Khi những người phá hủy san hô trở thành nhà bảo tồn

Thế giới hôm nay |

Một nhà khoa học biển Indonesia đã cùng những ngư dân đánh cá bằng thuốc nổ trước đây tìm cách phục hồi các rạn san hô đã từng bị chính họ phá hủy.

Các rạn san hô đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với hệ sinh thái biển của Indonesia, thế nhưng lại đang đứng trước nguy cơ chết dần do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tình trạng săn bắt thủy sản bằng thuốc nổ.

Quần đảo Spermonde gồm hơn 120 hòn đảo nhỏ với nhiều rạn san hô. 15 năm trước, chỉ có 2% diện tích rạn san hô ban đầu của khu vực không bị hư hại, nguyên nhân là do trong một thời gian dài, ngư dân địa phương đã sử dụng chất nổ và hóa chất để gây mê hoặc giết cá nhằm dễ dàng thu gom. Phương pháp này bị coi là bất hợp pháp tại Indonesia và có thể bị phạt tù lên tới 6 năm, nhưng lại là kế sinh nhai của nhiều ngư dân.

Khi những người phá hủy san hô trở thành nhà bảo tồn - Ảnh 1.

Giờ đây chính những ngư dân này lại trở thành những nhà bảo tồn san hô. Họ cùng nhau hợp tác để phục hồi những rạn san hô mà họ đã phá hủy dưới sự hướng dẫn của nhà khoa học và Giáo sư đại học Yusuf. Ông là người đã có hai thập kỷ cống hiến cho công tác bảo tồn các rạn san hô.

Giáo sư Syafyudin Yusuf - Nhà bảo tồn san hô: "Chúng tôi cố gắng tác động lên suy nghĩ, nhận thức của ngư dân để giúp họ chuyển đổi từ việc đánh bắt, phá hủy sang trở thành những nhà bảo tồn san hô. Chúng tôi cố gắng lôi kéo họ vào quy trình bảo tồn san hô và truyền cho họ những kiến thức cũng như sự hiểu biết về công tác bảo tồn, từ đó họ có thể truyền đạt những kiến thức đó đến các thành viên khác trong cộng đồng".

Khi những người phá hủy san hô trở thành nhà bảo tồn - Ảnh 2.

Giáo sư Yusuf và nhóm của mình đã tìm cách khôi phục 2 ha rạn san hô bị phá hủy quanh đảo Badi bằng cách lắp đặt các cấu trúc được gọi là khung modul nhện hỗ trợ quá trình tái tạo san hô.

"Tam giác san hô của Indonesia, Philippines và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cần phải được bảo tồn. Chúng ta cần phải bảo tồn di sản thế giới trong đại dương cho các thế hệ tương lai của chúng ta", Giáo sư Syafyudin Yusuf nói.

Hiện giáo sư Yussuf và nhóm của mình đang nhân rộng phương pháp bảo tồn này sang hai hòn đảo lân cận là Barrang Lompo và Samalona, nơi có diện tích san hô bị thiệt hại lần lượt là 2 và 2,5 ha.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại