CNN đưa tin, vào ngày 26/7 vừa qua, Nga tuyên bố rằng sẽ rời khỏi Trạm vũ trụ Quốc tế sau năm 2024 nhằm tập trung xây dựng trạm vũ trụ của riêng mình. Quyết định này đã đặt ra vấn đề về khả năng vận hành của ISS trong tương lai.
Ngay từ tháng 3/2022, ông Dmitry Rogozin, cựu lãnh đạo của Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) đã lên tiếng cảnh báo rằng, nếu không có sự hợp tác của Nga, ISS có thể rơi xuống lãnh thổ Mỹ hoặc châu Âu.
Tuy nhiên, mọi điều khi đó vẫn không chắc chắn. Bởi chỉ hai tuần trước đó, theo thông cáo của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), Nga và Mỹ vẫn cam kết về việc sẽ tiếp tục đưa các phi hành gia lên ISS.
Nga chưa công bố thời điểm cụ thể rút khỏi ISS. Ảnh: NASA
Tiến sĩ Scott Pace, Giám đốc của Viện Chính sách Không gian tại ĐH George Washington, cho biết, tuyên bố rời khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế từ năm 2024 được đưa ra bởi ông Yuri Borisov, người kế nhiệm của Dmitry Rogozin, có thể là một tin tốt bởi vì sẽ giảm đi sự không chắc chắn, cụ thể ít nhất là đến năm 2024.
Ông Scott Pace nhận định rằng, việc giới chức Nga nói rằng họ sẽ cam kết đến năm 2024 là điều tốt. Tuyên bố này có nghĩa là Nga không có ý định rời đi sớm hơn.
Trong một bài phỏng vấn đăng trên website của Roscosmos ngày 27/7, ông Vladimir Solovyov, người phụ trách các chuyến bay của Nga tại Trạm Vũ trụ Quốc tế, kỳ vọng ROSS, trạm vũ trụ do Nga phát triển được xây dựng hoàn chỉnh trên quỹ đạo vào năm 2028. Ông Vladimir Solovyov khẳng định Nga cần phải ở lại ISS cho đến khi ROSS vận hành.
Theo CNET, NASA dự kiến sẽ vận hành ISS đến năm 2030 và sau đó thả xuống Thái Bình Dương. Nếu như Nga rời ISS vào năm 2028, NASA sẽ một mình vận hành Trạm Vũ trụ Quốc tế trong hai năm kế tiếp. Điều này cũng có thể đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ tốt đẹp ở ngoài không gian giữa Mỹ và Nga suốt hàng chục năm.
Trước đó, Trạm Vũ trụ Quốc tế lần đầu vận hành vào năm 1998 với sự tham gia của những cơ quan vũ trụ Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản và 11 quốc gia châu Âu. Từ đó, Trạm Vũ trụ Quốc tế chính là nơi mà các phi hành gia trên thế giới cùng tham gia nghiên cứu để đưa con người có thể tiến xa vào không gian vũ trụ.
Trạm Vũ trụ Quốc tế được chia thành 2 phần riêng biệt. Trong đó, phần sau do Mỹ và các đối tác khác của dự án điều hành. Đến nay, ISS còn được coi là phòng thí nghiệm lớn nhất trong vũ trụ.
Các phi hành gia ở bên trong Trạm Vũ trụ Quốc tế. Ảnh: NASA
Nga rời khỏi, ISS có thể tồn tại không?
Theo các chuyên gia, điều này không hẳn là không thể, tuy nhiên sẽ có khá nhiều khó khăn.
Kể từ khi Mỹ ngừng chương trình tàu con thoi vào năm 2011, ISS đã dựa vào các hệ thống điều khiển lực đẩy của Nga để có thể giữ cho ISS thẳng đứng và duy trì quỹ đạo cách mặt đất khoảng 400 km. Mỹ phụ trách về điện và hệ thống duy trì sự sống trên ISS.
Mỹ gần đây cũng đang tìm cách để có được một hệ thống đẩy độc lập thông qua tàu vũ trụ Cygnus của công ty Northrop Grumman phát triển. Đây là sản phẩm đã được thử nghiệm thành công vào cuối tháng 6. Việc tàu Cygnus-17 lần đầu nâng trạm vũ trụ ISS thành công cho thấy về khả năng quan trọng nhằm giúp duy trì và hỗ trợ cho trạm vũ trụ hoạt động.
Tính đến nay, Cygnus là tàu vũ trụ thương mại đầu tiên có thể điều chỉnh quỹ đạo cho trạm vũ trụ ISS. Tuy nhiên, hệ thống này được đánh giá là vẫn có thiếu sót về khả năng định hướng.
Ông Jonathan McDowell, chuyên gia vật lý vũ trụ, nhận định rằng: "Cygnus có thể đẩy nhưng nó không thể giữ cho trạm vũ trụ đi đúng hướng khi đẩy".
Trong khi đó, thực tế bản thân ISS lại có thể tự thay đổi hướng ở quy mô nhỏ nhưng không thể thực hiện được những điều chỉnh lớn để nâng trạm lên cao hay tránh rác vũ trụ. Dù vậy, nếu Nga rút khỏi, theo Tiến sĩ Scott Pace, Mỹ sẽ cần một giải pháp lâu dài hơn, chẳng hạn như sử dụng tàu vũ trụ Dragon của SpaceX, hay Cygnus, Orion của Northrop Grumman.
Trên thực tế, Nga có hai hệ thống đẩy, bao gồm: hệ thống gắn với trạm vũ trụ và module phục vụ Zvezda. Cả hai hệ thống trên đều được Moscow vận hành.
Theo Tiến sĩ Scott Pace, nếu Nga để lại phần đóng góp của mình cho trạm vũ trụ ISS, đó là một trong hai nhà tắm thay vì gỡ bỏ, thì đây sẽ là hành động có ích. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn chưa chắc chắn.
Trạm Vũ trụ Quốc tế. Ảnh: NASA
Chuyên gia dự báo điều gì?
Trước tuyên bố Nga sẽ rời khỏi ISS, phía NASA vẫn đang giữ thái độ lạc quan. Ông Joel Montalbano, Giám đốc chương trình ISS của NASA, tuyên bố rằng: "Nếu ai đó nghĩ rằng có kế hoạch khác thì đã lầm".
Theo ông Joel Montalbano, việc họ thực sự muốn để trạm vũ trụ ISS vận hành thêm một vài năm đến mức như thế nào thì vẫn là một câu hỏi mở.
Ông Joel Montalbano cho biết: "Việc Mỹ làm hết sức để cứu ISS có thể không phải là hành động đúng đắn. Đặc biệt là khi NASA có mục tiêu lớn hơn, đó là xây dựng một trạm vũ trụ có tên là Gateway trên quỹ đạo Mặt Trăng. Có lẽ họ nên lấy việc Nga rút đi như là cái cớ để tạm biệt, và sau đó đầu tư tiền vào Gateway".
Theo trang Vox bình luận, bản thân NASA cũng có kế hoạch rời ISS vào cuối thập niên này để dọn đường cho những trạm vũ trụ mới. Trên thực tế, Mỹ và những quốc gia khác đều có kế hoạch để phát triển trạm vũ trụ của riêng mình.
Bài viết tham khảo nguồn: CNN, AFP, Cnet, Vox