Khi quá khứ "làm khó" tương lai: Tại sao quyết định của ông Nixon khiến Mỹ thất thế trong thương chiến?

Tất Đạt |

Theo CNN, quyết định trong quá khứ của ông Nixon đã giúp Trung Quốc ngày nay có thêm lựa chọn trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.

Quyết định của ông Nixon

Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện rất không hài lòng với việc Trung Quốc đã chuyển sang mua đậu nành của Brazil thay vì đậu nành Mỹ. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp của quốc gia Nam Mỹ chỉ thực sự khởi sắc sau khi cựu tổng thống Richard Nixon khởi động chính sách bảo hộ nước Mỹ vào thời kì hơn 40 năm trước đây.

Cụ thể, ông Nixon đã cố gắng bình ổn giá sản phẩm dân dụng và hạn chế xuất khẩu thực phẩm vào năm 1973 để tránh lạm phát tăng cao. Khi đó, Mỹ cắt giảm mạnh hoạt động xuất khẩu đậu nành. Chính sách của ông Nixon đã có hiệu quả, tạo ra thặng dư và làm giảm giá cả trong nước.

Tuy nhiên việc cắt giảm xuất khẩu này - dù chỉ kéo dài 3 tháng - đã thúc đẩy Brazil tăng cường sản xuất để xuất khẩu sang Nhật Bản, tạo nên một nhà cạnh tranh lớn trên thị trường nông sản thế giới và để lại một hậu quả lâu dài đối với ngành sản xuất đậu nành của Mỹ.

"Việc Mỹ giảm xuất khẩu đã thúc đẩy Nhật Bản tìm kiếm các nhà cung cấp khác và, về mặt cơ bản, điều đó đã tạo nên ngành sản xuất đậu nành của Brazil ngày nay," Andrew Novakovic, một giáo sư về kinh tế nông nghiệp tại Đại học Cornell cho biết.

Chỉ trong vòng 10 năm tiếp sau đó, Brazil đã tăng sản lượng đậu nành lên gấp gần 3 lần. Tăng trưởng tăng liên tục khi Nhật Bản đầu tư tài chính để giúp biến các đồng cỏ của Brazil trở thành mảnh đất màu mỡ và phù hợp để trồng đậu nành.

Khi quá khứ làm khó tương lai: Tại sao quyết định của ông Nixon khiến Mỹ thất thế trong thương chiến? - Ảnh 1.

Sản lượng đậu nành Brazil sản xuất từ năm 1964 tới năm 1985. Đơn vị: Tấn. Nguồn: Bộ Nông nghiệp Mỹ. Đồ họa: Paul Martucci, CNN

Hiện tại, Brazil là quốc gia sản xuất đậu nành lớn thứ hai thế giới, và đây là nguồn cung cấp cho các nông dân Trung Quốc kể từ khi Bắc Kinh áp đòn trả đũa đối với thuế quan của Mỹ.

Theo báo cáo gần đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ, năm 2018 là "năm tuyệt với đối với các nhà sản xuất đậu nành Brazil". Đơn đặt hàng từ Trung Quốc đã tăng tới 20% so với thời kì trước.

Mất thị trường quan trọng

Trước khi Bắc Kinh áp thuế đối với các sản phẩm nông sản Mỹ thì Trung Quốc là thị trường lớn nhất đối với những người nông dân trồng đậu nành ở Mỹ. Một số người cho biết họ lo ngại rằng Mỹ đã vĩnh viễn mất thị trường Trung Quốc.

"Từ quan điểm nông nghiệp, tôi không nghĩ Mỹ sẽ có thể trở thành nhà cung cấp chính cho Trung Quốc một lần nào nữa," Grant Kimberley - một nông dân trồng đậu nành và ngô ở Iowa, giám đốc phát triển thị trường của Hiệp hội Đậu nành Iowa - cho biết.

"Tôi nghĩ Trung Quốc đang rót tiền vào thị trường Nam Mỹ," ông nói thêm.

Brazil không thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu từ Trung Quốc. Nhưng Argentina, Ấn Độ và Nga có thể là những lựa chọn khác nếu quan hệ Mỹ-Trung không được cải thiện.

Bắc Kinh đã ngừng mua đậu nành từ Mỹ vào năm ngoái. Đầu mùa xuân năm nay, lượng đậu nành tồn kho ở Mỹ đã đạt mức kỉ lục. Dự báo dài hạn của Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính thị trường xuất khẩu đậu nành của Mỹ sẽ không phục hồi về ngưỡng năm 2017 trước năm 2024.

Nông dân là lực lượng quan trọng ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống, và ông Trump đã bảo vệ những công dân này bằng gói cứu trợ trị giá 28 tỉ USD nhằm khắc phục hậu quả của thương chiến.

"Những người nông dân Mỹ tuyệt vời biết rằng Trung Quốc sẽ không thể làm tổn hại họ bởi vì Tổng thống Mỹ luôn sát cánh với họ và làm những điều mà không tổng thống nào từng làm. Tôi sẽ tiếp tục làm điều đó trong năm sau nếu cần thiết!" - ông Trump viết trên Twitter.

Tại một sự kiện tại Minnesota, Bộ trưởng Nông nghiệp Sonny Perdue nói người trồng đậu nành ở Mỹ đã quá phụ thuộc vào khách hàng Trung Quốc và cho rằng Trung Quốc sẽ mua hàng từ nơi có giá bán tốt nhất, một khi Mỹ - Trung đã đạt được thỏa thuận thương mại.

"Tôi nghĩ chúng ta sẽ giành lại được thị trường. Nhưng đó phải là một môi trường công bằng, tự do và có qua có lại, không thể để cho Trung Quốc gian lận."

Nhưng Bắc Kinh dường như không có ý định tiếp tục mua đậu nành Mỹ. Tuần vừa qua, Bắc Kinh quyết định dừng mua toàn bộ nông sản Mỹ để phản ứng lời đe dọa mới của ông Trump về việc áp thuế 10% với 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc.

"Tôi không ngạc nhiên nếu tình trạng này kéo dài tới sau bầu cử. Đây sẽ là điều bình thường cho tới thập kỉ sau," ông Kimberley nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại