Khác biệt và tương đồng, Trump-Tập đang khiến kịch bản hội đàm Trung-Mỹ trở nên gay cấn

Lưu Bình |

"Hai người họ toàn khác nhau, một người New York táo bạo, đầy ý chí tự do. Một người lãnh đạo ĐCSTQ - bộ máy chính trị vô cùng lớn mạnh", học giả Mỹ nói về hai ông Trump-Tập.

Cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ được tổ chức vào đầu tháng Tư.

Một nhà quan sát Mỹ cho rằng, đặt sang một bên những khác biệt về hệ thống chính trị của Trung Quốc và Mỹ, trên thực tế, hai ông Trump-Tập có rất nhiều điểm tương đồng.

Điểm tương đồng

Mới đây, tại một hội thảo ở Washington, Giáo sư Jeffrey N. Wasserstrom thuộc Đại học California cho biết: 

"Tập Cận Bình đã nói về 'Giấc mộng Trung Hoa', nói về 'Phục hưng Trung Hoa', bạn có thể dễ dàng quy ông ấy thuộc lớp người theo 'chủ nghĩa dân tộc', thuộc về tuýp người 'tổ quốc của chúng tôi là ưu tiên hàng đầu'. Điều này không hề khác biệt với nhiều nhà lãnh đạo khác trên thế giới.

Tập Cận Bình nhắc đến việc khôi phục lại vinh quang quốc gia trước đây, điều này có điểm giống với khẩu hiệu 'Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại''.

Ông ấy cũng nói rằng môi trường chính trị có vấn đề, mặc dù cha của ông cũng là một phần của giới tinh hoa chính trị. Nhưng ông Tập đã thành công trong việc xây dựng hình tượng - ông ấy hiểu về tầng lớp nhân dân.

...Vì vậy mà ông ấy đã phát động cuộc chiến chống tham nhũng nhằm vào các quan chức. Điều này cũng không có nhiều điểm khác nhau so với việc 'tháo sạch nguồn nước độc hại ở đầm lầy Washington' - khẩu hiệu Tổng thống Trump nói về việc thay đổi hệ thống quyền lực ở Washington trong thời gian tranh cử".

Khác biệt và tương đồng, Trump-Tập đang khiến kịch bản hội đàm Trung-Mỹ trở nên gay cấn - Ảnh 1.

Học giả Mỹ e ngại, nếu Trump tiếp tục duy trì hai trọng tâm như vấn đề Triều Tiên và đầu tư thì trong thời gian dài, ông Tập sẽ không đưa ra bước nhượng bộ lớn. (Ảnh: DYLAN PETROHILOS/AP/SHUTTERSTOCK)

"Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" và "tháo sạch nguồn nước độc hại ở đầm lầy Washington" là những khẩu hiệu mang tính biểu tượng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ của Donald Trump.

Giáo sư Mỹ phân tích, quan điểm của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc về trật tự thế giới cũng có điểm tương đồng.

Theo đó, Donald Trump và Tập Cận Bình đều mong muốn biến bản thân trở thành một người theo trường phái "thực dụng" và xây dựng hình ảnh của một "nhà đàm phán" mạnh mẽ .

Mới đây, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP-Hồng Kông) cũng cho rằng có điểm tương đồng giữa ông chủ Nhà Trắng và người đứng đầu Trung Nam Hải bởi cả hai đều là người có "tư tưởng chính trị cứng rắn" và chủ trương ủng hộ nền "chính trị cứng rắn".

Theo SCMP, vì đều là những người "cứng rắn" nên điều này có thể sẽ giúp cả hai nhà lãnh đạo trở nên thân thiện với nhau trong cuộc họp sắp tới.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, đã hai người "cứng rắn" có thể tán thưởng lẫn nhau nhưng không nhất định thực sự thân thiện.

Điểm bất đồng

Giáo sư Mỹ Jeffrey cũng thừa nhận, trên thực tế Tập Cận Bình và Donald Trump có tính cách rất khác nhau, chẳng hạn như Donald Trump thích phát biểu ngẫu hứng "nghĩ gì nói nấy". Đây cũng là điều khiến cho người dân Trung Quốc cảm thấy thích Trump trong chiến dịch tranh cử của ông.

Điều này hoàn toàn khác với lãnh đạo Trung Quốc - người luôn cố gắng tránh những động thái tương tự.

Một điểm khác biệt nữa giữa hai ông chính là khi phát biểu, ông Tập sẽ đề cập đến rất nhiều cuốn sách mà ông đã từng đọc, Trump thì không, ông thích golf.

"Hai người họ toàn khác nhau, một người New York táo bạo, đầy ý chí tự do... Một người lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc - bộ máy chính trị vô cùng lớn mạnh", Dan Blumanthal, Giám đốc Chương trình nghiên cứu an ninh Đông Á thuộc Viện Nghiên cứu doanh nghiệp Mỹ nhận định.

Hội đàm Trump – Tập liệu có thành công?

Khác biệt và tương đồng, Trump-Tập đang khiến kịch bản hội đàm Trung-Mỹ trở nên gay cấn - Ảnh 2.

Theo cố vấn Mỹ, điều quan trọng nhất của cuộc hội đàm này chính là để người Trung Quốc thấy, ngay cả những ảnh hưởng đến quốc tế cũng nằm trong sự tính toán của Chủ tịch Tập Cận Bình. (Ảnh: Feng Li/Getty Images)

Ely Ratner, từng là phó Cố vấn an ninh quốc gia của cựu Phó tổng thống Joe Biden nhận định, bất kể hai bên có thể nói chuyện hòa hợp với nhau hay không, Tập Cận Bình rõ ràng rất hy vọng rằng cuộc đối thoại này sẽ thành công.

"Đối với Tập Cận Bình, điều quan trọng nhất của cuộc hội đàm này chính là để người dân Trung Quốc thấy, ngay cả những tác động và ảnh hưởng đến quốc tế cũng nằm trong sự tính toán của ông", Ratner nói.

Theo ông này, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng rất mong muốn thân thiện với Tổng thống Trump.

"Tôi nghĩ, ông ấy [Tập Cận Bình] cần tặng Tổng thống Trump 'món quà chính trị' ví như dự án thỏa thuận đầu tư mới hay nỗ lực hơn nữa về vấn đề Triều Tiên và dùng những nỗ lực này để gây ảnh hưởng đến Trump", Ely Ratner nhấn mạnh thêm.

Tuy nhiên, cựu cố vấn Mỹ lại cho rằng, vấn đề lớn nhất là liệu Trump có coi những "món quà" này có đủ khả năng giúp ông giải quyết những vấn đề trong nội bộ Mỹ mà ông vô cùng quan tâm.

Trong thời gian ngắn những "món quà" mà Tập Cận Bình mang tặng có thể khiến Donald Trump vừa lòng nhưng nếu Trump tiếp tục duy trì hai trọng tâm quan trọng trong mối quan hệ Mỹ-Trung như vấn đề Triều Tiên và đầu tư - cách tiếp cận thị trường Trung Quốc thì trong thời gian dài, ông Tập sẽ không đưa ra bước nhượng bộ lớn.

Ely Ratner cùng cho rằng, chính phủ của Trump hiện nay có hai phái "diều hâu", một phái thuộc "chủ nghĩa dân tộc coi nước Mỹ trên hết", một phái khác nhìn nhận vấn đề từ góc độ của chiến lược an ninh địa chính trị.

Do đó, sự tranh luận và tương tác giữa hai phái này cuối cùng sẽ xác định mối quan hệ Mỹ-Trung cũng như mối quan hệ giữa Tập Cận Bình và Trump.

Đồng thời, cố vấn Mỹ nhận định, ông Trump không nên tổ chức cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc vào thời điểm này, bởi vì tân chính phủ hiện nay vẫn chưa hình thành chính sách đối với Bắc Kinh. Thậm chí, một số vị trí trong Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng vẫn còn bỏ trống.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại