Các máy bay của Không quân Israel được tin có khả năng mang vũ khí hạt nhân; Nguồn: austrianwings.info
Vấn đề kho vũ khí hạt nhân được cho là của Israel
Việc Israel có kho vũ khí hạt nhân là một bí mật mở. Quan điểm của Tel Aviv về vấn đề nhạy cảm này là không trực tiếp phủ nhận nhưng cũng không xác nhận. Thủ tướng Golda Meir từng đưa ra công thức ngắn gọn nhất: Thứ nhất, chúng tôi không có vũ khí hạt nhân, và thứ hai, nếu cần, chúng tôi sẽ sử dụng chúng.
Mỹ, Pháp, Anh, Đức và nhiều quốc gia khác đã gián tiếp tiếp tay cho việc chế tạo vũ khí hạt nhân và các phương tiện vận chuyển chúng của Israel. Bản thân kho vũ khí Israel được ước tính khác nhau, từ 75-400 đơn vị, nhưng con số 200 đầu đạn dường như sát với thực tế hơn. Trong một email riêng tư bị rò rỉ vào tháng 9/2016, cựu Ngoại trưởng và là Tướng quân đội Mỹ Colin Powell ám chỉ Israel có một kho gồm “200 vũ khí hạt nhân”.
Israel bắt đầu tham gia câu lạc bộ hạt nhân vào những năm 1950. Thủ tướng David Ben-Gurion được cho là nung nấu phát triển quả bom nguyên tử như một biện pháp chống lại kẻ thù của Israel.
Theo học thuyết quân sự, vũ khí hạt nhân của Israel sẽ được sử dụng nếu thất bại trong chiến tranh thông thường, hoặc để ngăn chặn các quốc gia thù địch phát động các cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học, nhằm ngăn chặn sự hủy diệt nhà nước Do Thái.
Ông Shimon Peres, người sau này giữ chức Tổng thống và Thủ tướng Israel, đã vun đắp mối quan hệ với Pháp, dẫn đến việc nước này đồng ý cung cấp một lò phản ứng hạt nhân nước nặng lớn và một nhà máy tái chế plutonium dưới lòng đất, biến nhiên liệu đã qua sử dụng trong lò phản ứng được xây dựng tại Dimona trên sa mạc Negev thành nguyên liệu chính cho vũ khí hạt nhân.
Vào cuối những năm 1960, Mỹ đánh giá việc chế tạo vũ khí hạt nhân của Israel là "có thể xảy ra", nhưng nỗ lực của Mỹ nhằm làm chậm chương trình hạt nhân và đưa Israel tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân không đi đến đâu.
Tháng 9/1969, Tổng thống Mỹ Nixon và Thủ tướng Israel Golda Meir được cho là đã đạt được một thỏa thuận bí mật - Mỹ sẽ ngừng yêu cầu kiểm tra và Israel tuân thủ các nỗ lực chống phổ biến vũ khí hạt nhân, và đổi lại, Israel sẽ không tuyên bố hoặc thử nghiệm vũ khí hạt nhân của mình.
"Bộ ba hạt nhân" Israel
Người ta không biết chắc số lượng vũ khí hạt nhân nói trên của Israel đúng hay không. Tuy nhiên, nếu đó là sự thật thì không thể hiểu tại sao cộng đồng thế giới lại không gây áp lực chính trị và kinh tế, và không thực hiện các biện pháp quân sự-kỹ thuật thích hợp.
Điều này càng đáng ngạc nhiên hơn bởi vì Tel Aviv thực sự có “bộ ba hạt nhân” của mình và nếu cần, có thể tiếp cận không chỉ Iran, mà cả Nga, Liên minh châu Âu và thậm chí cả Trung Quốc.
Không quân Israel được trang bị máy bay tiêm kích-ném bom F-15I, máy bay chiến đấu hạng nhẹ đa năng F-16I Sufa, được trang bị thùng nhiên liệu bên ngoài, có thể thực hiện nhiệm vụ vận chuyển vũ khí hạt nhân ở khoảng cách đáng kể.
IDF bắt đầu thay thế F-16I Sufa bằng F-35 Adir hiện đại và tàng hình hơn, được điều chỉnh theo yêu cầu của Không quân Israel. Tel Aviv đã sở hữu 5 máy bay chiến đấu đa nhiệm này, và theo một thỏa thuận vào cuối tháng 10/2021, sẽ mua thêm 17 chiếc, với tổng số cuối cùng sẽ là 50 chiếc. Việc chuyển giao tất cả 50 chiếc F-35 dự kiến sẽ được hoàn tất vào cuối năm 2024.
Một nhiệm vụ không được thảo luận là Israel có thể sẽ sử dụng F-35 của mình như một hệ thống mang hạt nhân. Vào những năm 1960, để mua A-4 Skyhawk và F-4 Phantoms, Israel đã đồng ý không sử dụng máy bay mua của Mỹ làm phương tiện mang vũ khí hạt nhân.
Đồng thời, Israel cũng đảm bảo với Mỹ, sẽ không “giới thiệu” vũ khí hạt nhân ở Trung Đông, có nghĩa là họ có thể xây dựng một kho vũ khí hạt nhân miễn là không công khai thừa nhận sự tồn tại của nó.
Là một máy bay chiến đấu hai động cơ, F-4 Phantom có lẽ là máy bay đầu tiên của Không quân Israel có khả năng mang bom hạt nhân thế hệ đầu tiên. Một thế hệ bom trọng lực hạt nhân mới, nhỏ hơn có khả năng trang bị cho các máy bay chiến đấu F-15I và F-16I.
Một số người có thể cho rằng bom trọng lực đã lỗi thời do những tiến bộ của Israel trong công nghệ tên lửa, nhưng một máy bay có người lái cho phép thay đổi quyết định tấn công hạt nhân đến phút cuối cùng.
Nhiều người đặt câu hỏi liệu Israel có cam kết tương tự khi mua máy bay F-15 và F-16 trong những năm 1980-1990 hay không. Bất kể cam kết có được đưa ra hay không, nhiều người tin một số máy bay F-15 và F-16 của Israel có khả năng hạt nhân.
Nếu đúng, có nghĩa là F-35 của Israel sẽ là một máy bay có khả năng hạt nhân, vì F-35 Adir được cho là sẽ thay thế phi đội F-16. F35 Adir của Israel dựa trên biến thể F-35A, trong khi Mỹ và một số đồng minh đang có kế hoạch trang bị bom trọng lực hạt nhân B61-12 của Mỹ cho một phần phi đội F-35A của họ.
"Jericho" là một dòng tên lửa bao gồm tên lửa chiến dịch-chiến thuật, tên lửa tầm trung và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Jericho-1 được phát triển với sự hợp tác của Pháp, đã ngừng hoạt động, được thay thế bằng tên lửa đạn đạo Jericho-2 và Jerricho-3.
Theo dữ liệu chính thức, tầm bay của Jericho-3 là từ 2.000 đến 4.800 km, nhưng có bằng chứng cho thấy tên lửa ba tầng này có thể vượt qua khoảng cách 11.500 km, là ICBM thật sự.
Không những vậy, nó có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân, được triển khai tại căn cứ Sdot-Micha gần Jerusalem. Hiện chưa rõ tổng số tên lửa đạn đạo của Israel, nhưng các chuyên gia ước tính, ít nhất 20 quả. Để tham khảo, khoảng cách từ Jerusalem đến Moscow chỉ 2.670 km, đến Berlin – 2.904 km, đến Bắc Kinh – 7.120 km.
Cấu phần hải quân trong "bộ ba hạt nhân" Israel là một loạt tàu ngầm “Dolphin” được Đức thiết kế cho Hải quân Israel trên cơ sở tàu ngầm Type-212. Với lượng choán nước 1.840 tấn, tốc độ 20 hải lý/giờ, độ lặn sâu tối đa 350 m, thời gian lặn 50 ngày, người ta tin rằng những tàu ngầm này của Israel là phương tiện mang vũ khí hạt nhân.
"Dolphin" được trang bị 10 ống phóng ngư lôi, 6 trong số đó là cỡ tiêu chuẩn 533 mm dành cho ngư lôi thông thường, 4 ống còn lại - không tiêu chuẩn, cỡ 650 mm.
Tên lửa có thể là tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ với tầm bắn lên đến 2.500 km, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân hoặc tên lửa hành trình Popeye Turbo SLCM do Israel sản xuất với tầm bắn lên đến 1.500 km, cũng có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân.
Dolphin là một phần của Flotilla-7, có trụ sở tại Haifa. Chúng đang làm nhiệm vụ trực chiến ở Biển Địa Trung Hải và Vịnh Ba Tư, từ đó có thể bí mật thực hiện một cuộc tấn công phòng ngừa nhằm vào Iran, hoặc một cuộc tấn công trả đũa hạt nhân.
Việc thành lập bộ ba hạt nhân chứng tỏ Israel coi trọng ý tưởng răn đe hạt nhân. Nước này sẽ không sớm tuyên bố trở thành cường quốc hạt nhân vì sự mơ hồ về việc sở hữu vũ khí hạt nhân có lợi cho họ./.