Khách ồ ạt trả vé tàu, máy bay dịp Tết

Ngô Bình - Lê Hữu Việt ​ |

Dịch COVID-19 lần thứ 4 xảy ra đúng vào dịp cao điểm đi lại Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 của người dân. Cả đường sắt và hàng không đang đối mặt với việc khách ào ạt trả lại vé Tết đã đặt. Lượng vé trả lại nhiều khiến đường sắt hết tiền mặt phải đổi chính sách hoàn trả vé như của hàng không. Có đơn vị không còn tiền mặt để hoàn trả khách.

Trong những ngày qua, khi dịch COVID-19 tái bùng phát đúng vào dịp cao điểm đi lại Tết Nguyên đán, trong 2-3 ngày gần đây, các ga Biên Hòa (Đồng Nai), ga Dĩ An (Bình Dương), ga Sài Gòn (TPHCM) đã có rất nhiều khách tới trả vé. Dẫn tới tình trạng doanh nghiệp đường sắt hết tiền mặt để trả lại cho khách, khi một phần tiền bán vé đã được chi để chuẩn bị kế hoạch vận tải Tết. Theo ngành đường sắt, riêng trong ngày 1/2, khách hàng trả lại 11.000 vé tàu, với số tiền hoàn hơn 11 tỷ đồng.

Tính từ ngày 28/1 tới 1/2, tổng số vé tàu dịp Tết khách trả lại đã hơn 32.000 vé, với số tiền hoàn khoảng 30 tỷ đồng. Tổng Cty Đường sắt đã phải thay đổi chính sách trả vé từ ngày 2/2. Theo đó, ngành đường sắt sẽ không trả hoàn tiền ngay, mà khách có quyền lựa chọn bảo lưu tiền vé và sử dụng trong 1 năm (sau 1 năm không sử dụng sẽ được trả lại tiền vé); nếu chọn hoàn tiền, tiền hoàn sẽ trả trong 90 ngày (thay vì trả ngay).

Khách ồ ạt trả vé tàu, máy bay dịp Tết - Ảnh 1.

Hành khách đến ga Sài Gòn trả vé tàu Tết

Người dân ở các tỉnh phía Nam ùn ùn đi trả vé tàu Tết theo ghi nhận của ngành đường sắt, thì đây là thời điểm khách đổi, trả vé tàu Tết nhiều nhất từ trước đến nay.

Tại ga Sài Gòn (TPHCM), rất đông người dân đến để làm thủ tục trả vé tàu Tết Nguyên đán hoặc bảo lưu vé do thay đổi kế hoạch nghỉ Tết. Do lượng hành khách trả vé quá đông nên nhà ga đã bố trí máy bấm số thứ tự để đảm bảo trật tự.

Chị Nguyễn Thị Thùy (quê Quảng Ngãi) cho biết, gia đình chị mua 5 vé tàu để về quê chơi Tết, theo lịch thì ngày 5/2 (24 tháng Chạp) tàu chạy. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên gia đình chị quyết định không về quê nữa mà ở lại TPHCM. 

“Thời điểm này đi tàu xe tôi cũng thấy không an toàn, vì dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, bên cạnh đó, tôi cũng hưởng ứng lời kêu gọi "ai ở đâu thì ăn Tết ở đó" để góp phần phòng chống dịch bệnh", chị Thùy nói.

Những ngày qua đã có rất đông người dân ở tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đến các nhà ga, đại lý ủy quyền của ngành đường sắt để làm thủ tục đổi, trả vé tàu Tết và chấp nhận mất phí đổi trả lên đến 30%. Anh Nguyễn Xuân Lanh (công nhân khu công nghiệp Tân Thuận, quận 7, TPHCM) cho biết, đã hai năm anh chưa về quê ăn Tết.

Năm nay dù kinh tế khó khăn nhưng gia đình cũng tích góp gần 15 triệu đồng để mua 3 vé tàu khứ hồi về quê ở Nghệ An để ăn Tết. Sau khi dịch bùng phát thì gia đình anh cũng quyết định chấp nhận mất gần 3 triệu đồng tiền phí để trả vé tàu, ở lại TPHCM ăn Tết.

Đối với hành khách đã mua vé trong thời gian từ ngày 2/2 (21 tháng Chạp năm Canh Tý) đến hết ngày 28/2 (17 tháng Giêng năm Tân Sửu) có nhu cầu đổi, trả vé, ngành đường sắt triển khai hai phương án gồm bảo lưu vé trong 1 năm hoặc trả vé. 

Cụ thể, đối với khách bảo lưu vé trong thời gian 1 năm (365 ngày) kể từ ngày khởi hành ban đầu sẽ được miễn phí chuyển đổi hành trình, chỉ thu chệnh lệch giá vé (nếu có). Nếu hành khách không sử dụng vé để đi tàu trong năm 2021 thì sẽ được hoàn lại toàn bộ tiền kể từ ngày 1/1/2022.

Đối với hành khách có nhu cầu trả vé, ngành đường sắt sẽ thực hiện theo quy định hiện hành. Việc hoàn tiền cho hành khách sẽ được thực hiện sau 90 ngày tính từ ngày trả vé.

Hàng không bị đổi vé

Với hàng không, các hãng đều không tiết lộ số vé khách hoàn trả dịp Tết. Tuy nhiên, các hãng đều ghi nhận nhiều khách đã hoàn trả vé do muốn hạn chế đi lại góp phần hạn chế dịch bệnh lây lan, đặc biệt là khách về quê Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương. 

Cùng với đó, một số địa phương áp dụng biện pháp cách ly phòng dịch với người về từ các tỉnh/thành có trường hợp mắc COVID-19, nên nhiều người lựa chọn ở lại thay vì về quê đón Tết.

“Cả năm 2020 đã chật vật để tồn tại, đang hy vọng dịp cao điểm Tết vớt vát chút ít, dù lượng vé đã bán không bằng những Tết trước, thì dịch lại bùng phát. Khách có quê ở những vùng dịch không về được phải trả vé là việc phải chấp nhận. 

Chúng tôi lo là một số khách có quê ở những tỉnh thành khác, hoặc khách du lịch cũng trả vé theo phong trào thì sẽ gây thiệt hại sẽ rất lớn”, lãnh đạo một hãng hàng không cho biết.

Ngày 2/2, Cục Hàng không đã có văn bản yêu cầu các hãng hàng không thực hiện đổi, hoàn vé (tiền mặt hoặc voucher khi có sự đồng ý của khách), kể cả với vé có điều kiện hạn chế (không được đổi, hoàn) cho khách đã mua vé nhưng không thể bay được do ảnh hưởng của dịch bệnh (khách ở khu vực phong tỏa, cách ly, trong khi chuyến bay vẫn thực hiện).

Một chuyên gia vận tải cho hay, theo quy định hiện hành, trường hợp thiên tai, dịch họa thì bên cung cấp dịch vụ được miễn trừ trách nhiệm. Hiện tại, các hoạt động chạy tàu và bay thường lệ vẫn diễn ra, nên khách trả vé là hoàn toàn tự nguyện.

Do đó, khách phải mất phí cho bên cung cấp dịch vụ vận chuyển, vì tiền vé đã được doanh nghiệp sử dụng 1 phần để chuẩn bị cho công tác phục vụ khách, giờ khách không đi, phải chia sẻ một phần thiệt hại với doanh nghiệp hoặc phải chấp nhận trả vé và nhận tiền sau.

Hiện tại, doanh nghiệp đường sắt và hàng không đều miễn phí cho khách bảo lưu tiền vé sử dụng sau, đó là nỗ lực lớn và trách nhiệm của các doanh nghiệp để hỗ trợ hành khách, khi chính các đoanh nghiệp vận tải đang gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 gây ra.

Đối với hành khách có nhu cầu trả vé, ngành đường sắt sẽ thực hiện theo quy định hiện hành. Việc hoàn tiền cho hành khách sẽ được thực hiện sau 90 ngày tính từ ngày trả vé.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại