Những năm 85, 86 đất nước bắt đầu chuyển mình và đổi mới. Sau khoán 10, mặc dù nhiều vùng nông thôn vẫn còn quá khó khăn nhưng mọi nhà cơ bản đã dần đủ cơm ăn. Đủ cơm ăn tưởng như chuyện đơn giản nhưng trước đó chỉ vài năm lại là niềm mơ ước của không ít gia đình.
Tôi vẫn nhớ mùi cơm gạo mới thơm nức, trắng phau. Bọn trẻ ranh trong xóm những ngày đầu vụ gặt thì vui như Tết. Cả lũ được ăn no đẫy tễ, nhảy nhô nhảy và chơi đủ mọi trò.
Nhưng sung sướng nhất là mỗi buổi chiều mát chúng tôi được ra sân kho hợp tác xã để chia bè đá bóng. Bóng thì có thể là bất cứ thứ gì, từ quả bưởi, từ nhúm giẻ cuộn tròn, từ cái bong bóng lợn bơm hơi. Thời đó, có được quả bóng nhựa đã khó chứ chưa nói đến bóng da.
Nhưng bóng bằng quả bòng hay bưởi, bằng nhúm giẻ cuộn tròn hay bằng bong bóng lợn chẳng phải là sự phiền hà với chúng tôi. Chiều nào tất cả cũng quần nhau tơi tả, đầu gối, ngón chân, cùi tay tứa máu vì cái sân kho hợp tác xã.
Chúng tôi đá bóng bằng niềm say mê bất tận, bằng sự kiêu hãnh, hiếu thắng và đá bóng, chơi bóng như để bù lại cho bố mẹ mình những ngày tháng đói khổ, vất vả vì thiếu ăn thiếu mặc.
Mấy bác hàng xóm đi làm đồng về thường hay ngồi xem chúng tôi chơi rồi cười haha khoái chí. Họ hay nói với nhau, bọn trẻ sướng thật, thời anh em mình còn chiến tranh, còn bom đạn, cơm không đủ ăn, sức đâu mà đá.
Những ngày tháng đất nước chuyển mình cũng rất nhanh. Quê tôi đã hết đói, một vài gia đình đã có tivi, có tủ lạnh. Nhưng cũng phải đến năm 13,14 tuổi lũ trẻ mới bắt đầu được xem những trận bóng đá thực sự đầu tiên qua màn ảnh đen trắng.
Nhưng những trận bóng ấy lại là mấy ông tây to cao lực lưỡng đá với nhau. Chúng tôi còn bé quá cũng chẳng thức đêm để xem được. Hơn nữa khi chưa có điện, xem tivi chạy bằng điện bình ắc quy, khi điện bình yếu đi, màn hình méo mó khiến người các cầu thủ hay bị gấp khúc nhìn rất buồn cười.
Mấy năm sau thì điện lưới được kéo về, tivi mầu cũng thay thế dần tivi trắng đen. Bọn trẻ chúng tôi háo hức đến mất ăn mất ngủ khi xem những Minh Chiến, Huỳnh Quốc Cường, Võ Hoàng Bửu, Huỳnh Đức... đá SEA Games rồi Tiger Cup.
Nhìn những thần tượng tả xung hữu đột, hết quần nhau với Myanma rồi sang Indonesia, rồi Thái... chúng tôi hò hét váng cả làng. Mỗi trận đấu là những nụ cười, những giọt nước mắt đau khổ hay sung sướng của tuổi thơ. Có đận đội tuyển thua trận tới 2-4 trước Thái Lan, bọn trẻ trong làng buồn tới nỗi cả tuần không thèm ôm bóng ra sân kho Hợp tác xã nữa.
Khi viết đến đây tôi chợt thấy cay cay nơi khoé mắt. Hoá ra ở bất kỳ thời nào, dù đói khổ, dù thiếu mặc thiếu ăn thì người Việt cũng quá yêu bóng đá, yêu đội tuyển.
Dù đội tuyển thắng hay thua nhưng chỉ cần họ thấy những chiến binh đất Việt vào trận hết mình, sẵn sàng cắn răng đứng dậy đá đến giọt mồ hôi cuối cùng thì người dân sẽ vẫn dành cho tuyển thủ những tình cảm chân thành nhất.
Sau đó ít năm bóng đá Việt Nam đã dần phát triển hơn, nhưng đó cũng là lúc bóng ma tiêu cực đã lởn vởn quanh đội tuyển. Tuy nhiên, việc chỉ mặt đặt tên những gương mặt mờ ám, bán rẻ lương tâm, bán rẻ đội tuyển bán rẻ cả danh dự của tổ quốc thì mãi sau này mới bị phát hiện.
Có một thời gian người dân đã quay lưng với đội tuyển. Mỗi khi nghe bạn bè mình than phiền, không thể tin được trận này, đừng xem "chúng nó" diễn trò, "bọn nó" lại "nằm" rồi... là tôi thấy rất nóng mặt.
Nhưng người ta cũng có lý do để thốt ra câu đó. Có những lúc tưởng như tình yêu bóng đá của mình đã tắt ngúm nhưng không phải, bóng đá dường như đã ăn vào máu thịt và không dễ gì khiến nó phai mờ.
Chờ đợi bao nhiêu năm, từ khi bé loắt choắt đến lúc lớn lên, học đại học, ra trường rồi đi làm, năm 2008, lứa Công Vinh, Việt Thắng, Tấn Tài... mới giúp tôi cũng như bạn bè mình được "phát rồ", "phát dại" khi đội tuyển vô địch Đông Nam Á. Bao nhiêu năm trước là nước mắt, là sự tủi hờn ghê gớm sau mỗi trận chung kết có tên Việt Nam.
Năm nay, đúng 10 năm sau khoảnh khắc thần thánh mà đội tuyển nâng cúp trên sân Mỹ Đình, chúng ta lại đang mơ về một trận Chung kết khác lớn lao hơn, kỳ vĩ hơn và cũng lãng mạn hơn.
Có thể các tuyển thủ sẽ thắng, có thể sẽ không thắng... Nhưng cũng chẳng sao cả, bóng đá nói cho cùng nó là một cuộc chơi. Người dân, người hâm mộ chỉ cần biết các tuyển thủ đã chơi hết mình, đã tận hiến đến từng giọt mồ hôi cuối cùng, thế là được.
Hãy cho người hâm mộ thấy được thứ bóng đá trong trẻo, thuần khiết như khi xưa; hãy cho người dân được khóc, cười theo đội tuyển một cách hồn nhiên, yêu đời nhất.
Bóng đá là môn thể thao vua, ở bất kỳ quốc gia nào thì nó cũng được ưa chuộng. Nhưng yêu bóng đá đến cuồng si như người Việt thì thật lạ lùng. Rất khó để cắt nghĩa tình yêu này.
Với tôi, đó là một tình yêu trong sáng, ngây ngô nhất. Một tình yêu đã lớn lên cùng chúng bạn, lớn lên qua đói khổ và qua những tủi hờn...
Tôi yêu bóng đá, yêu đất nước mình. Người Việt ai cũng vậy thôi... Chẳng dễ gì mà giấu kín nhịp đập phập phồng của trái tim mình mỗi khi trái bóng bay lên. Đất nước đang in hình trái bóng!
Tứ kết U23 châu Á: U23 Việt Nam 3-3 U23 Iraq (5-3)