Theo truyền thông Nga, sự cố xảy ra hôm 2/12, thời điểm tiêm kích đánh chặn MiG-31 của không quân Nga thực hiện chuyến bay huấn luyện định kỳ ở vùng Viễn Đông, Liên bang Nga. Hai phi công điều khiển MiG-31 phóng ghế thoát khỏi máy bay.
Văn phòng báo chí cho biết, MiG-31 gặp nạn trong lúc bay huấn luyện và không mang theo đạn dược.
Chiếc máy bay bị rơi ở một khu vực hoang vắng và không có thiệt hại nào dưới mặt đất. Theo thông tin ban đầu, lỗi kỹ thuật có thể là nguyên nhân gây tai nạn.
Tiêm kích MiG-31 của Nga. Ảnh: defence
MiG-31 (NATO định danh là Foxhound) là máy bay chiến đấu thế hệ 4 của Nga do hãng Mikoyan thiết kế và phát triển. Tiêm kích MiG-31 có chuyến bay đầu tiên vào tháng 9/1975 và đến năm 1981 chúng bắt đầu được đưa vào phục vụ trong quân đội.
MiG-31 có thể hoạt động hiệu quả cả ngày lẫn đêm và trong mọi điều kiện thời tiết. Chúng được triển khai thực hiện các nhiệm vụ đánh chặn các mục tiêu trên cao.
Khung máy bay được làm từ nhiều vật liệu khác nhau. Ảnh: Wikipedia
Máy bay được thiết kế với chiều dài 22,69 m; sải cánh 13,46 m và chiều cao là 6,15 m. Trọng lượng rỗng của máy bay là 21,8 tấn và trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 46,2 tấn. Phần khung làm từ nhiều vật liệu khác nhau bao gồm thép hàn niken (49%), titan (16%), hợp kim nhôm (33%) và 2% vật liệu tổng hợp.
Động cơ của MiG-31. Ảnh: Wikipedia
MiG-31 được trang bị 2 động cơ tuốc bin trục Solovyev D-30F6 với lực đẩy cất cánh 15.500 kgf mỗi chiếc. Nhờ đó máy bay có thể bay với tốc độ tối đa 3.000 km/h và leo cao với tốc độ 208 m/s. Nó có bán kính chiến đấu 720 km và phạm vi hoạt động 3.300 km (khi có thùng nhiên liệu phụ).
Tiêm kích có thể mang theo nhiều loại vũ khí khác nhau. Ảnh: Avia.Pro
Tiêm kích MiG-31 được trang bị 4 tên lửa không đối không tầm xa Vympel R-33E có khả năng tấn công các mục tiêu lớn và tốc độ cao như SR-71 Blackbird, máy bay ném bom B-1 Lancer và B-52.
Ngoài ra, nó còn mang theo 4 tên lửa tầm ngắn R-60MK; 2 tên lửa tầm trung Bisnovat R-40TD1 và một khẩu pháo 6 nòng 23 mm, với cơ số đạn là 800 viên đạn. MiG-31 đã được điều chỉnh để có thể mang các loại tên lửa không đối không và không đối đất, bom và tên lửa đạn đạo siêu thanh.
Buồng lái tiên tiến của MiG-31. Ảnh: baidu
MiG-31 được trang bị hệ thống điện tử tiên tiến với buồng lái được lắp đặt hệ thống kỹ thuật số, cung cấp các thông tin về mục tiêu một cách nhanh nhạy và chính xác nhất. Bên cạnh đó, máy bay được trang bị radar mảng pha Zaslon quét điện tử đầu tiên trên thế giới, có thể nhận tín hiệu từ radar cảnh báo sớm (EWR) cũng như hệ thống kiểm soát và cảnh báo trên không (AWACS).
Radar ở đầu mũi máy bay. Ảnh: baidu
Được biết, Zaslon có khả năng quét khoảng cách 200 km. Radar có khả năng tìm kiếm và tấn công các mục tiêu khác nhau trên không và trên mặt đất bằng cách sử dụng các lệnh điều khiển, nó có thể theo dõi đồng thời 10 mục tiêu và tiêu diệt 4 mục tiêu cùng lúc.