Ông bà mình ngày xưa có nói một câu: "Yêu nhau muôn sự chẳng nề, dẫu trăm chỗ lệch vẫn kê cho bằng". Mà muốn kê cho bằng được, thì các bạn sẽ có thêm cho mình một cái túi thứ hai mà Đức Phật đã tặng cho chúng ta, đó chính là cái túi "Bi".
Bi chính là cách giúp chúng ta lấy lại trạng thái thăng bằng cho trái tim của mình, bằng cách lấy ra những đau khổ của mình và người khác.
Tình yêu cần bao dung
Mình yêu người ta mà mình không lấy ra được những đau khổ của người ta, mà mình chỉ làm khổ cho người ta, thì đó chưa thể gọi là yêu. Các bạn có biết: Hoa hồng là biểu tượng của tình yêu.
Và khi người ta yêu nhau thì người ta nâng niu những cánh hoa hồng, quên đi những cái gai góc của nó. Nhưng khi ghét nhau rồi, người ta sẽ quên đi những cánh hoa hồng, mà người ta nhìn chằm chằm vào những cái gai.
Và người ta nhìn vào những cái gai, nắm lấy nó, càng bóp chặt lấy nó, thì chắc chắn người ta sẽ bị tổn thương.
Cho nên bạn đừng hỏi tại sao tình yêu của bạn đau khổ, mà bạn phải hỏi ngay bây giờ bạn đang nâng niu những cánh hoa hồng hay đang nắm chặt những cái gai.
Và nếu bạn là một con người có trái tim bao dung, bạn sẽ thấy được một điều. Thực ra bản thân hoa hồng không muốn mang những cái gai trên mình nó. Tại vì nó sợ rằng những cái gai này có thể làm người khác tổn thương.
Khi yêu, người ta nâng niu những cánh hoa hồng và quên đi những cái gai của nó. Nhưng khi ghét nhau rồi, người ta sẽ quên đi những cánh hoa hồng và chỉ nhìn chằm chằm vào những cái gai.
Trong mỗi chúng ta, ai cũng có cái gai góc và không ai muốn vì những cái gai góc của mình mà người khác bị tổn thương. Cho nên khi đó chúng ta có thể suy từ lòng mình ra lòng người, và chúng ta có thể yêu thương, tha thứ, bao dung cho người đó được.
Như Đức Bồ Tát Quan Thế Âm đã dạy, chúng ta phải có mắt thương nhìn cuộc đời. Khi chúng ta đã thương, chúng ta có thể bỏ qua cho nhau, và rồi sau tất cả chúng ta sẽ trở về với nhau.
Nhưng, con người ta không chịu nhìn ra một vấn đề là con người ta nhân vô thập toàn, cho nên người ta bắt đầu so sánh, nào là vợ của người ta, bồ của người ta, chồng của người ta.
"Tôi tưởng rằng cô là như thế này thế nọ, hóa ra cô chỉ được này kia; Tôi tưởng rằng anh là như thế này thế kia, hóa ra anh chỉ được thế này". Sự so sánh người mình yêu với một người khác là sự tổn thương nhất đối với người mình yêu.
Đó cũng chính là nguyên nhân biến tình trường thành chiến trường thảm khốc, nơi mà những viên đạn bọc đường bây giờ hết ngọt rồi chỉ còn những đau thương, còn lại nguy cơ sát thương rất cao. Đừng bao giờ so sánh người mình yêu với một người khác.
Khi người ta yêu nhau, người ta thề sống chết có nhau nhưng khi hết yêu nhau rồi, thì người ta hay thề là sống chết với nhau.
Phải học cách làm mới tình yêu
Các bạn có tin đĩa bay là có thật không? Đĩa bay UFO, có người nói có, có người nói không. Trong tình yêu cũng vậy, khi mà yêu nhau, người ta nửa nghi ngờ nửa tin là đĩa bay có thật hay không?
Nhưng khi mà cưới nhau rồi, thì người ta không chỉ thấy đĩa bay, mà chén bay, bát bay, nồi niêu xoong chảo cũng bay.
Cho nên khi mà người ta đã ghét nhau rồi, bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra. Đó chính là dấu hiệu của sự rạn nứt, đổ vỡ, và đau thương. Và đó cũng là một chuyện hết sức bình thường, mà Đức Phật gọi nó là sự vô thường, tức là không có cái gì là tồn tại mãi mãi.
Ai đó đã nói một câu là: "Only one thing is certain that nothing is certain", có nghĩa là có một điều chắc chắn là chẳng có gì chắc chắn cả.
Cho nên tình yêu dù có đẹp đến thế nào, một ngọn lửa tình có mạnh mẽ đến thế nào, thì nó cũng có khả năng bị dập tắt trong dông bão của cuộc đời.
Cho nên ai muốn giữ được cho tình yêu của mình lâu dài, thì phải luôn làm mới cho tình yêu của mình, đừng để nó cũ mèm.
Tình yêu như chiếc bút chì, lâu lâu không vót, tức thì mất toi. Hay người ta nói là đường không đi thì đường mọc đầy cỏ dại, người không qua lại thì người sẽ trở thành người dưng.
Nhưng có những người đã nỗ lực hết sức mình, đã làm mọi cách nhưng người ta vẫn cứ là người dưng, thì lúc đó phải làm sao?
Còn duyên thì ở, hết duyên thì đi, níu kéo nhau chi cho đời thêm khổ. Đừng có hận đời đen bạc, đừng có hận kẻ bạc tình, rồi lấy máu xăm mình, xăm lên bốn chữ "hận người tôi yêu".
Đừng có dại dột tự tử, thất tình tự tử, đu cây mận, cây mận rung rinh, ngã cái uỳnh, nào ngờ dưới đất cây đinh nhọn, không chết vì tình, chết vì đinh.
Cho nên khi mà bạn không thể níu kéo tình yêu của mình, bạn hãy làm một việc an ủi mình, bằng cách nào?
"Trái tim ơi đừng buồn nữa, tao biết mày đang nhớ đến ai, nhưng tim à sao mày khờ quá vậy, mày nhớ họ, họ có nhớ mày không". Thay vì mình cứ hát đi hát lại cái bài "Đêm ngày xa anh" thì mình dõng dạc hát to bài "Anh cứ đi đi" và chúng ta mạnh mẽ dứt khoát hát "Thà là bỏ đi hết".
Dù cuộc đời đau khổ đi nữa, thì chúng ta vẫn cứ phải hát lên, và chúng ta sẽ thấy rằng mất tình yêu đôi lứa không có nghĩa là mất tất cả, vì cuộc sống này còn nhiều thứ đáng để cho bạn sống.
Và bạn ngẩng cao đầu nói rằng: "Em của ngày xưa là cô gái mang hài đỏ, bỏ cả thế giới nhỏ để chỉ yêu mình anh. Và em của ngày hôm nay là cô gái mang hài xanh, tuy mỏng manh nhưng không còn xem anh là tất cả".
Rồi các bạn sẽ lại yêu, nhưng là yêu một người khác. Nên các bạn hãy bình tĩnh mà sống, không có gì phải vội vàng, đau khổ, thất tình, tự tử.
Có một ông già kể một câu chuyện cười, và khi câu chuyện kết thúc thì mọi người cười ngặt nghẹo. Rồi ông kể lại câu chuyện lần thứ hai, người ta vẫn cười nhưng tiếng cười vơi đi. Cho đến lần thứ mười, không còn ai cười nữa.
Và ông già đưa ra một kết luận: dù cho một câu chuyện cười kể nhiều lần thì cũng nhàm, không còn gì buồn cười cả. Vậy thì tại sao ta phải khóc đi khóc lại một chuyện cũ mèm.
Đó là cách chúng ta học được một chữ trong Đạo Phật, đó là chữ Hỷ, tức là chúng ta hoan hỉ, vui vẻ đón nhận tất cả mọi thứ trong cuộc đời này sẽ đến với mình bằng một cái tâm bình thản.
Vì cuộc đời vốn là như vậy, không đau khổ lấy đâu làm chất liệu, không buồn thương sao biết chuyện con người, không nghèo đói làm sao thi vị hóa, không lang thang sao biết gió mưa nhiều. Cuộc đời là như vậy, và không có gì phải đau khổ.
Các bạn có biết sau cơn mưa có cầu vồng. Và cầu vồng phải có một vệt màu xanh, tím, đỏ, vàng, rất nhiều màu mới tạo nên được cầu vồng. Cầu vồng không thể là cầu vồng khi nó chỉ có một vệt màu hồng.
Cuộc sống này cũng vậy, không phải lúc nào cũng chỉ có một màu hồng. Nếu cuộc sống này toàn một màu hồng, thì cũng vô cùng tẻ nhạt. Cho nên các bạn hãy giống như một con lật đật, dù ngã bao lần cũng tự bật dậy đứng lên.
Và bạn hãy nhớ rằng, là bạn và chính bạn phải đi hết hành trình cuộc đời của mình. Bạn cũng đừng quá nương tựa vào bất cứ một ai bởi vì ngay cả cái bóng của bạn cũng bỏ bạn lúc tối tăm.
Cho nên khi mà bạn muốn tìm một người nào đó thay đổi cuộc đời mình, thì bạn hãy nhìn vào gương, và bạn sẽ thấy chính bạn, chỉ có bạn mới thay đổi được chính bạn, bạn mới làm được cuộc sống của bạn đau khổ hay hạnh phúc mà thôi.
Có một con thuyền sắp ra khơi, người ta tuyển thủy thủ, và một đám người thất nghiệp xin lên thuyền làm việc. Người thuyền trưởng hỏi rằng: "Các anh có kinh nghiệm đi biển không?"
Những người thất nghiệp mới nói rằng: "Chúng tôi chưa có kinh nghiệm đi biển".
Người thuyền trưởng mới nói rằng: "Tôi không thể nào giao con thuyền cho các người chỉ biết trông cậy vào niềm tin. Khi mà sóng gió xảy ra, các anh cứu con tàu này như thế nào?"
Cuộc đời này cũng vậy, không ai giao phó cuộc đời họ cho bạn khi bạn chỉ có một niềm tin trống trơn. Khi bạn nói rằng anh yêu em hay em yêu anh, thì chính ngay trong bạn phải có tình yêu trước đã, bạn phải có chất liệu trước đã, có bột mới gột lên hồ.
Bạn nói rằng bạn yêu người khác, nhưng bạn chỉ có một niềm tin trống trơn thì bạn không thể yêu người khác một cách trọn vẹn được, và trước sau gì tình yêu của bạn cũng sẽ đổ vỡ. Bạn đừng bao giờ yêu người khác với một niềm tin trống rỗng.
Nếu như bạn muốn thấy tình yêu đích thực, bạn hãy nhìn vào hình ảnh một người mẹ ôm một đứa con tật nguyền của mình vào lòng và hôn mãi.
Hay bạn nhìn vào hình ảnh của một con người ngồi dưới gốc cây bồ đề với một tư thế an nhiên, vững chãi và đã hi sinh tất cả cho chúng sanh, đó chính là Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật của chúng ta.
Đó là một tình yêu vị tha, vô ngã, và chúng tôi cầu mong rằng bạn cũng được tình yêu cao thượng đó. Chúc bạn luôn có hạnh phúc và bình an, A di đà Phật!
Sư thầy Đại Đức Thích Tâm Nguyên là một tăng chúng đã xuất gia và hiện đang tu tập tại chùa Hoằng Pháp (xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh).
Tuy thầy là một người trẻ tuổi nhưng thầy Thích Tâm Nguyên đã có nhiều năm tu học phật pháp, thường xuyên tham gia các buổi tọa đàm chia sẻ về tư tưởng và triết lý của Đức Phật, đặc biệt là trong các khóa tu mùa hè dành cho sinh viên.
Sư thầy thường xuyên cập nhật những thông tin mới, sử dụng nhiều từ lóng gần gũi với giới trẻ, chính vì vậy những bài giảng của thầy không chỉ là những bài học vô giá mà còn mang phong cách trẻ trung, hài hước khiến cho đông đảo Phật tử trẻ tuổi yêu mến.