Các nhà khảo cổ phát hiện ra bức tranh tường vào tháng 11/ 2020, sau khi nông dân địa phương làm hỏng cấu trúc ngôi đền trong quá trình mở rộng đồn điền trồng mía và bơ.
Khi các nhà khoa học kiểm tra tượng đài thì tìm thấy một hình vẽ trên nền trắng trên bức tường phía nam với các màu nâu đất, vàng và xám. Bức tranh vẽ vị thần nhện đang cầm trên tay một con dao nhọn.
Régulo Franco Jordán, giám đốc điều tra khảo cổ học của tổ chức Augusto N. Wiese, tổ chức phi lợi nhuận về văn hóa của Peru, cho biết địa điểm này có niên đại khoảng 3.200 năm trước và mang ý nghĩa về mặt nghi lễ.
Trong khi đó, nhện là một loài động vật quan trọng trong văn hóa Cupisnique. Bức tranh vẽ thần nhện hướng ra dòng sông chia đôi Thung lũng Virú. Các chuyên gia cho rằng điều này có nghĩa là vị thần có mối liên hệ với nước và các nghi lễ thiêng liêng đã diễn ra trong ngôi đền vào mùa mưa từ tháng 1 đến tháng 3 khi mực nước trong sông lên cao nhất.
Văn hóa Cupisnique thịnh hành dọc theo bờ biển phía bắc của Peru từ khoảng năm 1250 trước Công nguyên đến năm 1 sau Công nguyên. Người bản địa đã tạo ra những ngôi đền đầu tiên trong khu vực trong thời gian đó. Hình vẽ các vị thần nhện thường xuất hiện trong cách trang trí trên đĩa và cốc bằng gốm.
Ở phía bên trái của bức tranh, các đường ngoằn ngoèo mô tả nhiều chân của vị thần nhện. Các hình dạng hình học bên phải bức tranh vẽ hình con dao mà vị thần luôn nắm chặt trong tay.
Các nhà khảo cổ cho biết, những người nông dân đã vô tình phá hủy khoảng 60% ngôi đền. Tất cả những gì còn lại là một tòa nhà nhỏ cao khoảng 5 mét và rộng 15 mét.
Thần nhện không phải là tác phẩm nghệ thuật về động vật cổ đại duy nhất xuất hiện ở Peru trong những tháng gần đây.
Vào tháng 10/2020, hình vẽ của một con mèo khổng lồ có niên đại khoảng từ năm 200 đến năm 100 trước Công nguyên đã xuất hiện trong quá trình nghiên cứu nâng cao khả năng tiếp cận một trong những ngọn đồi nhìn ra cung đường địa hình Nazca nổi tiếng của đất nước.