nga.
TNK tiếp tục ủng hộ Azerbaijan trong cuộc xung khắc giữa nước này với Armenia, tập trung lực lượng quân đội còn lớn hơn cả quân đội Armenia ở vùng biên giới TNK - Armenia, hàm ý vừa gây áp lực với Armenia vừa thách thức Nga ở khu vực này bởi Nga có căn cứ quân sự ở Armenia.
Rõ ràng là TNK đã từ bỏ chủ định ở thế cân bằng giữa Nga với Mỹ, EU, NATO trong vấn đề Ukraine và chủ trương thiên lệch hẳn về phía phe phương Tây.
Có 3 lý do cho sự điều chỉnh chiến lược này.
Thứ nhất, Ukraine vừa đạt được thành quả nhất định trong cuộc phản công Nga; giúp Mỹ, EU, NATO và đồng minh thêm tin rằng Ukraine có thể thắng trong cuộc xung đột với Nga. TNK xem ra cho rằng bây giờ phải chuẩn bị cho kịch bản lạc quan đối với Ukraine và kịch bản tồi tệ đối với Nga ở Ukraine, để rồi nổi cùng với Ukraine chứ không bị chìm cùng Nga ở Ukraine.
Thứ hai, TNK làm giá đối với Nga, tận dụng tình trạng khó khăn hiện tại của Nga ở Ukraine và Armenia (Armenia là đồng minh của Nga trong Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể) để gia tăng áp lực nhằm buộc Moscow phải cậy nhờ mình nhiều hơn trong các vấn đề Nga can dự trực tiếp về chính trị, quân sự, an ninh nhưng cũng liên quan đến TNK, như quan hệ giữa Nga - NATO, vấn đề Syria, xung khắc giữa Azerbaijan - Armenia cũng như chuyện chiến sự ở Ukraine.
Thứ ba, TNK phản ứng như vậy vì bực bội về việc họ rất muốn nhưng lại không được Moscow để cho gây dựng nên vai trò trung gian hòa giải quyết định nhất và nổi trội nhất giữa Nga và Ukraine.
Sau khi Nga và Ukraine ký kết thỏa thuận về vận tải cho xuất khẩu lương thực của Ukraine mà TNK cho rằng đã có được vai trò nổi bật, Nga phớt lờ gần như mọi mời chào của TNK về thực thi vai trò ngoại giao trung gian hòa giải.
Thái độ của Nga như vậy, đồng thời cuộc xung đột ở Ukraine lại còn có nguy cơ leo thang chứ không giảm nên cơ hội cho TNK sắm vai trung gian hòa giải càng thêm mai một. Với bước chuyển dịch thiên lệch này, TNK rồi đây càng khó được Nga chấp nhận dành cho vai trò trung gian hòa giải.