Tiếng hát u buồn...
Trong số các nam danh ca Bolero, Chế Linh và Duy Khánh sở hữu tiếng hát đặc biệt nhất, với âm sắc riêng có không lẫn vào đâu được. Chỉ cần Chế Linh cất giọng lên, dù là thoảng qua hay ở xa tới đâu, người nghe cũng đủ biết ai đang hát.
Chế Linh rất khó có thể hát vui được, vì nỗi buồn đã trở thành bản chất cố hữu trong giọng hát của ông. Chế Linh hát gì cũng buồn đến thăm thẳm và sầu đến nặng trĩu tâm can người nghe.
Bởi thế, giọng hát của Chế Linh như được đo ni đóng giày cho dòng nhạc Bolero, vốn đề cao tính mùi mẫn, than vãn, bi ai.
Chế Linh hát rất mùi và ngọt. Ông chọn cho mình lối hát thủ thỉ, tâm tình, chậm rãi từng chữ, như rót mật vào tai người nghe. Tiếng hát Chế Linh giống như một quả sầu riêng đậm mùi và tỏa hương bát ngát, ai nghe chưa quen thì sẽ không thích vì độ "nồng" của nó.
Tuy nhiên, nếu đã nghe quen thì sẽ nghiện tiếng hát ngọt lịm màu đường mật ấy, đến mức không thể dứt ra được.
Không được đào tạo thanh nhạc nhưng vẫn khiến giới chuyên môn nể phục
Chế Linh không phải ca sĩ được đào tạo bài bản về thanh nhạc. Tất cả những gì ông có là tự học từ bạn bè đồng nghiệp và các bậc tiền bối đi trước, rồi thổi vào đó điệu hồn riêng của mình.
Bởi vậy, xét về thanh nhạc chuẩn chỉ, Chế Linh hầu như không đi theo kĩ thuật nào. Nhưng bù lại, chính những cái chưa chuẩn đó lại giúp ông tạo nên lối hát Bolero của riêng mình.
Chẳng hạn, Chế Linh thường hát đóng cổ và sử dụng bạch thanh. Cách hát này nhốt âm thanh lại vào trong khi lên giọng, dẫn đến strain (căng thẳng) nặng nề ngay cả khi hát bình thường nhất. Điều này tạo tiếng rên rỉ, day dứt, đạt đến tận cùng của nỗi buồn.
Chế Linh thường sử dụng vocal fry ở quãng thấp, push thanh quản cao (high larynx) ngay cả khi hát thấp (trong khi ca sĩ khác thường hạ thanh quản khi xuống trầm) để chà xát giọng hát. Điều này giúp tạo nên tiếc nấc, sự khóc than âm ỉ kéo dài.
Khi lên giọng ngực tầm E4, F4, giọng Chế Linh bị bóp lại, không thoát ra để cộng hưởng được. Nhưng vì thế mà nó được tăng thêm nỗi day dứt, đau đớn, giống như một trái tim, tâm hồn đang bị bóp nát, quặn lên từng cơn.
Một đặc trưng riêng của Chế Linh khi hát là biến toàn bộ thanh hỏi thành thanh nặng, dù không phải giọng miền Trung. Cách đổi thanh điệu này giúp Chế Linh tạo ra những âm thanh trìu mến, thân thương và tình tứ hơn.
Ông hát mà như đang ru, đang thủ thỉ, tâm tình ở tâm trạng sầu muộn, ưu phiền, khiến người nghe có cảm giác như tiếng hát ấy đang tâm sự ngay bên tai mình.
Vì thanh nặng có tần số âm thanh thấp hơn thanh hỏi và thấp nhất trong các thanh điệu, nên cách hát này của Chế Linh cũng giúp kéo trùng không gian xuống, tạo nên màu sắc trầm uất, đầy khắc khoải.
Dù không được đào tạo bài bản, nhưng legato của Chế Linh lại khá đẹp và mịn màng, trải dài trong câu hát. Ông thường luyến liền giọng và kéo dài ra theo âm tiết, rất ngọt ngào, da diết.
Chế Linh là giọng tenor 2 nên bẩm sinh rất dày và phát triển mạnh ở âm khu thấp. Bởi vậy, Chế Linh có thể nhả chữ thoải mái dưới tận D3, với âm sắc đẹp và ấm áp, vì tessitura của ông nằm trên quãng đó.
Ở thời điểm hiện tại, Chế Linh đã có tuổi nên hơi trầm, giúp ông xuống tận C#3 một cách dễ dàng và giữ vibrato (ngân rung) vùng thượng âm ở B3 khá mềm mại, tự nhiên. Quãng trầm được xử lí và nhả chữ rất ngọt, thấm đẫm cảm xúc.
Ngược lại, Chế Linh lên cao rất sáng, đẹp, không hề tối. Không những vậy, khi ngân rung âm đóng, ông còn tạo được độ âm vang kéo vào không gian, dù không cộng hưởng âm thanh.
Chế Linh sử dụng rất nhiều kiểu ngân khác nhau để gia tăng chất Bolero riêng có của riêng mình.
Để tăng độ mùi mẫn, trìu mến, Chế Linh sử dụng lối hát ngâm âm ỉ trọng cổ họng rồi kéo dài đến nhỏ dần. Sau đó, ông hát luyến ngâm trong miệng và chuyển đổi thanh điệu từ hỏi sang sắc để ru tình tha thiết.
Ngoài ra, Chế Linh còn ngân nối câu dài theo kiểu dân ca, vọng cổ. Đây là lối hát tạo nên chất riêng cho phong cách Bolero của Chế Linh, giúp ông định hình dòng Bolero Việt sau này.
Chế Linh còn có những cách nhả chữ, nhấn chữ, lơi nhịp độc đáo, đầy cảm xúc và nức nở như tiếng khóc than.
Tuy tự học thanh nhạc, nhưng Chế Linh từ trẻ đã rất có ý thức luyện thanh và rèn luyện bản thân. Trước năm 1975, khi Chế Linh làm tài xế chở xe đá trên núi, ông đã tận dụng thời điểm đó để luyện giọng kĩ càng và tìm hiểu sâu hơn về âm nhạc trước khi trở lại sân khấu.
Chế Linh hát live khỏe khoắn ở tuổi 76
Nhờ ý thức chăm chỉ rèn luyện đó, Chế Linh ngày nay dù đã gần 80 tuổi mà giọng hát vẫn ngọt ngào, ấm áp, giữ vững phong độ. Ông tự nhận: "Tôi cũng trưởng thành từ một người không được qua trường lớp âm nhạc, nhưng tôi tự học, rồi học bạn bè rồi mới có ngày hôm nay".
Đến Anh Thơ – một ca sĩ dân ca thính phòng được đào tạo bài bản với nền tảng thanh nhạc chuẩn mực cũng phải thừa nhận: "Tôi rất trân trọng Chế Linh vì anh hát quá hay. Hơn 70 tuổi vẫn hát live tốt như anh là điều mà giới chuyên môn nể phục".
Ca sĩ Ngọc Sơn lại chia sẻ, tuy được đánh giá là ca sĩ có chất giọng nội lực, cộng minh tốt và được học bài bản, với khả năng thẩm âm trời phú, nhưng anh vẫn bị ảnh hưởng bởi cách hát nhẹ nhàng tình cảm, ướt át mà không hề ủy mị của Chế Linh khi hát nhạc vàng.
Về quan điểm nghệ thuật, Chế Linh quan niệm rằng: "Âm nhạc là văn hóa, văn học nghệ thuật. Thì ở trong văn học nghệ thuật, ở trong văn hóa không thể phân biệt sến và sang".
Chú thích thuật ngữ thanh nhạc:
- Note khá trầm: C2/C#2, D2/D#2, E2. F2/F#2, G2/G#2, A2/A#2, B2.
- Note trầm: C3/C#3, D3/D#3, E3, F3/F#3, G3/G#3, A3/A#3, B3.
- Note trung: C4/C#4, D4/D#4, E4, F4/F#4, G4/G#4, A4/A#4, B4.
- Note cao: C5/C#5, D5/D#5, E5, F5/F#5, G5/G#5, A5/A#5, B5.
- Note rất cao: C6/C#6, D6/D#6, F6/F#6, G6/G#6, A6/A#6, B6.
- Mixed voice: Hát pha giữa chest voice và head voice. Trong mixed voice có full mixed (hát pha toàn giọng) và light mixed (hát pha nửa giọng).
- Vibrato: Ngân rung.
- Piano: Hát nhỏ giọng vừa phải.
- Pianissimo: Hát rất nhỏ giọng.
- Diminuendo: Hát nhỏ dần.
- Fortissimo: Hát to dần.
- Subito piano: Hát nhỏ đột ngột.
- Subito forte: Hát to đột ngột.
- Forte piano: Hát to nhỏ liên tiếp.
- Messa di voce: Hát nhỏ - to - nhỏ liên tiếp.
- Airy voice: Âm hơi.
- Full lirico soprano: Nữ cao đầy đặn.
- Falsetto: Giọng gió.
- Head voice: Giọng đầu.
- Chest voice: Giọng ngực.
- Support: Hỗ trợ các vị trí âm thanh và kĩ thuật trong ca hát.
- Strain: Hát căng thẳng.
- Cadenza: Biến tấu hoa mĩ không có trong tổng phổ gốc.
- Staccato: Hát ngắt.
- Trillo: Rung láy.
- Legato: Hát liền giọng.
- Voice project: Phóng âm.
- Mask resonance: Cộng hưởng độ vang ở vùng mặt.
- Head resonance: Cộng hưởng độ vang ở vùng đầu trán.
- Throaty: Hát dính cổ
- High larynx: Cao thanh quản.
- Melisma: Luyến láy trên nhiều cao độ khác nhau (thường là từ cao xuống thấp).
- Run/riff: Chạy note phức tạp.
- Glissando: Hát vuốt tốc độ nhanh.
- Phân loại giọng theo ngũ cung: Giọng thổ, giọng thủy, giọng hỏa, giọng mộc, giọng kim.