Trong suốt hơn 1700 năm kéo dài từ Đông Hán đến Minh Thanh, theo chính sử ghi lại, gia tộc họ Vương ở Lang Gia, Sơn Đông đã bồi dưỡng được 36 hoàng hậu, 36 phò mã và 35 tể tướng.
Đây chính là gia tộc được đánh giá là danh giá nhất lịch sử Trung Hoa mà chỉ với gia huấn gồm vỏn vẹn 6 chữ “Ngôn nghi mạn, tâm nghi thiện” (Nói nên chậm, tâm nên thiện). Biết cách ứng xử vẫn là bí quyết giúp cuộc sống con người ta trở nên tốt đẹp.
Tục ngữ có câu: "Học ăn, học nói, học gói, học mở". Học giao tiếp là học cả đời. Ứng xử đúng mực là phép tắc quan trọng và tối thiểu nhất mà một người văn minh nên làm được. Chúng ta sinh ra không phải ai cũng sở hữu sự khéo léo trong giao tiếp. Ở đời, lỡ miệng nói một câu khiến người khác không hài lòng là "sai một bước, đi một dặm".
Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra. Mỗi người đều cần phải có trách nhiệm về lời mình đã nói ra. Có những lời mà người nói vô tâm, người nghe hữu ý. Trong lúc tùy ý mạnh miệng đã vô tình tạo ra vô số kẻ thù mà không hay biết. Và tốt hơn cả, "tâm nên thiện" để mỗi lời nói ra, dù không rút lại được, cũng không mang tính ác ý hay trù ẻo.
Theo Phật dạy thì trong 10 nghiệp lớn của con người, có 4 nghiệp từ miệng gây ra: chuyện không nói có, chuyện có nói không; nói lời ác ý; nói hai lời, người hai mang và nói lời thêu dệt. Tu được cái miệng là tu hơn nửa đời người, rất nhiều người trong cuộc sống hàng ngày vẫn đang vô thức mắc phải “khẩu nghiệp” mà không hề hay. Gieo nhân nào gặp quả ấy, đừng vì đôi lời nói ra phút chốc mà gánh nghiệp cả đời.
1. Chuyện không nói có, chuyện có nói không
Một lần nói dối là lỗi của hoàn cảnh, nhiều lần nói dối là lỗi của bản thân. Một khi đã giữ thói nói dối bên mình, cả đời không sửa được. Có những người hễ mở miệng là nói dối, nói dối không chớp mắt, nói dối như một điều hiển nhiên, nói dối đến mức thuận lời, không cần suy nghĩ, đến chính họ còn không cảm nhận được là mình đang nói dối.
Có nhiều loại nói dối: Nói dối với đùa vui, nói dối với mục đích lừa phỉnh, nói dối để khoe khoang, nói dối vì sợ hãi, nói dối để thu lợi bất chính… Có thể chính người nói dối chỉ nghĩ đó là những lời vô thưởng vô phạt không hại đến ai nhưng nói dối đã là điều sai trái với lẽ tự nhiên. Thường tình, điều sai trái với lẽ tự nhiên thì cũng phải chịu ít nhiều tai tiếng, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín bản thân.
Tùy theo mục đích của nói dối mà tạo ra nghiệp tội nặng nhẹ khác nhau. Tuy nhiên, có những trường hợp nói dối với mục đích cứu giúp hoặc bảo vệ tính mạng cho người khác thì không nên coi là "khẩu nghiệp".
2. Nói lời ác ý
Người nói lời hung ác thường chủ ý từ tâm không thiện. Đả thương lòng tự trọng của người khác, chửi mắng người khác, làm phương hại danh dự người khác là họa từ miệng ra, nói lời hại người lại chính là hại mình, tự mang phiền toái đến cho mình.
Tâm ác thì nói ác rồi làm ác, thân khẩu ý đều ác thì ngày xuống địa ngục không còn xa. Nhà Phật quan niệm, nghiệp là hành động tạo tác nhiều lần có chủ ý, cùa thân, miệng và ý, nguyên nhân đưa tới quả báo, cả hai “nghiệp” và “quả báo” tạo thành "luật nhân quả”, tuần hoàn không dứt, đưa con người luân hồi khắp sáu cõi.
Nói lời ác ý, dù là để tự vệ hay tấn công mà làm tổn hại đến danh dự, nhân cách của người khác cũng đồng nghĩa với việc bạn đã tự tích thêm nghiệp quả cho mình. Chẳng thiếu gì những người "khẩu nghiệp" cho sướng miệng, dùng toàn những lời cay cú chửi bới nhục mạ người khác, bỏ lơ hậu quả mình gánh chịu.
Tôn trọng người khác cũng như tôn trọng mình, hãy nhớ mình nói những lời không hay, trước tiên, đó cũng thể hiện lối sống thiếu phẩm chất, đạo đức, văn minh trong lời nói, trong giao tiếp và dẫn đến hạ thấp uy tín của tự thân.
3. Nói hai lời, người hai mang
Kẻ ăn nói không có chính kiến, người hai lời, "gió chiều nào xoay chiều đấy", lúc nói thế này lúc nói thế kia, châm ngòi ly gián, cố tình gây mâu thuẫn nội bộ và chỉ biết vun vén hưởng lợi riêng về mình. Loại người này rất nguy hiểm, dùng lời lẽ hại người, là tạo nghiệp ác chứ không đơn thuần chỉ là nói sai sự thật.
Trong xã hội hiện nay, nhiều người online trên mạng xã hội như facebook, Twitter… thường dùng những lời lẽ ác ngữ, thô tục, xúc phạm đến người khác cũng đã trở thành một hiện tượng. Mặc dù họ không ám chỉ đích danh một ai, nhưng đây cũng là việc mà tất cả chúng ta nên tránh.
4. Nói lời thêu dệt
“Tam sao thất bản”, nghe một câu mà thêu dệt thành 10 câu. Mình nghe được câu gì thì cũng đừng nên “thêm mắm thêm muối”, lỡ nửa lời là gây ra lỗi lầm. Lời mình nói ra nên chắc chắn, chỉ nên vừa đủ nghe, vừa đủ hiểu và vừa đủ chân thành.
Hãy thử tưởng tượng mình là nhân vật chính trong câu chuyện và chắc chắn bạn cũng chẳng hề hài lòng khi thấy câu chuyện của mình bị "thiên biến vạn hóa" thành một câu chuyện của người khác. Lời nói không đúng sự thật tạo ra những hậu quả xấu, làm hại cho chính người nói ra và những người liên quan.
Trong kinh Phật cũng dạy, có 4 kiểu người ở đời chúng ta nên tránh:
1. Hay đổ lỗi cho người khác
2. Hay nói chuyện mê tín, tà kiến
3. Khẩu Phật, tâm xà
4. Làm ít kể lể nhiều
Tây phương có câu: “Trước khi nói phải uống lưỡi bảy lần”. Đã sống trên đời thì nên tạo phúc tạo phần, không nên gây nghiệp. Hãy ghi nhớ phần miệng là gieo tạo nghiệp nhiều nhất. Học ăn, học nói là học cả đời. Của cải làm ra bao nhiêu cũng hết nhưng những lời tâm ý sẽ trường tồn đời này qua đời khác, giá trị bạn trao đi cũng chính là những gì bạn nhận lại. Người nói lời cao đẹp, yêu thương thì trong tâm luôn cảm thấy thanh thản, bình an và ngược lại.