Hiện tượng tủ lạnh chất đống các loại đồ ăn khác nhau trong nhiều gia đình đã chẳng phải điều gì quá hiếm lạ. Đặc biệt vào những dịp lễ Tết hoặc gia đình có tiệc tùng, công việc, chiếc tủ lạnh sẽ chật cứng thực phẩm, trông thật khủng khiếp.
Bạn có biết là bạn đang “đánh rơi” tiền với những chiếc tủ lạnh không được dọn dẹp ấy hay không? Quá nhiều đồ ăn, bạn sẽ không thể sử dụng hết, buộc lòng phải bỏ đi khi chúng bị hỏng. Đồ ăn trong tủ lạnh bị hư hại đồng nghĩa với việc bạn đã để tiền của mình "thối rữa" trong tủ lạnh mất rồi.
Ichijuai, một nhà tư vấn tài chính nổi tiếng của Nhật Bản, trong một cuốn sách của mình, ông đã chỉ ra 7 thứ mà bạn cần phải sắp xếp lại trong cuộc sống của bản thân. Từ đó bạn sẽ tiết kiệm được tiền và con đường tiền tài sau đó trở nên thuận lợi hơn. Cuốn sách có tên "Chỉnh lý lại tiền bạc: Chỉ cần bạn sửa sang lại sổ tiết kiệm, dọn dẹp tủ lạnh và chỉnh lý lại người bạn đời, tiền sẽ tự chảy vào tay bạn".
1. Sắp xếp lại ví tiền
Ví tiền có thể coi như là trái tim của mỗi người. Đó là nơi bạn cất tiền, là món đồ bạn luôn mang theo người khi ra ngoài.
Ảnh minh họa
Đầu tiên, hãy sắp xếp lại ví tiền của bạn sao cho gọn gàng, ngăn nắp. Ngăn nào cất tiền chẵn, ngăn nào để tiền lẻ, ngăn nào đựng giấy tờ tùy thân, vị trí nào nào dùng để cất thẻ ngân hàng…
Một chiếc ví gọn gàng và được sắp xếp khoa học sẽ cho thấy tư duy cũng như thói quen sống của chủ nhân. Khi biết chính xác số lượng tiền trong ví, bạn sẽ có kế hoạch chi tiêu và mua sắm phù hợp hơn.
2. Thường xuyên dọn dẹp tủ lạnh
Khi tủ lạnh chứa quá nhiều đồ ăn, bạn sẽ khó khăn trong việc tìm được thứ mình cần. Khả năng bạn quên bẵng đi thực phẩm nào đó hoàn toàn có thể xảy ra, đến khi phát hiện thì nó đã bị hỏng không sử dụng được nữa. Vô hình chung điều đó gây ra lãng phí tiền bạc không hề nhỏ. Hành động dọn dẹp tủ lạnh thường xuyên giúp bạn tránh được hiện tượng đó.
3. Sắp xếp lại sổ tiết kiệm
Nếu bạn đang chia nhỏ số tiền của mình thành nhiều sổ tiết kiệm khác nhau thì đó là một hành động không mang lại nhiều lợi ích. Chẳng những thế nó còn khiến bạn khó quản lý tài chính của mình hơn. Thậm chí có trường hợp hy hữu là bạn còn quên bẵng đi một món tiền nào đó ấy chứ.
Thêm nữa, chi phí giao dịch khi chuyển tiền giữa các tài khoản tuy không lớn nhưng nếu không có khoản chi đó thì cũng giúp bạn tiết kiệm được tiền đấy.
4. Sửa sang lại sổ ghi chép chi tiêu
Ghi chép chi tiêu là một thói quen tốt mà bạn nên duy trì. Bạn nên ghi lại hành trình mỗi ngày của mình cùng những khoản tiền bạn đã chi tiêu. Vào mỗi chủ nhật, hãy tổng kết số tiền còn lại trong ví. Thậm chí bạn nên đánh dấu đặc biệt vào những ngày mà bạn không hề mở ví lần nào.
Qua những ghi chép ấy, chúng ta sẽ tự rút ra được kinh nghiệm cho chính mình, từ đó xây dựng kế hoạch tiết kiệm tiền phù hợp với hoàn cảnh của bản thân.
5. Phân loại các khoản nợ phải trả
Sẽ thật may mắn nếu như bạn không mắc nợ bất kỳ ai. Nhưng nếu bạn đang nợ tiền ngân hàng hay cá nhân nào đó thì cũng không phải điều gì quá kinh khủng.
Nếu có hơn một khoản nợ, bạn hãy bình tĩnh phân loại và đánh giá cụ thể từng món, sau đó đưa ra thứ tự ưu tiên trả nợ cùng kế hoạch để trả hết những khoản nợ ấy.
6. Sắp xếp lại căn nhà
Ảnh minh họa
Nhìn căn nhà của một người, bạn có thể phán đoán phần nào tính cách, thói quen và lối sống của người ấy. Ngoài ra chúng ta cũng ít nhiều biết được thái độ của người đó đối với tiền bạc.
Một căn nhà được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, không có những đồ vật thừa thãi mua về chẳng sử dụng đến. Bên cạnh đó, chỉ khi món đồ trước đã hỏng hóc không thể sử dụng thì người ta mới mua đồ mới - đó chính là những thói quen tiêu tiền của những người sẽ có “của ăn của để” đấy.
7. “Chỉnh lý” lại người bạn đời
Khi đã trở thành vợ chồng thì vấn đề tài chính giữa bạn và người bạn đời có sự liên quan mật thiết đến nhau. Một phía có nhiều kế hoạch thông minh trong việc tiết kiệm tiền nhưng người còn lại thì chi tiêu bừa bãi, tùy hứng, không có ý thức tiết kiệm. Rõ ràng khi ấy tài chính gia đình sẽ khó mà được ổn định và vững chắc theo thời gian.
Khi có sự bất đồng trong thái độ đối với tiền bạc, bạn nên có những bàn bạc, chia sẻ để “chỉnh lý” lại suy nghĩ và thái độ của nửa kia. Từ đó tìm ra tiếng nói chung, giúp các bạn đồng lòng trong các kế hoạch tương lai.