Cách tiếp cận này được cho là đánh dấu một sự thay đổi trong lập trường lâu nay của Tokyo khẳng định Nga phải trả lại toàn bộ 4 đảo thuộc quần đảo do Liên Xô nắm quyền kiểm soát sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Hiện Nga gọi quần đảo này là Nam Kuril, trong khi Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc.
Thủ tướng Abe dự kiến có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva trong ngày 22/1, trong bối cảnh nhà lãnh đạo Nhật Bản đang nỗ lực tìm cách tìm cách giải quyết tranh chấp lãnh thổ kéo giữa hai nước.
Trong hàng chục năm qua, Nga và Nhật Bản đã tìm cách tiến tới ký kết hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Trở ngại chính đối với vấn đề này liên quan tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo gồm 4 hòn đảo mà Nga lần lượt gọi là Iturup, Kunashir, Khabomai và Shicotan, còn Nhật Bản gọi là Etorofu, Kunashiri, Habomai và Shikotan.
Vấn đề tranh chấp lãnh thổ này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ ngoại giao và thương mại song phương. Gần đây, hai nước đều thể hiện thiện chí giải quyết tranh chấp thông qua thúc đẩy các hoạt động kinh tế chung tại quần đảo trên.
Trong một cuộc gặp tại Singapore hồi tháng 11/2018, Thủ tướng Abe và Tổng thống Putin đã nhất trí đẩy mạnh đàm phán dựa trên tuyên bố chung ký kết năm 1956, theo đó 2 đảo nhỏ là Habomai và Shikotan trong nhóm đảo tranh chấp trên sẽ được trao lại cho Nhật Bản sau khi hai nước ký kết một Hiệp ước hòa bình.
Dư luận cho rằng ông Abe muốn tập trung lấy lại 2 đảo nhỏ trước khi chuyển mục tiêu sang 2 đảo lớn còn lại gồm Etorofu và Kunashiri chiếm 93% diện tích quần đảo. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao Chính phủ Nhật Bản khẳng định hy vọng vào khả năng thuyết phục được Nga trao lại 2 đảo lớn này là không thực tế.
Giới phân tích nhận định Thủ tướng Abe dường như đã chấp nhận quan điểm rằng việc tiếp tục kêu gọi Nga trao trả 2 đảo lớn có thể làm đình trệ các cuộc đàm phán hiện nay, thậm chí làm hỏng triển vọng giao lại 2 đảo nhỏ. Tuy nhiên, động thái này có thể sẽ khiến tỷ lệ ủng hộ ông Abe sụt giảm nghiêm trọng bởi nhiều người Nhật Bản cho rằng như vậy chẳng khác nào từ bỏ 2 đảo lớn mà chính phủ Nhật Bản các thời kỳ đều khẳng định thuộc lãnh thổ của nước này.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov mới đây cũng tuyên bố sẽ rất khó để đạt được tiến triển trong các cuộc đàm phán hiệp ước hòa bình nếu Nhật Bản không chấp nhận kết quả của Chiến tranh Thế giới II, bao gồm chủ quyền của Nga đối với quần đảo này.
Thủ tướng Abe mong muốn đạt được thỏa thuận phạm vi rộng với Nga trong tháng 6 tới khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Nhật Bản dự Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).