Siêu bão Ida, trận bão mạnh hơn cả cơn bão lịch sử Katrina đổ bộ vào nước Mỹ cách đây 2 tuần đã gây ra rất nhiều hậu quả đáng sợ. Với sức gió lên tới gần 250km/h, cơn bão phá sập. nhiều ngôi nhà, lưới điện, ống nước, khiến hàng ngàn người phải đi di tản và hàng chục người tử vong.
Điều đáng nói là cơn bão khiến nước lũ tràn cả vào những thành phố lớn như New York. Và trong làn nước lũ ấy, những cái bẫy chết người đã được lộ ra.
Tử thần từ những căn hộ dưới tầng hầm
Trong căn hộ ở tầng trệt, Deborah Torres giật mình khi thấy nước dâng lên đến hông mình. Cùng lúc đó, cô nghe tiếng kêu cứu bên dưới. Tiếng kêu phát ra từ tầng hầm, nơi một gia đình trẻ cùng đứa con 19 tháng tuổi đang sinh sống.
Nhưng Torres chẳng thể làm được gì nữa. Bản thân cô cũng chỉ biết cố hết sức để thoát ra khỏi căn nhà tập thể 3 tầng khu Queens (New York). Khi nước từ siêu bão Ida tràn vào thành phố hôm 1/9, tầng hầm hiển nhiên sẽ bị nhấn chìm đầu tiên. Và với ngôi nhà mà Torres đang sống, một gia đình người Mỹ gốc Nepal đang mắc kẹt tại căn hộ dưới tầng hầm, nơi đáng lẽ không nên là một căn hộ để sinh sống.
Tầng hầm nhà ông Ang Gelu Lama
Dưới áp lực của nước, cửa đi lẫn cửa sổ tầng hầm đều không thể nhúc nhích. Tiếng nước chảy cuồn cuộn, gào rú rất lớn, đến mức Torres dần chẳng nghe tiếng kêu cứu của họ nữa.
Đó là gia đình của ông Ang Gelu Lama, cùng vợ Mingma Yangji Sherpa và đứa con 19 tháng tuổi Lopsang. Gia đình họ thiệt mạng trong tầng hầm rộng 2 phòng ngủ mà họ gọi là nhà. Cảnh sát lặn xuống và tìm thấy thi thể của cả 3 vào lúc 3h30 phút sáng ngày 2/9.
Cách đó 3 dặm đường, Ernesto Moreno Aguirre sống cùng vợ và 2 con trong một căn hộ như vậy ở khu Đông Elmhurst. Nước đã dâng lên bắp chân anh, sắp tràn cả vào ổ điện. Moreno hiểu rằng đã đến lúc phải chạy ra ngoài. Anh nhìn quanh, tuyệt vọng định vơ vội lấy đôi giày và hũ tro cốt của người cha quá cố - những thứ anh đã mang theo từ khi rời Colombia đến Mỹ cách đây 4 năm.
Nước tràn vào căn hộ của Moreno
Nhưng thời gian không cho phép. Moreno phải tìm một thứ khác, thứ mà gia đình anh không được phép đánh mất: Hộ chiếu. Ngay khi tìm được, anh cùng con trai 17 tuổi - Daniel - trèo vội ra ngoài. Cả nhà anh đều an toàn, nhưng mất hết tài sản.
Khi siêu bão Ida trút xuống New York lượng mưa dày tới 7cm chỉ trong vòng 3h, có 49 người đã thiệt mạng tại vùng Đông Bắc. Đường phố ngập lụt, giao thông tê liệt. Riêng trong thành phố, 11 trong số 13 người tử vong được tìm thấy tại các căn hộ dưới tầng hầm. Đa số các trường hợp, chúng chưa bao giờ đủ điều kiện hợp pháp để chuyển thành nơi sinh sống cả.
Hầu hết các trường hợp tử vong đều là người nhập cư, đến New York từ Trinidad, Nepal, và Trung Quốc. Họ chủ yếu làm hầu bàn, phụ bếp hoặc nhân viên trong các cửa hàng tiện lợi. Có nghĩa là việc thuê một căn hộ tử tế tại thành phố này là quá sức xa xỉ với họ, và lựa chọn duy nhất chỉ có thể là những căn hộ... dưới lòng đất mà thôi.
Câu chuyện của thờ ơ và tuyệt vọng
Câu chuyện của những nạn nhân dưới tầng hầm tại New York thể hiện sự thờ ơ xen lẫn tuyệt vọng, của những chủ đất bất chấp lờ đi luật pháp, của hệ thống hành chính quan liêu gặp quá tải khi thi hành các quy định về nhà ở. Đó cũng là câu chuyện buồn cho những người nhập cư, khi rời bỏ những khó khăn ở quê nhà để tìm đến một sự vất vả khác. Họ trở thành những gia đình nơi tất cả đều phải làm nhiều hơn 1 công việc mà chỉ đủ để chi trả cho chỗ ở thậm chí còn không hợp pháp.
"5 trên 6 địa điểm có người thiệt mạng tại New York vì trận lũ đều là những căn hộ bất hợp pháp dưới tầng hầm," - Ủy viên xây dựng thành phố Melanie La Rocca cho biết. Cũng theo bà, các điều tra viên sau cơn bão đã đi kiểm tra hơn 1000 căn hộ. Họ tìm ra nhiều nơi vi phạm quy định, những nơi đáng lẽ không được chuyển thành nhà ở giống như căn hộ của nhà Lama.
Trên thực tế, Sở xây dựng từ năm 2005 đã nhận được khiếu nại về ngôi nhà Lama sẽ ở sau đó vài năm và trở thành chốn bi kịch. Khiếu nại liên quan đến việc sử dụng căn nhà với mục đích thương mại không phù hợp. Nhưng giống như nhiều vụ việc khác nữa, tờ đơn khiếu nại đã bị bác bỏ vì điều tra viên không thể vào xem xét ngôi nhà. Đến hôm 2/9, các điều tra viên khi đến nơi cũng báo cáo lại rằng tòa nhà rung lắc rất dữ dội sau trận lũ nên không thể vào bên trong.
Giới chức nhà ở tại New York vốn đã biết về những căn hộ dưới hầm bất hợp pháp này cả chục năm nay, và hoàn toàn ý thức được rằng đó là những cái bẫy chết người. Có ít nhất 50.000 cơ sở như vậy, đa số chỉ có đúng 1 lối đi, không có cửa sổ, cũng không có trang bị bảo vệ hỏa hoạn.
"Ít nhất là 100.000 người - hoặc hơn thế rất nhiều - đang sống trong những căn hộ như vậy," - Thị trưởng Bill de Blasio cho biết. "Nhiều người cũng sợ phải giao tiếp, vì họ lo bị đuổi khỏi nhà, hoặc tệ nhất là bị trục xuất."
Dẫu vậy, Thị trưởng Bill cho biết sẽ không đuổi những người đang ở tầng hầm ra khỏi nhà. Thay vào đó, ông muốn dùng nguồn lực và ngân quỹ từ thành phố để giúp đỡ chủ nhà nâng cấp tầng hầm, sao cho đảm bảo tiêu chuẩn an toàn. Với quy định tại New York, các căn hộ dưới hầm cần có cửa sổ và đủ không gian tối thiểu. Tuy nhiên, nhiều căn hầm chưa hoàn thiện đã được chủ đem cho thuê, bất chấp việc chưa từng được thành phố cấp chứng nhận.
Những cái bẫy chết người
Khi nước lũ tràn đến vào tối ngày 1/9, những người sống dưới tầng hầm phải tự lo lấy thân mình. Họ khóc thét cầu cứu, gọi hàng xóm, gọi cảnh sát. Một số tự thoát được. Một số được giải cứu từ những người tầng trên, hoặc từ cảnh sát và lính cứu hỏa.
Nhưng có những người mắc kẹt lại, vĩnh viễn.
Ragendra Shivprasad - chủ của một căn nhà tập thể tại phố Hollis (khu Queens) đã xuống tầng hầm ít nhất 2 lần vào đêm hôm 1/9. "Cảnh giác đấy nhé, có thể có lũ đấy," - ông nói vậy với một gia đình sinh sống bên trong.
Mưa rơi xối xả, các ống cống bật tung nắp, nước phun cao đến hàng mét. Tại căn nhà của Shivprasad, một tiếng nổ lớn vang lên và rồi đột nhiên nước tràn vào tất cả các mặt của ngôi nhà.
Căn hộ dưới hầm là nơi sinh sống của bà Phamatee Ramskriet (43 tuổi) và con trai Khrishah Ramskriet (22 tuổi). Họ đang thu dọn đồ đạc để bỏ chạy thì tường sập xuống, nước tràn vào trong. Cả hai đều bị nhấn chìm, chết đuối.
Ông Shivprasad cho biết mình đã đảm bảo rằng căn hộ dưới hầm có 3 lối vào và một cửa chống nước. Con trai ông - Amit Shivprasad nhận định, không có sự chuẩn bị nào có thể kháng cự được thảm họa như vậy xảy ra. "Đó là bi kịch đến từ Mẹ thiên nhiên," - anh cảm thán.
Nhưng với hàng xóm ngôi nhà, thảm kịch này thực ra đã được báo trước. "Tôi có lẽ đã là nạn nhân," - trích lời Amrita Bhagwandin, sống ở ngôi nhà đối diện. Sau trận lũ năm 2007, cô đã gọi lên tòa thị chính yêu cầu sửa lại các bể chứa nước để đề phòng mưa lớn.
Năm 2020, việc xây dựng hệ thống thoát nước để ngăn lũ đã được tiến hành, nhưng không đủ. Bhagwandin cho rằng thành phố nên xử lý hệ thống chống lũ, thay vì tập trung vào các căn hộ dưới hầm bất hợp pháp. Bởi lẽ, đa số những người sống ở đó là các gia đình nhập cư có thu nhập chỉ ở mức tối thiểu.
"Nếu đuổi họ đi, họ sẽ phải đi đâu," - Amit Shivprasad đặt câu hỏi, đồng thời cho biết gia đình Ramskriet đã sống ở đó hơn 15 năm nay rồi.
Các nạn nhân của đợt lũ lụt, mỗi người có một câu chuyện riêng. Ông Ang Gelu Lama từ Nepal đến Mỹ cách đây 14 năm, và mới chỉ hoạch định được con đường phát triển của mình cách đây vài năm - theo lời Ang Phurba Lama, bạn thân của gia đình.
Ông Ang Gelu đã làm rất nhiều công việc với mức lương rẻ mạt. Cách đây 5 năm, ông làm đám cưới sau khi người vợ đồng hương đến được Mỹ. "Chúng tôi đã cố tiết kiệm tiền để thực hiện giấc mơ Mỹ. Đó là lý do vì sao ông ấy sống trong căn hộ như vậy, để giảm chi phí thuê nhà." Khi dịch bệnh oanh tạc nước Mỹ, ông Ang Gelu đã phải bỏ việc tại một cửa hàng 7-Eleven. Vợ ông làm việc cho một khách sạn, may mắn vẫn giữ được công việc. Thế rồi, thảm kịch xảy ra.
Ernesto Moreno Aguirre phải làm 2 công việc - gồm công nhân xây dựng và rửa bát thuê - đã chọn căn hộ dưới hầm tại Đông Elmhurst vì nó rẻ tiền, và chẳng cần quá nhiều giấy tờ hợp pháp. Cái đêm định mệnh ấy, ông Moreno đã đứng giữa những sự lựa chọn. Đó là đôi giày và hũ tro cốt của cha, chiếc laptop và điện thoại - phương tiện liên lạc với người thân tại Colombia... Nhưng họ chỉ kịp tìm hộ chiếu - thứ quan trọng nhất với cả gia đình, ngắt điện rồi trèo vội ra ngoài. Nếu mất hộ chiếu, Moreno có thể mất việc và rơi vào cảnh khốn cùng.
Các đó một dãy nhà, William Hurtado đang ngồi xem TV dưới tầng hầm với con gái 18 tuổi của mình khi nước lũ ập đến. Họ vội vàng lấy chiếc thùng ướp đá, nhét vào trong những giấy tờ quan trọng, ví tiền và điện thoại di động.
Gia đình Hurtado
Nhưng nước tiếp tục dâng lên. Nó chạm đầu gối, rồi đến nửa đêm thì lên tới cằm. "Như thể một vụ vỡ đập vậy," - Hurtado, người nhập cư từ Venezuela cho biết. "Tôi đã nghĩ mình và con sẽ chết."
Hai cha con thoát qua cánh cửa, mang theo chiếc thùng ướp quan trọng. Họ leo lên nóc một chiếc xe bán tải, hét lên cầu cứu. Nhưng chẳng ai có thể giúp cả. Họ chỉ có cách tìm đường trèo lên ban công tầng 2 của tòa nhà họ ở. Chỉ cần nhảy từ nóc xe lên tấm bạt của mái hiên, rồi tìm đường trèo lên.
Hurtado đỡ con gái lên trước. Nhưng đến lượt mình, ông trượt chân, chuẩn bị rơi xuống làn nước chảy xiết. "May mắn là hàng xóm đã xuất hiện, nắm lấy tay tôi kéo lên," - Hurtado nhớ lại khoảnh khắc kinh hoàng.
Trận lũ khiến Hurtado mất đi gần như toàn bộ tài sản của mình. Con trai ông đang sống cùng bạn gái và con gái chung 1 tuổi ở căn hộ bên cạnh cũng vậy.
"Chúng tôi đã phải làm việc rất vất vả để sinh sống ở đây. Giờ thì làm lại từ đầu," - Francisco thở dài.
Nguồn: Washington Post