Khám phá khả năng "nghe" trước sóng thần của các loài chim

Hoàng Nam |

Các nhà khoa học hy vọng trong tương lai có thể tận dụng khả năng này để tạo thành một hệ thống cảnh báo sớm sóng thần.

Năm năm trước, sĩ quan hải quân Pháp Jérôme Chardon đã nghe một chương trình radio kể về hành trình phi thường của choắt mỏ thẳng đuôi vằn, một loài chim di cư hơn 7.000 dặm giữa New Zealand và Alaska. Với công việc là điều phối các hoạt động cứu hộ trên khắp Đông Nam Á và Polynésie thuộc Pháp, Chardon hiểu rõ hành trình đó nguy hiểm như thế nào.

Những cơn bão dữ dội thường xuyên tấn công các cộng đồng trên các đảo ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, những con choắt mỏ thẳng đuôi vằn thường xuyên đi qua khu vực này mà không bị tổn thương. Chardon tự hỏi liệu việc tìm hiểu cách loài chim này điều hướng có thể giúp các cộng đồng ven biển phát hiện sớm được thảm họa hay không?

Tháng 1 vừa qua, một nhóm từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia của Pháp (NMNH), được tài trợ chính bởi Bộ Lực lượng Vũ trang Pháp, đã bắt đầu các thí nghiệm được thiết kế để kiểm tra ý tưởng của Chardon.

Dự án có tên Kivi Kuaka, do Frédéric Jiguet, nhà điểu học tại NMNH, đứng đầu, đã gắn công nghệ theo dõi động vật tiên tiến nhất lên 56 con chim thuộc 5 loài chim. Hải quân Pháp đưa nhóm nghiên cứu đến các đảo san hô và các đảo xa xôi ở Polynesia thuộc Pháp, nơi các nhà khoa học gắn thẻ theo dõi ICARUS lên chim.

Đây là các thẻ theo dõi truyền vị trí của chim tới Trạm Vũ trụ Quốc tế, trạm này sẽ trả lại dữ liệu cho các nhà khoa học trên Trái đất, từ đó họ theo dõi các loài chim khi chúng kiếm ăn, di cư và nghỉ ngơi - và quan trọng là cách các loài chim ứng phó với thiên tai như thế nào.

Khám phá khả năng nghe trước sóng thần của các loài chim - Ảnh 1.

Choắt mỏ thẳng đuôi vằn

Dự án Kivi Kuaka đang tập trung vào khả năng nghe sóng hạ âm - âm thanh tần số thấp mà con người không thể nghe được - của loài chim. Các nhà nghiên cứu tin rằng đây có thể là tín hiệu mà loài chim sử dụng để cảm nhận bão và sóng thần. Sóng hạ âm có vô số nguồn, bao gồm sét đánh, động cơ phản lực và tiếng kêu của tê giác.

Ngay cả bản thân Trái đất cũng tạo ra một tiếng ồn hạ âm liên tục. Mặc dù hiếm khi đo, các nhà khoa học biết rằng sóng thần cũng tạo ra sóng hạ âm và những sóng âm này truyền đi nhanh hơn bản thân cơn sóng thần, tạo thành dấu hiệu để phát hiện sóng thần trước khi nó ập đến.

Đã từng có một số bằng chứng cho thấy chim tránh bão bằng cách nghe sóng hạ âm. Trong một nghiên cứu năm 2014, các nhà khoa học theo dõi chim chích chòe cánh vàng ở miền trung và đông nam nước Mỹ đã ghi lại những cuộc di cư sơ tán: những con chim bay di cư 9.300 dặm để tránh một trận lốc xoáy làm 35 người chết và thiệt hại nhà cửa hơn 1 tỷ USD.

Những con chim này đã di cư ít nhất 24 giờ trước khi bất kỳ hiện tượng thời tiết xấu nào bắt đầu xuất hiện, khiến các nhà khoa học suy luận rằng chúng đã nghe thấy bão từ cách đó hơn 250 dặm.

Đó là về bão, còn ý tưởng cho rằng các loài chim tránh được sóng thần chủ yếu dựa trên bằng chứng giai thoại từ trận sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004, khi theo những người sống sót, các loài chim di chuyển vào đất liền trước khi xuất hiện cơn sóng chết chóc. Jiguet nói đây là giả thuyết hợp lý dưới góc độ tiến hóa, bởi vì những loài chim sống sót qua các trận sóng thần sẽ có nhiều cơ hội sống sót và sinh sản hơn.

Nếu những con chim trong dự án Kivi Kuaka có thể cảm nhận được sóng hạ âm do bão hoặc sóng thần ở Thái Bình Dương tạo ra, thì chúng sẽ di chuyển để né tránh. Theo dõi hành vi đó và cách các loài chim di chuyển khi có sóng thần có thể giúp nhóm phát triển một hệ thống cảnh báo sớm thiên tai, Jiguet nói.

Đối với nhóm Kivi Kuaka, sóng thần là mối quan tâm chính; vì vệ tinh và mô hình máy tính đã có thể dự báo khá chính xác các trận cuồng phong và bão. Nhưng họ vẫn theo dõi các cơn bão tạo ra sóng hạ âm, vì hiện tượng này phổ biến hơn sóng thần, và nếu những con chim được gắn thẻ tránh bão từ xa, đó sẽ là bằng chứng cho thấy chúng có thể nghe sóng hạ âm và cảnh báo sóng thần, Jiguet nói.

Nhóm nghiên cứu có kế hoạch gắn thẻ thêm hàng trăm loài chim trên khắp Thái Bình Dương để chuẩn bị cho các sự kiện bão hoặc sóng thần. "Chúng ta nên lấy dữ liệu từ các loài khác nhau ở các địa điểm khác nhau để theo dõi sự tương đồng giữa các hành vi của chim trong điều kiện thiên tai," Jiguet nói. "Rất nên tiếp tục gắn thẻ nhiều loài chim hơn và phát triển các hệ thống địa phương để phân tích điều này tốt hơn."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại