Khai quật gần 400 bộ xương người, phát hiện sự thật chấn động 5.000 năm

Trang Ly |

Đây là những bộ xương 'biết nói'.

Theo một nghiên cứu mới đây, bằng chứng sớm nhất về nhiễm độc thủy ngân đã được tìm thấy trong xương người 5.000 năm tuổi được chôn cất ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Phát hiện này khiến các tác giả hoàn toàn kinh ngạc vì dấu hiệu độc hại trong bộ xương 5.000 năm tuổi là bằng chứng lâu đời nhất về nhiễm độc loại này.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc tiếp xúc với kim loại nặng có trong tự nhiên có thể gây độc cho cơ thể, bao gồm cả hệ thần kinh, tiêu hóa và miễn dịch. Đó là lý do tại sao WHO coi thủy ngân là một trong 10 chất hoá học hàng đầu của "mối quan tâm lớn đối với sức khỏe."

Ngày nay, mọi người thường tiếp xúc với một số mức độ thủy ngân nhất định khi họ ăn một số loại cá hoặc động vật có vỏ (nhiễm thuỷ ngân), mặc dù mức độ thường thấp, theo WHO.

Trở về quá khứ, mức độ phổ biến của việc tiếp xúc với thủy ngân trong những ngày xa xưa như thế nào?

Để tìm ra điều này, các nhà nghiên cứu đã phân tích xương người được thu thập từ 23 địa điểm khảo cổ khác nhau, bao gồm các hố và hang động, trên khắp Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Các bộ xương thuộc về 370 cá nhân sống trong các khoảng thời gian khác nhau trong khoảng thời gian 5.000 năm.

Phân tích một số xương, chủ yếu là xương đùi, xương cánh tay giữa vai và khuỷu tay, cho thấy hàm lượng thủy ngân cao bất thường, nồng độ mà không phải do chế độ ăn uống hoặc do phân hủy sau khi chết.

CHUYỆN GÌ ĐÃ XẢY RA?

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện mức thủy ngân lên tới 400 ppm trong một số hài cốt, cao hơn nhiều so với mức 1 hoặc 2 ppm mà WHO cho là mức bình thường trong tóc của con người.

Các nhà nghiên cứu cho biết mức độ cao bất thường của thủy ngân có thể là do tiếp xúc với chu sa, một khoáng chất thủy ngân sulfua độc hại, khi được nghiền thành bột mịn, có màu đỏ tươi và trong lịch sử đã được sử dụng để sản xuất bột màu sơn.

Khai quật gần 400 bộ xương người, phát hiện sự thật chấn động 5.000 năm - Ảnh 1.

Chu sa đỏ tươi, một chất màu có chứa thủy ngân. Ảnh: Ziprashantzi / iStock / Getty

Thật tình cờ khi mỏ chu sa lớn nhất thế giới, được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, lại nằm ở Almadén, miền trung Tây Ban Nha.

Người ta bắt đầu khai thác kho tàng chu sa của Almadén vào thời kỳ đồ đá mới, khoảng 7.000 năm trước.

Hàm lượng thủy ngân cao nhất nằm trong những di tích có niên đại khoảng năm 2900 trước Công nguyên đến 2300 trước Công nguyên, hoặc từ cuối thời kỳ đồ đá mới đến thời đại đồng giữa (thời kỳ chuyển tiếp giữa thời đại đồ đá mới và đồ đồng).

Vào thời điểm này, chu sa đã trở thành một chất có tính biểu tượng cao, có lẽ là linh thiêng, "được săn lùng, buôn bán và sử dụng rộng rãi trong nhiều nghi lễ và thực hành xã hội", các tác giả viết trong nghiên cứu đăng ngày 13 tháng 10 trên Tạp chí Quốc tế về Khảo cổ học.

Trong các ngôi mộ có niên đại từ thời kỳ này được tìm thấy ở miền nam Bồ Đào Nha và Andalusia (bán đảo Tây Ban Nha), bột chu sa được sử dụng để sơn buồng, trang trí các bức tượng nhỏ, và thậm chí là rải lên người chết.

Theo nghiên cứu, có thể mọi người đã vô tình hoặc cố ý vì những lý do liên quan đến nghi lễ, hít hoặc tiêu thụ một lượng lớn chu sa chứa đầy thủy ngân. Đó là lý do, lượng thuỷ ngân độc hại này đã ngấm vào xương cho đến tận ngày nay.

Cũng theo các tác giả, vào cuối thời kỳ đồ đồng và đầu thời đại đồ đồng, tức khoảng năm 2200 trước Công nguyên, việc sử dụng chu sa đã giảm đáng kể.

Kết quả của nghiên cứu này cung cấp bằng chứng khoa học có giá trị to lớn để mở rộng nghiên cứu trong tương lai về mối quan hệ phức tạp của con người với thủy ngân, một trong những chất khoáng đặc biệt nhất trên hành tinh của chúng ta, và để tìm hiểu về công dụng và hậu quả của chúng đối với sức khỏe con người.

Thủy ngân là gì?

Thủy ngân là nguyên tố xuất hiện tự nhiên trong vỏ Trái đất, được thải vào môi trường với các sự kiện tự nhiên như hoạt động núi lửa. Thủy ngân thường xuất hiện ở ba dạng: Nguyên tố, vô cơ và hữu cơ.

"Các hoạt động của con người như đốt than, khai thác vàng và các nhà máy sản xuất chloralkali hiện đang đóng góp phần lớn lượng thủy ngân thải ra môi trường của chúng ta", Tiến sĩ Anne M. Davis, Trợ lý giáo sư về dinh dưỡng và Giám đốc chế độ ăn kiêng tại Chương trình Didactic về Chế độ ăn uống của Đại học New Haven, Mỹ cho biết.

Khi thủy ngân được giải phóng vào khí quyển, nó sẽ hòa tan trong nước ngọt và nước biển. Một loại thủy ngân được gọi là methylmercury dễ tích tụ nhất trong cơ thể và đặc biệt nguy hiểm.

Khoảng 80 đến 90 phần trăm thủy ngân hữu cơ trong cơ thể con người là do ăn cá và động vật có vỏ (đã nhiễm độc thuỷ ngân trước đó); và 75 đến 90 phần trăm thủy ngân hữu cơ tồn tại trong cá và động vật có vỏ là metylmercury, theo một bài báo được xuất bản bởi Tạp chí Y tế Dự phòng và Sức khỏe Cộng đồng.

Nhiễm độc thủy ngân ở người có thể gây ra một loạt các bệnh bao gồm các vấn đề về thần kinh, nhiễm sắc thể và dị tật bẩm sinh.

Nguồn: Livescience

Bài viết sử dụng nguồn: Sciencealert, Livescience

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại