Giá dầu thấp kỷ lục
Mức độ thiệt hại của ngành năng lượng thế giới do dịch COVID-19 đã thể hiện rõ nhất vào ngày 20/4 vừa qua khi giá tham khảo dầu thô CLC1 Mỹ giao tương lai đã giảm xuống mức không thể tưởng tượng được là âm 38 USD/thùng.
Được biết, loại dầu này trong suốt gần 4 thập kỉ gần đây chưa bao giờ giảm giá xuống dưới 10 USD/thùng.
Chỉ trong vài tháng, đại dịch COVID-19 đã khiến hàng tỷ người bị hạn chế đi lại, làm nhu cầu nhiên liệu toàn cầu sụt giảm không ngừng. Mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh chết người này tới thị trường năng lượng còn lớn cả suy thoái, khủng hoảng tài chính hay chiến tranh gây ra cho thế giới.
Mặc dù diễn biến bất thường giá dầu âm có thể không lặp lại nhưng nhiều người trong ngành năng lượng cho rằng đây là điềm báo cho những ngày u ám hơn ở phía trước. Tình trạng bùng nổ đầu tư trong lĩnh vực dầu khí trong nhiều năm trước sẽ để lại hậu quả tiêu cực trong nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng tới.
"Những gì đã xảy ra đối với giá dầu hôm ngày 20/4 vừa qua cho thấy mọi việc đang trở nên xấu đi nhanh hơn so với chúng ta nghĩ. Chúng tôi đang nhận được thông báo từ các công ty đường ống dẫn dầu cho biết họ không thể tiếp nhận thêm dầu thô nữa. Điều đó có nghĩa là bạn phải ngừng khai thác dầu từ ngày hôm trước," ông Frederick Lawrence, phó chủ tịch các vấn đề quốc tế và kinh tế tại Hiệp hội Dầu khí Độc lập Mỹ, cho biết. Kể từ tuần trước, những thông tin về sự suy giảm giá trị của mặt hàng dầu thô đã trở thành thông tin chủ đạo trên toàn thế giới.
Tại Nga - một trong những nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới, các hãng khai thác dầu thô đang cân nhắc việc đốt lượng dầu khai thác để giảm bớt lượng dầu đưa ra thị trường. Tập đoàn khai thác dầu khí Equinor (Na Uy) đã cắt giảm giảm 2/3 lượng cổ tức chi trả cho cổ đông quý này.
Biến động bất khả kháng
Tuần tới, các tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới, bao gồm Exxon Mobil Corp, BP và Shell sẽ công bố báo cáo doanh thu. Tất cả các hãng này đều dự kiến cắt giảm nhiều khoản chi phí và mức cổ tức trả cho các cổ đông sẽ trở thành mối bận tâm lớn của giới đầu tư.
Tỷ phú Mỹ Harold Hamm của tập đoàn Continental Resources Inc vào giữa tuần vừa qua đã bất ngờ rút hết nhân viên và quyết định ngừng khai thác các giếng dầu ở bang Oklahoma và North Dakota. Công ty này còn tuyên bố không thể giao dầu thô cho khách hàng do môi trường kinh doanh tiêu cực.
Quyết định tuyên bố tình trạng bất khả kháng của hãng Continental - một điều khoản chi vận dụng khi xảy ra chiến tranh hoặc thiên tai - thực sự khiến cho thị trường năng lượng Mỹ choáng váng. Tuy phải đối mặt với khả năng bị kiện ra tòa, nhiều người cho rằng quyết định này là hợp lý.
"Doanh nghiệp ký các hợp đồng mua bán dầu dựa trên việc theo dõi diễn biến thị trường trong suốt 100 năm qua. Nếu thế giới đối mặt với 1 sự kiện chưa từng có tiền lệ, thì người ta sẽ coi nó là tình huống bất khả kháng. Đó là cách hãng Harold Hamm và những doanh nghiệp nhận định về thị trường hiện nay. Đại dịch COVID-19 là 1 tình huống nằm ngoài dự kiến của con người," ông Anas Alhajji, một chuyên gia về thị trường năng lượng có trụ sở tại Dallas, nhận định.
Ngay cả những lời đồn từ lâu về việc chính phủ Mỹ yêu cầu hãng dầu khí Chevron Corp ngừng hoạt động kinh doanh ở Venezuela sau 1 thế kỉ hiện diện tại đây đã trở thành hiện thực cũng là điều dễ hiểu.
"Môi trường kinh doanh rất trì trệ. Việc được cấp phép khai thác dầu giờ đây chẳng còn có ý nghĩa gì nữa," một nhân viên của công ty dầu khí phương Tây tại Venezuela chia sẻ. Trên khắp thế giới, chính phủ và các tập đoàn khai thác dầu khí đã đang ngừng hoạt động kinh doanh do không tìm được đầu ra.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh đã cam kết cắt giảm sản lượng ở mức kỷ lục 10 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, cam kết này vẫn chưa đạt hiệu quả mong muốn vì nó không đủ sức ngăn cản giá dầu giảm xuống mức âm. Ả Rập Saudi cho biết nước này và các thành viên khác của OPEC đã sẵn sàng thực thi các bước tiếp theo, nhưng hiện vẫn chưa động thái gì mới.
Nhu cầu dầu toàn cầu sụt giảm sâu đến nỗi ngay cả khi các thành viên của OPEC đều ngừng khai thác dầu thì nguồn cung vẫn vượt quá nhu cầu. Nước Mỹ đã tuyên bố sẽ cắt giảm hơn 600.000 thùng/ ngày, quốc gia láng giềnh Canada cũng giảm 300.000 thùng/ ngày. Công ty dầu khí quốc gia Brazil Petrobras đã giảm sản lượng 200.000 thùng/ngày.
Azerbaijan, một thành viên trong nhóm OPEC +, lần đầu tiên đã buộc các công ty khai thác dầu do hãng BP đứng đầu cắt giảm sản lượng.
Thông thường, các tập đoàn dầu tại các quốc gia này sẽ không phải tuân theo quyết định cắt giảm sản lượng của chính phủ.
"Kể từ năm 1994 khi các doanh nghiệp dầu khí tới đây kí kết các bản hợp đồng đầu tiên, chúng tôi chưa bao giờ yêu cầu họ giảm sản lượng," một quan chức cấp cao chính phủ Azerbaijan chia sẻ với hãng Reuters.
Thế giới đang dần hết chỗ chưa dầu. Tính đến ngày 23/4, hãng nghiên cứu năng lượng Kpler cho biết các kho trữ dầu trên đất liền đã lấp đầy khoảng 85%.