Thủ phủ của những đôi giày nhái
Vào những ngày đầu tháng 3 năm 2018, những tín đồ trung thành của thương hiệu Balenciaga đã vô cùng hoang mang khi phát hiện dòng chữ “Made in China” trên đế đôi giày Triple S đang được yêu thích thay vì dòng chữ “Made In Italy” như trước đây.
Đôi Triple S được sản xuất ở Phủ Điền khiến nhiều tín đồ lo ngại.
Sau khi câu hỏi này trở thành đề tài bàn luận sôi nổi thì một đại diện của thương hiệu này nói rằng, nhà sản xuất quyết định chuyển đổi địa điểm sản xuất dòng giày Triple S từ Ý sang Phủ Điền, Phúc Kiến, Trung Quốc để tiết kiệm chi phí sản xuất và thúc đẩy mục đích tăng lợi nhuận.
Những chia sẻ này của người đại diện thương hiệu nổi tiếng đã khiến khách hàng vô cùng hoang mang và lo lắng rằng chất lượng của đôi giày sẽ không tốt vì Phủ Điền vốn được xem là “thủ phủ” của những đôi giày nhái.
Phủ Điền là nơi sản xuất giày nhái nổi tiếng Trung Quốc.
Nói về Phủ Điền, đây là thủ phủ với bề dày lịch sử sản xuất giày nhái hàng chục năm và là nơi khiến nhiều thương hiệu giày nổi tiếng e ngại.
Nhiều phóng viên truyền thông đã từng làm nhiều phóng sự và đến đây thăm chuỗi công nghiệp này để tìm hiểu cách thức họ làm ăn như thế nào.
Một thương nhân bán lẻ họ Dương, ngoài 40 tuổi, có kinh nghiệm làm việc tại Phúc Kiến nhiều năm đã tiết lộ rằng, Phủ Điền không phải là nơi đầu tiên phát triển ngành sản xuất giày giả.
Nhưng sau đó, với sự phát triển của công nghệ hiện đại, Phủ Điền lại trở thành thành phố công nghiệp sản xuất giày giả lớn nhất nước.
Phủ Điền hoạt động về đêm.
Thông thường, hàng giả chất lượng kém có thể nhận ra trong nháy mắt. Nhưng đối với giày giả ở Phủ Điền, người ta lại mơ mơ hồ hồ, không biết thật hay giả, đôi lúc nhìn giống giả nhưng cũng rất thật.
Bởi vì đa phần các nguyên vật liệu đều như nhau, cộng với nhiều năm kinh nghiệm đối với những công nhân làm hàng giả thì sản phẩm làm ra đủ để đánh lừa mọi người.
Có một số trường hợp người mua hàng đã bị đánh lừa trong nháy mắt mà không hề hay biết.
Giày thật và giày giả khiến nhiều người không nhận ra.
Ví dụ lúc bạn thử là giày thật, nhưng sau khi nhân viên lấy hàng cho bạn thì đó là giày giả.
Bởi lẽ có một số nhân viên trong cửa hàng thương hiệu có nguồn cung cấp ở Phủ Điền, để đạt được một số lợi ích, họ sẽ bí mật mua những đôi giày nhái cao cấp để đánh lừa khách hàng.
Tất nhiên, những trường hợp này chủ yếu là hành vi cá nhân của nhân viên, người quản lý hoặc người phụ trách cửa hàng không hề hay biết điều đó.
Đa số mọi người đều lưu truyền một cách nhìn thế này, trong số 10 đôi giày giả trên thị trường nội địa thì có 9 đôi được vận chuyển từ Phủ Điền, cử 3 đôi giày Nike trên thế giới thì có một đôi hàng giả của Phủ Điền.
Theo dữ liệu của chính quyền thành phố Phủ Điền cho biết, năm 2014 có hơn 2000 nhà máy giày hoạt động trong thành phố. Vì đa phần giá thành đều rẻ nên nhiều đại lý trên cả nước đã đến Phủ Điền lấy hàng.
Ông Dương cho biết, giá cả của những đôi giày này cũng chênh lệch theo từng thành phố, từng nơi ở. Tùy theo cách giám sát tình hình thị trường của các thương nhân mà giá cả được điều chỉnh theo điều kiện kinh tế ở vùng đó.
Ví dụ như khu vực nhộn nhịp hơn thì giá giày sẽ đắt hơn. Bên cạnh đó, những cửa hàng giày cũng tìm kiếm vị trí gần trường học để cân nhắc giá cả.
Nếu như cửa hàng mở gần khu vực trường có tiếng, học sinh và gia đình có điều kiện thì giá giày đắt hơn những cửa hàng gần trường ít tiếng tăm hơn.
Đối với những người sinh sống và làm việc ở thành phố hạng 3, hạng 4 trong nước sẽ không có điều kiện sử dụng những đôi giày chính hãng thì Phủ Điền sẽ đáp ứng điều đó cho họ, và cho phép họ được “thưởng thức” những đôi giày thương hiệu hàng đầu với giá cả hợp lý.
Vì vậy, ở bất kỳ góc nào, bạn cũng có thể thấy được người người nhà nhà đều mang giày hiệu. Ngay cả dì lao công cũng mang New Balance, người điều khiển xe máy cũng mang Nike, hay cả người già cũng mang đủ mẫu mã của thương hiệu nổi tiếng.
Thủ phủ của những chiếc túi hiệu
Trong thời buổi hiện đại, người người nhà nhà đều chạy theo những chiếc túi hiệu đắt giá thì hàng nhái cũng nhan nhản ngoài thị trường mà không phải ai cũng phát hiện ra.
Để tìm hiểu rằng nơi đâu là nơi sản xuất túi hiệu giả nhiều nhất, thì đó là Quảng Châu.
Và một trong những nơi nổi tiếng nhất đó chính là chợ đồ da Bạch Vân nằm ở Tam Nguyên Lý, thành phố Quảng Châu. Nói là chợ nhưng đây là một trung tâm thương mại lớn với hàng nghìn cửa hàng bán đủ đồ da hàng hiệu nhái.
Chợ đồ da Bạch Vân nằm ở Tam Nguyên Lý, thành phố Quảng Châu.
Từ khoảng 10 giờ sáng, các nhà buôn đến từ khắp nơi trên thế giới như Ả Rập, Nam Phi và có mặt tại các quầy hàng nhỏ trong trung tâm.
Da trong nước, da nguyên bản, bản sao, 1:1 là những biệt ngữ thể hiện nhu cầu của họ. Sau khi giá cả được thỏa thuận, chỉ cần chờ đợi nhận hàng là xong việc.
Năm 1992, Louis Vuitton (sau này gọi là LV) chính thức vào Trung Quốc và mở cửa hàng đầu tiên tại khách sạn Vương Phủ, Bắc Kinh.
Với sự gia nhập của LV, các thương hiệu xa xỉ khắp nơi trên thế giới cũng bắt đầu đổ vào Trung Quốc.
Trong vòng 20 năm, họ đã làm việc chăm chỉ để xây dựng giấc mơ lớn và tuyệt đẹp cho người tiêu dùng Trung Quốc, và đương nhiên đất nước này cũng mang lại lợi nhuận tuyệt vời cho họ.
Trong một báo cáo năm 2012 của công ty tư vấn McKinsey về tiêu dùng xa xỉ cho thấy, Trung Quốc đã trở thành nước tiêu thụ hàng xa xỉ lớn nhất thế giới (không bao gồm máy bay riêng và du thuyền).
Ảnh hưởng của hàng hóa xa xỉ ngày càng tăng, đồng thời đã thúc đẩy ngành này có áp lực cạnh tranh gay gắt. Ngày nay, Trung Quốc là nước tiêu thụ hàng xa xỉ lớn nhất thế giới và cũng là nơi sản xuất, tiêu thụ hàng giả lớn nhất thế giới.
Tiểu Phạm, một thương nhân trong ngành này cho biết, cô cùng bạn trai hiện đang quản lý 3 quầy hàng ở chợ bán đồ da Bạch Vân.
Tiểu Phạm là những nhà cung cấp túi cho Ninh Ninh, cũng là một thương nhân chuyên bán túi xách da, họ hợp tác cùng nhau và tạo thành những đối tác làm ăn lâu bền trong ngành này.
Tiểu Phạm cho hay, cô đã từng hợp tác với những người khác để mở một nhà máy chuyên sản xuất túi Burberry. Nhà máy này có ít hơn 10 người và cô tin rằng có hàng ngàn xưởng nhỏ tương tự ở Quảng Đông.
Tiểu Phạm nói rằng, tại Quảng Châu thường bán nhiều loại sản phẩm nhưng loại được ưa chuộng nhất được gọi là loại A (tức là hàng giống với hàng hiệu nhất, hoặc có điều chỉnh đôi chút, cả chất liệu da và các chi tiết khác có thể tìm ra được sai sót nhỏ).
Tại thị trường này, hầu hết các thương nhân đều bán loại A với giá dao động từ 300 đến 1000 nhân dân tệ (khoảng 900 nghìn đồng đến 3 triệu đồng).
Người tiêu dùng chủ yếu không hiểu rõ về chất lượng hàng hiệu hoặc không quan trọng việc đây là hàng giả.
Ngoài những mẫu mã nhái từ thương hiệu chính thì thị trường này còn tạo ra một số sản phẩm với màu sắc và kiểu dáng không có trong mẫu cửa hàng chính hãng.
“Một khi cửa hàng nào sản xuất được sản phẩm tốt, nhiều cửa hàng khác sẽ nhanh chóng bắt kịp và tạo ra một sự cạnh tranh”, Ninh Ninh chia sẻ.
Mẫu túi Bvlgari có nút cài hình đầu rắn.
Ví dụ, đầu năm 2019, Bvlgari đã ra mắt chiếc túi có nút cài hình đầu rắn, tuy rằng mẫu mã này không phải là thành công lớn trên thị trường chính hãng nhưng lại là mặt hàng bán chạy tại đây.
Ninh Ninh là người thích túi xách và cô thường xuyên tham khảo nhiều thương hiệu khác nhau. Trong một bữa tiệc gặp lại bạn cũ, cô đã gặp một bạn học làm thanh tra chất lượng và nói cho cô nghe về việc sản xuất hàng xa xỉ ở Trung Quốc.
Sau bữa tiệc đó, Ninh Ninh đã nảy ra những ý tưởng mới cho hàng hóa xa xỉ và cô đã phát hiện ra, thật sự có nhiều sản phẩm thương hiệu nổi tiếng được sản xuất tại Trung Quốc như Prada, Burberry, Miu Miu hay những thương hiệu cao cấp như Coach, Tory Burch, Michael Kors…
Những chiếc túi loại A được nhái từ mẫu mã đến bao bọc cùng những tấm card không khác gì đồ thật.
Ngay sau đó, Ninh Ninh quyết định mở một cửa hàng nhỏ hợp tác với bạn bè. Khách hàng mà cô nhắm vào chủ yếu là những người giống mình, những người có khả năng phát hiện hàng giả nhưng lại có yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa.
“Tôi luôn tự cười mình về việc mở một cửa hàng bán túi giả. Nhưng trên thực tế, cửa hàng tôi bán hàng chính hãng hoặc hàng lắp ráp”, Ninh Ninh nói.
Hàng lắp ráp ở đây là những thứ được lắp ráp từ những chất liệu chất lượng cao, đương nhiên không phải hàng thật, thậm chí có những thứ tốt hơn.
“Hermès, LV và Gucci đều được sản xuất tại nhà máy của họ, một số được sản xuất ở Trung Quốc. Chanel và Dior có một số được xử lý bên ngoài, nhưng không có nhà máy ở Trung Quốc.
Do đó những thương hiệu này không dễ gì làm nhái.”, Ninh Ninh cho biết.
Thủ phủ của những món đồ điện tử
Nếu nói đến nguồn cung cấp linh kiện giá rẻ, đa dạng cho các công ty phần cứng thì đó là Thẩm Quyến, Trung Quốc.
Nhưng nếu nói đến hàng nhái, hàng giả thì đó chính là chợ Hoa Cường Bắc, nằm ở Thâm Quyến.
Hoa Cường Bắc là phố bán đồ điện tử nổi tiếng với đủ thứ liên quan đến công nghệ, nhưng phổ biến nhất vẫn là điện thoại và các linh kiện smartphone.
Tại đây, không chỉ các dòng máy mới mà người mùa có thể tìm được những chiếc điện thoại có tuổi đời cả chục năm với mức giá rẻ đến kinh ngạc.
Chợ điện tử Hoa Cường Bắc ở Thâm Quyến.
Đặc điểm ở khu chợ này là có rất nhiều điện thoại di động của các nhãn hàng nổi tiếng như Samsung, iPhone trong tình trạng “cởi trần” không có mặt lưng.
Người mua có thể tùy ý chạm tay vào các linh kiện điện tử bên trong như pin, camera, bảng mạch…
Tất cả những mặt hàng này đều đã qua sử dụng hoặc được làm mới bằng cách nào đó. Người bán thường khẳng định rằng những sản phẩm này không thua kém gì hàng xịn.
Những sản phẩm điện tử chỉ nên ngắm và không nên mua.
Ngoài điện thoại di động, khách tới đây còn thấy được cả núi iPad và các dòng tab cảm ứng với đủ loại chất lượng được bọc trong túi nilon đặt trực tiếp tại quầy cho khách hàng lựa chọn.
Bên cạnh đó, tại đây cũng có cả Apple Watch nhưng phần lớn không có dây đeo mà chỉ có phần thân. Mối chiếc được bao bọc trong hộp nhựa, khách cần vẫn có thể lấy ra xem.
Nhìn chung, Hoa Cường Bắc được xem là “thiên đường” cho những tín đồ điện tử, tuy nhiên chỉ nên đến đây tham quan cho biết và đừng mua bất cứ thứ gì vì bạn sẽ không biết được trong đấy có mối nguy hại gì.