Hideki Nakahara, năm nay bước sang tuổi 66, từng là một nhân viên làm việc cho hãng hàng không Japan Airlines, đã nghỉ hưu. Ông có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị nhân sự.
Tốt nghiệp Đại học Kyoto chuyên ngành giáo dục xã hội học, Hideki là một người rất chịu khó lắng nghe người khác và có thể đưa ra những lời khuyên bổ ích về cuộc sống, công việc lẫn các mối quan hệ tình cảm.
Là một người đàn ông đã có gia đình với 2 đứa con kháu khỉnh, thông thường Hideki lấy mức giá 1.000 yên (tương đương 2,1 triệu đồng) cho mỗi giờ khách hàng sử dụng dịch vụ của mình. Vậy đó là dịch vụ gì?
Khi lời khuyên và sự sẻ chia được rao bán
Nakahara là một trong số những "mặt hàng mới" được trang web Ossan Rental chào mời. Nói một cách đơn giản đây là một dạng dịch vụ cho phép người dùng có thể thuê người trung niên hoặc người đứng tuổi để có người bầu bạn trong một khoảng thời gian nhất định.
"Nhiều người luôn mong mỏi được nhận những lời khuyên vê cuộc sống, công việc hay các mối quan hệ của họ", Nakahara nói. "Tôi không hẳn là một chuyên gia tâm lý, nhưng tôi nghĩ rằng vốn kinh nghiệm sống của mình có thể sẽ giúp ích được cho ai đó".
Nhân viên của Ossan Rental, ông Hideki Nakahara
Nakahara đã làm công việc này được 38 năm rồi, trong đó phải đến 34 năm ông dành trọn sự nghiệp của mình tại Japan Airlines. Gần đến khi nghỉ hưu, ông được chẩn đoán là mắc phải chứng trầm cảm.
Và đến khi rời khỏi hãng hàng không vào năm 2012, người đàn ông này không biết mình sẽ làm gì tiếp theo. Ông cảm thấy bản thân trở nên chậm chạp và rất khó để kéo người đàn ông này ra khỏi nhà.
"Xung quanh tôi không có lấy một người bạn nào.
Những thứ như trình độ học vấn, sự nghiệp hay bản mô tả công việc không có bất cứ ý nghĩa gì nếu như bạn không có ai để giao du cùng", Nakahara nói. "Tôi bắt đầu cảm thấy mông lung, không biết mình đang sống vì điều gì nữa".
Sau khi trải qua quá trình điều trị chứng trầm cảm, Nakahara biết mình phải hành động ngay trước khi quá muộn.
Ông tham gia các buổi đối thoại với những người già đã nghỉ hưu khác, tìm kiếm cơ hội đi tình nguyện, làm việc với tư cách là trợ lý cho những trẻ em có nhu cầu đặc biệt tại một trường tiểu học ở địa phương, cũng như dạy kèm buổi chiều cho một số cháu nhỏ sau buổi học ở trường, khoảng vài hôm một tuần.
Dần dần Nakahara tìm đến các trường đại học và ngỏ ý muốn được xin trở thành chuyên gia cố vấn tâm lý cho sinh viên trong trường.
"Tôi nhận ra bản thân mình không thể cứ mãi ngồi không mà không làm một việc gì đó", Nakahara nói. "Sức khỏe của tôi vẫn ổn và đầu óc tôi vẫn còn đủ minh mẫn mặc dù đã từng gặp phải chứng trầm cảm".
Một ngày khi đọc một tờ báo nọ, ông vô tình bắt gặp một bài viết về Ossan Rental. Cảm thấy hứng thú với mục đích hoạt động của công ty, ông đã tìm gặp người sáng lập là ông Takanobu Nishimoto một thời gian sau đó.
Sau buổi gặp, ông chính thức trở thành nhân viên của dịch vụ cho thuê người độc đáo này.
Những quý ông trung niên vui tính
Nishimoto thành lập Ossan Rental vào năm 2012, ở độ tuổi 55. Ông từng làm việc với nhiều cá nhân cũng như các cửa hiệu khác nhau dưới tư cách là cố vấn thời trang, đồng thời ông cũng tham gia giảng dạy tại nhiều trường đại học và trường dạy nghề.
Một ngày, ông vô tình nghe được câu chuyện giữa một nhóm nữ sinh trung học về việc những người đàn ông ở độ tuổi trung niên thường trông rất kinh tởm với lông tai và vô vàn những đặc điểm khác.
"Lúc đó tôi mới nhận ra những người đàn ông trung niên như chúng tôi đều bị coi là kinh tởm", Nishimoto nói.
"Và thế là tôi muốn làm một điều gì đó để khôi phục danh tiếng của chúng tôi, để chứng minh rằng người trung niên vẫn có thể có ích, và chúng tôi cũng "chất" không kém ai".
Ông liền mở một trang web và đăng thông tin cá nhân của mình lên đó đi kèm với một bức ảnh chân dung, đồng ý hỗ trợ bất cứ ai có nhu cầu, tùy theo ý họ muốn.
Và cũng không phải chờ lâu trước khi hàng chục lời đề nghị đầu tiên được gửi đến. Kể từ đó tới nay, Nishimoto đã có cho mình khoảng 3.000 khách hàng trung thành.
Người sáng lập trang web Ossan Rental, ông Takanobu Nishimoto
Một trong những khách hàng đầu tiên của Nishimoto là một cụ bà đã 88 tuổi và ông vẫn thường xuyên đến thăm người phụ nữ này.
Gần như trong suốt 6 năm trời, đều đặn hàng tuần, Nishimoto đều ghé thăm căn nhà của bà ở thành phố Chiba để được chuyện trò và tản bộ cùng cụ.
Một người phụ nữ khác đã hỏi ý kiến Nishimoto nên mua bộ trang phục như thế nào để đoàn tụ với con trai lần đầu tiên sau 35 năm thất lạc.
Đến bây giờ, cô ấy đang sống cùng con trai của mình. Nishimoto còn chia sẻ rằng thậm chí có khách hàng cũng tìm đến dịch vụ này để chắc chắn rằng "ông chồng tôi không phải là người tệ bạc".
"Mỗi khách hàng lại là một vấn đề riêng", Nishimoto nói. "Có những lúc tôi cảm thấy cực kỳ hạnh phúc cứ như thể chính bản thân mình vừa rút ra được bài học nào đó".
Và cứ thế trong suốt 3 năm trời, Nishimoto tự mình cung cấp dịch vụ cố vấn tâm lý cho khách hàng, một phần là bởi ông không dám giao phó công việc này cho một người đàn ông trung niên khác.
Phần nhiều số khách hàng của Nishimoto chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi, vì thế ông muốn họ được đối xử một cách tôn trọng và phải đảm bảo an toàn cho họ.
"Có rất nhiều rủi ro có thể xảy ra khiến tôi lo sợ - tôi có thể thề rằng, bản thân không bao giờ làm những chuyện như vậy, nhưng tôi không dám chắc liệu người khác có nghĩ như thế hay không", Nishimoto nói.
"Nhưng dần dần, tôi nhận thấy mình cũng nên cho khách hàng có cơ hội được lựa chọn, bởi vì không phải ai cũng thích thuê một người giống tôi cả".
Kể từ đó Nishimoto nhận được vô số đơn xin việc được gửi đến mình. Ông rà soát từng lá thư một cách cẩn thận, mời họ tham dự các buổi phỏng vấn trực tiếp sau khi đã kiểm tra kĩ tiểu sử cũng như ảnh chân dung của mỗi người.
Rất nhiều ứng viên không đáp ứng được yêu cầu, trong số đó có 1 cụ ông đã 82 tuổi, vì lý do sức khỏe không đảm bảo nên Nishimoto bắt buộc phải từ chối.
Nishimoto chia sẻ, ông chưa từng nhận được bất cứ lời phàn nàn nào về đội ngũ nhân viên tư vấn của mình, mặc dù đôi lúc họ có thể tới trễ hoặc có thái độ hơi bộc trực một chút khi nói chuyện.
Hiện tại dịch vụ của ông có đến 78 nhân viên ở độ tuổi trung niên, với nhân sự phân bổ khắp nơi, thậm chí là cả những nơi xa xôi như Aomori hay Fukuoka.
Người trẻ nhất cũng đang trong độ tuổi 30, trong khi người lớn tuổi nhất cũng vừa chạm đến ngưỡng thất thập.
Trang web của Ossan Rental có trưng bày ảnh chân dung của những người tham gia cố vấn cũng như tiểu sử của họ, trong số đó có một chuyên gia IT có khả năng chơi vi-ô-lông rất cừ và một tay leo núi rất khoái nhạc reggae.
"Rất nhiều người mong muốn được gia nhập Ossan Rental. Họ nghĩ nó là một thứ khá thú vị và muốn được cống hiến sức mình cho cộng đồng".
Kì lạ chuyện cho thuê cả một gia đình
Những dịch vụ cho thuê người kiểu như này xuất hiện tương đối phổ biến ở Nhật Bản, từ việc đóng giả thành người thân trong gia đình, bạn bè cho đến cả khách dự đám cưới lẫn bạn hẹn hò đi ăn tối.
Phần nhiều những trang web ấy đều ghi rất rõ quy định rằng, họ không cung cấp dịch vụ tình dục.
Masahiro Yamada, giáo sư về xã hội học gia đình tại Đại học Chuo, tin rằng người dân ở Nhật Bản cũng như ở một số quốc gia Châu Á khác đều sẵn sàng tham gia những dịch vụ cho thuê như kiểu này, bởi những hoạt động như vậy xuất hiện khá phổ biến trong xã hội.
Yamada từng đưa ra khái niệm "người độc thân ký sinh" vào thập niên 90 nhằm chỉ những người lớn vẫn còn bám lấy cha mẹ.
Ông chia sẻ rằng, đàn ông Nhật Bản thường tìm đến những câu lạc bộ cũng như những quán café với những nhân viên phục vụ dễ thương để có cơ hội được trò chuyện thân mật và kèm thêm đó là một chút tán tỉnh nữa.
"Người ta tìm đến những chỗ kín đáo như vậy để thỏa mãn cảm giác được thư giãn và thân mật", Yamada nói. "Vì thế đó cũng là lý do khiến những dịch vụ cho thuê người như thế này trở nên khá ức chế với một số người".
Một công ty như Support One có thể đem đến dịch vụ cho thuê với bất cứ mục đích gì.
Khách hàng có thể thuê cho mình một gia đình đầy đủ các thành viên để tham gia một hoạt động xã hội nào đó, hoặc thuê một người bạn để cùng đi mua sắm và xem phim.
Người sáng lập Support One, cô Megumi Furukawa
Người sáng lập Support One, cô Megumi Furukawa, 34 tuổi, đã quyết định mở dịch vụ này sau khi được nhờ sự trợ giúp từ những khách hàng không may rơi vào những hoàn cảnh khá éo le, trong thời gian cô còn vận hành một cửa hàng nối mi khi mới 20 tuổi.
Chẳng hạn, một khách hàng nữ nhờ Furukawa trở thành cấp trên của mình, sau khi bố mẹ cô gái ấy ngờ vực rằng, cô đang làm việc cho một công ty thấp kém.
Một khách hàng khác lại bị gia đình ép phải đi xem mặt, vì thế để đỡ bị bỡ ngỡ cô đã nhờ Furukawa cùng đi với mình.
"Dần dần tôi nhận ra là người ta không phải lúc nào cũng tìm đến giá trị vật chất đơn thuần, mà đôi khi họ cần ai đó để bầu bạn, tâm sự những vấn đề của riêng họ", Furukawa nói. "Việc kết nối với người khác sẽ giúp tạo ra thêm được giá trị.
Nếu có ai đó sẵn lòng bỏ thời gian ra để tiếp chuyện với họ, điều đó là hết sức có ý nghĩa với riêng người ấy".
Fukurawa đã thành lập Support One vào năm 2013, khi mới 29 tuổi. Giống như Nishimoto, Fukurawa cũng tất bật lựa chọn hồ sơ xin việc. Cô nhận trung bình khoảng 100 lá thư mỗi tháng từ những người tha thiết muốn gia nhập vào đội ngũ nhân viên trong công ty.
Những tiêu chí sàng lọc được sử dụng như tính cách chẳng hạn, Fukurawa thường chọn ra 1 thành viên mới cho mỗi tháng, nếu có ai đó đáp ứng được. Hiện tại đội ngũ nhân viên của cô có 39 người, ở độ tuổi từ trên 20 đến 70.
Fukurawa cũng cẩn thận sàng lọc từng hồ sơ bởi cô chỉ chọn ra những người mà mình có thể tin tưởng được. Thêm nữa, 80% số nhân viên của Support One đều là phụ nữ nên yêu cầu an toàn cho họ được đặt lên hàng đầu. Công ty cũng đã ban hành nội quy cấm những nhân viên nữ của mình không được gặp gỡ khách hàng ở những nơi kín đáo như nhà khách hoặc phòng karaoke.
Nếu khách hàng có yêu cầu đi ngược lại nội quy kể trên – chẳng hạn như nhờ người đến nhà và lau dọn – thì họ cần phải trả tiền cho 2 nhân viên cùng lúc.
Khách hàng lẫn nhân viên của Support One đều không được phép liên hệ trực tiếp với nhau mà tất cả đều phải thông qua Fukurawa nhằm đảm bảo mọi giao dịch đều được tiến hành an toàn.
Khách hàng phải thông báo tên thật của mình cũng như thông tin liên hệ để trong một số trường hợp nhất định, khách hàng sẽ được yêu cầu xác minh lại danh tính nhằm bảo đảm dịch vụ mà họ yêu cầu không gây nguy hiểm hoặc không phải là phi pháp.
"Bảo đảm an toàn cho nhân viên của tôi là một việc hết sức quan trọng...
Và tôi cũng tự hào khi biết rằng, cả khách hàng cũng cảm thấy an toàn khi sử dụng dịch vụ của chúng tôi", Fukurawa nói. "Đó là lý do vì sao mọi yêu cầu về dịch vụ đều phải được chuyển đến công ty, hay nói cách khác, phải thông qua tôi".
Danh sách những dịch vụ cho thuê mà Support One cung cấp dài cả mấy trang giấy, bao gồm từ việc như nấu ăn, quét dọn nhà cửa, lập trang web để thành lập doanh nghiệp, chăm sóc trẻ nhỏ hãy dắt thú cưng đi dạo.
Ngoài ra, công ty cũng cung cấp một số dịch vụ đặc biệt khác, như đứng xếp hàng thay – đặc biệt là vào lúc nửa đêm – nhằm nộp được hồ sơ xin học cho con vào lớp mẫu giáo nổi tiếng, hoặc thậm chí là thuê ai đó thay mặt bạn xin lỗi người khác.
Có lần, Fukurawa thậm chí còn được khách hàng thuê để đóng giả làm một người bạn thân nhằm thuyết phục đối tác tham dự một buổi gokon (tạm dịch là hẹn hò nhóm bí mật) và xin lỗi anh bạn trai đang cảm thấy sục sôi vì tức giận.
Một dịp khác, cô lại phải trở thành "người phụ nữ thứ ba", chỉ việc ngồi yên để vợ của khách hàng nạt nộ với những lời lẽ đầy xúc phạm ngay ngoài công cộng. Bất ngờ hơn nữa, cô còn từng phải giả vờ làm người tình bên ngoài của khách hàng, lý do là bởi anh ta không tài nào thuyết phục bạn gái chia tay cả.
"Nhiều người tìm đến chúng tôi để giúp họ giải quyết những vấn đề mà họ tự gây ra", Fukurawa nói. "Đây là công việc… nên chúng tôi cố gắng tránh để cảm xúc cá nhân xen vào".
Mặc dù có những lời đề nghị khá thách thức được gửi đến Support One, nhiều yêu cầu khác lại vui vẻ hơn rất nhiều.
Chúng bao gồm từ việc đi mua sắm cùng với khách hàng thích mặc những bộ quần áo tomboy hay cùng nhau thưởng thức một bữa ăn tối tại một nhà hàng sang trọng. "Không hẳn những người đó không có bạn chơi cùng", Fukurawa giải thích.
"Nó chỉ đơn giản là lúc họ cần thì họ lại không tìm thấy được ai mà thôi. Nhân viên chúng tôi luôn cố gắng nỗ lực để mang đến trải nghiệm thú vị nhất cho khách hàng, trong thời gian họ bỏ tiền ra sử dụng dịch vụ này".
Những món quà mang tính ràng buộc cao
Giáo sư Yamada đến từ Đại học Chuo nhấn mạnh rằng, việc xây dựng và duy trì một mối quan hệ ở Nhật Bản là điều hết sức khó khăn. Ông lý giải điều này nằm ở đức tính cho đi và nhận lại của người dân Nhật.
Người ta có thói quen đem tặng chugen (những món quà vào mùa hè) và nhận lại seibo (món quà cuối năm) để thể hiện sự trân trọng trước những gì mà gia đình lẫn người thân làm cho họ.
Thêm vào đó, một số món quà cưới lẫn đồ em bé thường gắn với những nét phong tục truyền thống, yêu cầu người nhận phải gửi lại một món quà đáp lễ để thể hiện thái độ biết ơn.
Kể cả ngày lễ Tình nhân cũng dần biến thành một nghĩa vụ của phụ nữ khi họ buộc phải đem tặng những món quà cho đồng nghiệp hay bạn bè, trước khi được nhận lại những món quà cảm ơn từ bạn trai 1 tháng sau, vào dịp lễ Tình nhân trắng.
"Tất cả đều xoay quanh việc cho đi và nhận lại", Yamada nói. "Việc tặng quà đáp lễ trở thành một nghĩa vụ không hơn không kém".
Giáo sư chuyên ngành xã hội học gia đình, ông Masahiro Yamada
Với một tấn những nghĩa vụ kiểu đó, đôi khi sẽ dễ dàng hơn nếu như ta chỉ cần sử dụng dịch vụ cho thuê.
"Đôi lúc sẽ tiện hơn nếu như ta tự tay trả tiền cho một thứ gì đó, thay vì phải chờ sự giúp đỡ từ bạn bè", Yamada nói. "Đó có thể chỉ là mối quan hệ tạm thời… nhưng điều đó cũng không làm nó bớt tính thực tế đi chút nào".
Chỉ trong vòng 8 tuần kể từ khi khai trương dịch vụ Ossan Rental, Nakahara đã có được 8 khách hàng tìm đến. "Họ đều có những vấn đề hay câu chuyện cần được kể và chia sẻ", Nakahara nói.
Chẳng hạn như, một anh chàng người Malaysia mong muốn được trò chuyện với một người đàn ông trung niên ngang tuổi bố anh ấy, một vị khách nữ muốn thuê anh để về mắng mỏ đứa con hư hỏng của mình, hoặc một nghệ sĩ hài tự do muốn được tìm người giãi bày tâm sự.
Mới đây, một người phụ nữ trung niên cũng tìm đến ông để hi vọng ông có thể giả vờ làm người thân trong gia đình và đi nói chuyện với bên nhà thầu nơi đang muốn cải tạo lại căn hộ của mẹ bà ấy, chỉ vì họ không đoái hoài đến lời thỉnh cầu của họ.
Hay nhiều khách hàng thậm chí gặp phải những vấn đề nghiêm trọng hơn rất nhiều, chẳng hạn như một cô gái trẻ đang có ý định sẽ tự tử.
"Tôi biết cô ấy tìm đến đây không phải là để tìm câu trả lời, thế nên tôi chỉ ngồi và nghe cô ấy tâm sự mà thôi", Nakahara nói.
"Tuy vậy tôi luôn nhận thức được giữa tôi và khách hàng luôn tồn tại một khoảng cách, và tôi luôn tỏ ra thận trọng tránh can thiệp quá sâu vào vấn đề riêng của họ".
Điều đó luôn được Nakahara thực hiện cho đến khi buổi tư vấn kết thúc. Hai bên sẽ chào tạm biệt nhau nhưng kể từ đó sẽ không liên lạc lại bất cứ lần nào nữa.
"Bí quyết thành công là phải hạn chế bất cứ mối quan hệ nào sau đó", Nakahara nói
"Đây là một dạng thị trường tiềm năng, nhưng với bất cứ khách hàng và những người đàn ông đứng tuổi nào có thể làm bạn với nhau sau khi buổi tư vấn kết thúc, tôi đều mong điều đó sẽ giúp ích cho họ".
Đến nay, Nakahara chỉ 1 lần duy nhất từ chối cung cấp dịch vụ: Một người yêu cầu ông đi cùng đến một phòng tắm công cộng, nơi đang tổ chức một buổi sento, nhưng lại không nói rõ lý do vì sao.
Nakahara lưu ý rằng, ông không phải là người có tửu lượng cao, cũng như không phải là người quá khéo tay, vì thế nếu có nhu cầu tìm người có những đặc điểm trên, tốt hơn hết bạn hãy tìm những người khác thuộc đội ngũ nhân viên của ông ấy.
Nguồn: Japan Times