Mỗi lần ra ngoài, chúng ta lại phải đối mặt với nỗi ám ảnh hết sạch pin mà không biết tìm đâu ra ổ sạc.
Nhưng giờ đây, các thiết bị có thể chia sẻ pin cho nhau thông qua kết nối không dây giống như người ta rút xăng từ xe này để tiếp nhiên liệu cho xe kia. Khác ở chỗ, chỉ cần đặt 2 chiếc smartphone hay smartwatch lại gần nhau mà thôi.
Công nghệ chia sẻ pin mới sẽ là giải pháp cho thiết bị di động.
Giải pháp mang tính đột phá này sẽ giúp mọi người dễ dàng nạp năng lượng cho điện thoại di động hoặc thiết bị đeo trong lúc bí bách, chí ít cũng có thể thực hiện được cuộc gọi khẩn cấp khi cần.
Smartphone và các đồ dùng công nghệ khác ngày càng phổ biến với nhiều tính năng vượt trội, nhưng pin vẫn là “gót chân asin” tồn tại hàng thập kỷ qua. Người dùng thường chỉ “vọc vạch” không quá một ngày lại phải lôi sạc ra cắm.
Những loại đồ dùng như sạc dự phòng, máy phát điện cầm tay hoặc pin năng lượng mặt trời có thể khắc phục tạm tình trạng hết pin giữa chừng khi phải đi xa.
Tuy nhiên, chúng lại khá cồng kềnh gây bất tiện, một số thiết bị lại rất khó mua trên thị trường và đi kèm với chi phí không hề nhỏ.
Công nghệ sạc không dây gồm 2 cuộn dây giúp tạo và thu nhận điện trường.
Mới đây, các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Bristol của Anh đã phát triển công nghệ có tên PowerShake tích hợp trên các thiết bị di động cho phép chúng trao đổi năng lượng thông qua kết nối không dây ở bất kỳ đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào bằng cách đưa chúng lại gần nhau.
Hình thức này tiện dụng hơn rất nhiều so với các loại sạc không dây phổ biến hiện nay bởi đa phần người dùng phải đặt đế sạc cố định và thiết bị cũng phải để gần gặp tiếp xúc với nó.
“Thời điểm điện thoại di động lần đầu tiên xuất hiện, mọi người cảm thấy như được giải phóng khỏi mớ dây rợ lùng nhùng. Nhưng cuối cùng, họ vẫn phải về với mớ dây rợ đó mỗi lần cắm sạc.
Giờ đây, chúng ta đang tìm ra giải pháp mới để giải thoát điện thoại di động một lần nữa bằng công nghệ pin sạc không dây không cần cắm vào ổ điện”, Mike Fraser, nhà khoa học máy tính tại Đại học Bristol ở Anh, thành viên nhóm nghiên cứu, chia sẻ.
Sạc không dây hoạt động nhờ cơ chế cảm ứng từ với cấu tạo ít nhất gồm 2 cuộn dây, một cái có vai trò phát điện được tích hợp trong đế sạc và cuộn còn lại giữ nhiệm vụ nhận năng lượng, bố trí trong thiết bị.
Khi dòng điện chạy qua dây đế sạc, nó sẽ tạo ra từ trường để truyền tải năng lượng qua cuộn dây trên thiết bị, từ trường sau đó lại tạo ra dòng điện giúp sạc pin. Quá trình diễn ra hiệu quả nhất khi hai cuộn dây đặt sát nhau.
Các loại sạc không dây thông thường gặp hạn chế vì không thể di chuyển thoải mái.
Các nhà khoa học đã thử phương pháp mới với nhiều loại dây. Họ cũng phát minh ra vỏ chắn điện tử làm từ tấm ferrite và dây đồng bố trí phía sau các cuộn dây (thu, phát điện) với nhiệm vụ ngăn chặn các hạt mang năng lượng gây tổn thương tới mô cơ thể người. Những cuộn dây dẻo tới mức có thể ghép thoải mái vào quai đồng hồ.
Kết quả thí nghiệm cho thấy, PowerShake phù hợp với nhiều thiết bị nhỏ, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn an toàn trong quá trình sạc điện không dây.
Đồng thời, công nghệ mới mang lại hiệu quả rất tốt, có thể thay thế các chuẩn sạc thương mại, tương đương chuẩn Qi công suất 3,1 watt. Với 12 giây sạc bằng PowerShake, người dùng có thêm 1 phút gọi và 2 phút sạc cho phép xem video trong khoảng 4 phút.
Nhược điểm của PowerShake nằm ở hiệu năng làm việc khá thấp. Lượng điện sẽ giảm phân nửa khi sạc.
“Quá trình truyền tải năng lượng không thể tránh khỏi việc hao tổn. Đó là vấn đề nội tại của bất kỳ loại sạc không dây nào, và chúng luôn có mức thất thoát điện năng lớn hơn so với sạc dây”, Fraser nói với tờ Live Science.
Chỉ cần đặt 2 thiết bị gần nhau là chúng sẽ tự động sạc.
Trong các cuộc hội thảo, nhóm nghiên cứu nhận thấy những người tham gia thử nghiệm luôn thích thú với khả năng chia sẻ năng lượng của PowerShake. Đó như giải pháp hữu hiệu để họ giúp bạn bè, người thân những lúc hết pin.
Tuy nhiên, do mức hao phí điện năng khá lớn nên nhiều người cho biết nếu cần thực hiện một cuộc gọi khẩn cấp, họ sẽ hỏi mượn điện thoại thay vì nhờ chia sẻ pin thông qua PowerShake.
“Công nghệ chia sẻ pin PowerShake sẽ rất hữu ích cho những ai đang cần hoàn thành công việc của mình và nguồn chia sẻ năng lượng còn đủ lớn”, Fraser cho biết.
Nhóm nghiên cứu cần sự tham gia của tình nguyện viên để đánh giá rõ hiệu quả hoạt động của PowerShake trong điều kiện thực tế.
Các nhà khoa học đã giới thiệu khám phá của mình hôm 11/5 tại CHI, hội nghị thường niên về tương tác giữa con người và máy tính diễn ra tại San Jose, California, Hoa Kỳ.