Ngày 7/9, cơn bão số 3 - siêu bão Yagi đã chính thức đổ bộ vào khu vực đất liền nước ta. Cơn bão gây mưa dông, gió lớn trên diện rộng. Nhiều ngôi nhà bị bật nóc, tốc mái. Thậm chí tại nhiều công trình cao tầng như khách sạn, chung cư còn xuất hiện hiện tượng vỡ các tấm cửa kính, gây nguy hiểm cho con người.
Trong lúc này trên mạng xã hội, nhiều người truyền tai nhau một cách có thể giúp hạn chế hiện tượng vỡ kính. Đó là mở cửa, để hé các cửa sổ, cửa ra vào. Nguyên nhân là bởi khi để cửa mở, ngôi nhà sẽ được mở lối thông gió, từ đó giảm áp suất không khí trong nhà, giúp giảm nguy cơ vỡ kính.
Vậy thực hư của phương pháp này như thế nào? Có thực sự hiệu quả và mọi người có nên làm theo hay không?
Chuyên gia đưa ra lời khuyên
Theo các chuyên gia, thực tế, phương pháp để cửa, mở hé cửa khi có gió lớn, KHÔNG ĐEM LẠI TÁC DỤNG. Thậm chí, nó còn tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại nặng nề hơn với tài sản và con người trong nhà.
Văn phòng Khoa học và Xã hội của ĐH McGill (Canada) viết: "Nếu nhà chúng ta là những cái hộp mở tung và chúng ta có thể tạo những khoảng mở lớn ở cả phía gió vào và phía khuất gió, thì phần lớn gió sẽ thổi thẳng qua, làm giảm áp lực lên kết cấu nhà. Nhưng nhà chúng ta đâu phải những cái hộp mở tung. Các lối và cửa giữa các phòng, tủ, đồ đạc, góc… khiến gió vào nhà không thể thổi thẳng qua mà sẽ va vào các bức tường và những thứ khác".
Trong một chương trình của Dịch vụ Thời tiết Quốc gia (NWS) của Mỹ, khi học viên hỏi có nên mở hoặc mở hé cửa sổ lúc có gió mạnh hoặc bão không, giảng viên cũng nhấn mạnh rằng: "Hãy tìm cách giữ an toàn cho mình thay vì làm bất kỳ điều gì khác. Nếu một cơn bão mà đã muốn cửa sổ nhà bạn mở ra, nó sẽ chẳng ngại tự mở thay bạn đâu".
Vì vậy khi có các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra như giông lốc, gió lớn, cách tốt nhất để bảo vệ không gian sống chính là đóng kín cửa nhà, bao gồm các cửa ra vào và cửa sổ.
Ngoài ra, một phương pháp cũng được nhiều người áp dụng trong đợt bão Yagi này, đó là DÁN BĂNG DÍNH vào cửa kính, theo hình chữ X hoặc dán thành lưới. Mục đích của phương pháp này là để gia cố cửa kính, tạo thêm một lớp cố định để tạo sự chắc chắn cho khu vực cửa kính.
Tuy nhiên, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) đã cảnh báo rằng, việc dán băng dính lên cửa vốn dĩ chỉ gây lãng phí thời gian, công sức và tất nhiên là lãng phí băng dính. Nó không giúp tăng độ bền của kính, và cũng chẳng ngăn được vấn đề kính bị vỡ.
Bên cạnh đó, khi đối mặt với các cơn bão lớn, nếu kính bị vỡ, các mảnh thủy tinh sẽ dính vào nhau gây ra nguy hiểm.
Làm gì với cửa khi mưa bão đi kèm gió lớn?
Dưới đây là một số lời khuyên mọi người có thể tham khảo để xử lý với các cửa nhà mình, hạn chế thiệt hại vào những ngày mưa bão, có gió lớn
1. Dùng ván ép/bạt chắn cửa
Ván ép và bạt nhựa cứng có thể được sử dụng như một tấm "hàng rào bảo vệ" thêm cho cửa sổ ngôi nhà, đặc biệt là các nhà cao tầng. Người dùng có thể đóng những tấm ván ép có kích thước tương tự với cửa sổ, đóng thêm vào phía ngoài cửa sổ bằng ốc vít chắc chắn. Nên nhớ đóng vào khu vực tường bao quanh cửa, không đóng trực tiếp vào khung cửa.
Với bạt nhựa cứng thì cũng cần công chắc chắn, đóng sâu vào ban công trước cửa sổ. Những cách làm này sẽ cản được phần nào lượng gió, tránh thổi trực tiếp vào cửa kính của ngôi nhà.
"Ở chung cư cao tầng nhà có ban công, lúc làm ban công mình nhanh trí gọi thợ đến lắp luôn bạt dày vuông vắn đúng kích thước luôn. Gió bão ngoài trời kéo xuống kín, trong nhà hạn chế được kha khá. Cây cối cũng không ảnh hưởng, nền ban công còn không bị ướt", chị Nguyễn Hằng Linh đến từ Hà Nội chia sẻ.
2. Dùng các thanh chắn cố định cửa
Bên cạnh đóng ván hay sử dụng thêm bạt, các gia đình cũng có thể dùng các thanh chắn, đóng bên ngoài các cánh cửa. Các thanh chắn này cần được gắn chặt và chắc cắn vào khung cửa, vào tường để đảm bảo sự ổn định.
3. Đặt bao cát và vật nặng để chắn gió
Nếu cửa của gia đình là những tấm cửa lớn, hãy đặt bao cát hoặc các bao nước lớn, bao gạch... để chắn gió, chặn trước khu vực cửa. Cách làm này sẽ giúp giảm tác động trực tiếp khi gió thổi vào cửa kính.