Khi mỳ ăn liền thành loại tiền mới trong nhà tù Mỹ

Nếu các bạn đã từng xem những serie nổi tiếng về nhà tù như “Vượt ngục” (Prison Break), có lẽ bạn sẽ chẳng lạ gì việc các tù nhân dùng một số vật phẩm khan hiếm như một loại tiền tệ để trao đổi lợi ích với nhau.

Thông thường, các tù nhân tại Mỹ thường dùng thuốc lá như một công cụ tiền tệ để giao dịch bởi chúng nhỏ, nhẹ và dễ chuyển nhượng để không gây chú ý. Ngoài ra, những vật dụng khác như tem thư cũng được coi là vật trao đổi có giá trị trong nhà tù.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây cho thấy chính sách cắt giảm chi phí cho các nhà tù đã dẫn đến tình trạng giảm khẩu phần ăn của các tù nhân, qua đó khiến "mỳ ăn liền" trở thành mặt hàng mới có giá trị trong các vụ trao đổi.

Rõ ràng, sự suy giảm nhu cầu những mặt hàng xa xỉ trong nhà tù như thuốc là khiến loại "tiền tệ" này mất giá. Thay vào đó, nhu cầu về thực phẩm khiến mỳ ăn liền lên ngôi và trở thành loại tiền mới giữa các tù nhân.

Trong khi số lượng tù nhân tại Mỹ khá lớn thì ngân sách của nước này cho nhà tù lại chỉ có giới hạn. Hệ quả tất yếu là lượng khẩu phần ăn của các tù nhân bị cắt giảm nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt ngân sách, một điều khá phổ biến trong hệ thống tư pháp Mỹ.

Khảo sát của Marshall cho thấy một số nhà tù tại Mỹ thậm chí đã cắt giảm khẩu phần ăn của tù nhân xuống 0,15 USD/bữa, trong khi một chiếc bánh mỳ kẹp bán ngoài đường cũng đã có giá 3 USD.

Thậm chí, trong một vụ điều trần năm 2014, kết quả khảo sát cho thấy các tù nhân tại Mỹ hiện đang bị giảm cân đáng kể do cắt giảm khẩu phần thực phẩm. Tồi tệ hơn, một số trường hợp được cho là cung cấp khẩu phần ăn còn không đủ để một đứa trẻ 5 tuổi ăn no.

Nghiên cứu mới đây của trường đại học Arizona-Mỹ với một nhà tù giấu tên cho thấy các nhà quản lý đã đổi công ty cung cấp thực phẩm cũng như giảm khẩu phần ăn của tù nhân từ đầu thập niên 2000. Vào cuối tuần, bữa trưa của các tù nhân hoàn toàn bị cắt.

Vì vậy, những tù nhân này phải dùng tiền lương tối thiểu từ các lao động công ích hay những lao động khác theo luật pháp Mỹ, hoặc trợ cấp của gia đình để tự cứu bản thân khỏi cơn đói khát. Hệ quả là mỳ ăn liền nhanh chóng trở thành loại tiền mới trên thị trường chợ đen của nhà tù.

Việc mỳ ăn liền có thể dự trữ lâu dài, dễ dàng trao đổi, dễ mua từ bên ngoài, giàu dinh dưỡng cũng góp phần thúc đẩy sự thông dụng của loại tiền tệ này.

Theo khảo sát, 2 gói mỳ giá 0,59 USD/gói có thể mua được 1 chiếc áo thể thao giá 10,81 USD trong tù.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại