Kherson - "liều thuốc thử" nặng đô với ông Putin

TRƯƠNG KHẮC TRÀ |

Kherson sẽ mở ra con đường dẫn đến Crimea, đây là ý đồ của Ukraine. Cuộc đụng độ khốc liệt ở Đông Nam Ukraine sẽ quyết định chiến sự giai đoạn 3.

Kherson - liều thuốc thử nặng đô với ông Putin - Ảnh 1.

Ukraine đã tái kiểm soát thị trấn Dudchany ở Kherson

Quân đội Ukraine đã chọc thủng phòng tuyến của Nga bên bờ sông Dnepr phía Bắc Kherson , tái kiểm soát thị trấn Dudchany cách chiến tuyến khoảng 30 km về phía Nam. Ông Vladimir Saldo, quan chức Nga mới được bổ nhiệm ở Kherson xác nhận “Ukraine đã chiếm giữ một số khu dân cư”.

Phát ngôn viên Bộ quốc phòng Nga giải thích, xe tăng Ukraine áp đảo số lượng đã thọc sâu vào phía Nam Zolota Balka, một ngôi làng từng đánh dấu tiền tuyến trước đó trên sông Dnepr. Các cuộc tấn công khắp nơi tại Kherson vẫn đang tiếp diễn.

Kherson là một trong bốn vùng lãnh thổ vừa trưng cầu dân ý với tỷ lệ 87,05% dân chúng đồng ý sáp nhập vào Nga. Ngày 30/9, tại quảng trường Đỏ với sự có mặt đông đủ các quan chức cấp cao chính phủ, Duma quốc gia, Tổng thống Putin ký sắc lệnh chuẩn y kết quả. Lãnh đạo 4 vùng cùng tham dự buổi lễ và ký hiệp ước gia nhập.

Sáp nhập Luhansk và Donetsk giúp lãnh thổ Nga mở rộng đáng kể sang Ukraine hơn 53.000km2 và 6,3 triệu dân, tương đương với 1 quốc gia có quy mô địa lý dưới mức trung bình trên thế giới.

Trong khi đó Kherson và Zaporizhzhia có tổng diện tích trên 55.000km2 và 2,6 triệu dân, giống như bức tường thành chia cắt hoàn toàn biển Azov và bán đảo Crimea khỏi lãnh thổ Ukraine.

Việc Nga không có đường đất liền nối với Crimea khiến ông Putin đau đầu suốt nhiều năm, bằng mọi giá, Moscow phải thiết lập được hành lang sát biển Azov, kéo dài từ vùng Donbass ly khai, xuống Kherson, đến Crimea.

Với việc sáp nhập 4 vùng lãnh thổ nói trên đã giải quyết triệt để vấn đề an ninh biên giới phía Đông Nam, đặc biệt đẩy Crimea lùi sâu hơn vào lãnh thổ Nga. Chính vì thế, Kherson đóng vai trò vùng đệm phòng thủ rất quan trọng.

Điều này còn giúp giải thích vì sao quân đội Ukraine chọn Kherson làm mặt trận phản công, mở ra con đường lấy lại Crimea như tuyên bố của Tổng thống Zelensky; đồng thời kiểm soát nguồn nước ngọt duy nhất cung cấp cho 2,8 triệu người trên bán đảo.

Nếu Ukraine tái chiếm Kherson, mục tiêu tiếp theo sẽ là Crimea - đây là vấn đề mang tính chiến lược mà 8 năm qua kể từ khi chiếm được Crimea nhưng Nga không hề cảm thấy an tâm.

Kherson - liều thuốc thử nặng đô với ông Putin - Ảnh 3.

Lực lượng Ukraine tiến vào Donetsk (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, dùng vũ lực tại Kherson là vi phạm “lằn ranh đỏ” của Nga, chạm vào một trong bốn kịch bản trong “học thuyết hạt nhân” của Nga. Theo đó, Nga có thể sử dụng “mọi lực lượng hiện có” bao gồm cả vũ khí hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ.

Các nhà lãnh đạo Nga nói rất nhiều về khả năng vũ khí hạt nhân. Theo bà Olena Pavlenko - một nhà phân tích chính sách năng lượng tại Viện nghiên cứu của Tập đoàn Dixi ở Kiev: “Nếu Nga nói nhiều về vấn đề gì đó thì họ sẽ không làm vậy. Nhưng nếu họ im lặng thì đó là lúc cần phải lo lắng”.

Trong một động thái hiếm hoi, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc: “Trung Quốc đã chú ý đến tuyên bố của các bên liên quan về vấn đề vũ khí hạt nhân. Một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ không có bên nào chiến thắng. Việc thổi phồng mối đe dọa chiến tranh hạt nhân trong điều kiện hiện nay sẽ không giúp xoa dịu tình hình mà chỉ đổ thêm dầu vào lửa”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại