Kết quả xác minh vụ "mượn danh "quốc bảo" để trục lợi?"

Hoàng Thanh |

Cơ quan chức năng đã nhiều lần liên hệ làm việc nhưng Công ty Cổ phần đầu tư Sâm Việt Nam thông báo không có lãnh đạo tại trụ sở nên chưa làm việc được.

Ngày 19-1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum đã có báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh nội dung Công ty Cổ phần đầu tư Sâm Việt Nam (Công ty Sâm Việt Nam) cho rằng đang sở hữu 10 ha sâm Ngọc Linh tại 2 huyện Đắk Glei và Tu Mơ Rông.

Kết quả kiểm tra việc liên kết, hợp tác trồng sâm Ngọc Linh giữa các hộ dân với Công ty Sâm Việt Nam tại huyện Tu Mơ Rông cho thấy có 2 hộ đang trồng sâm Ngọc Linh cho công ty này.

Kết quả xác minh vụ mượn danh quốc bảo để trục lợi? - Ảnh 1.

Công ty Sâm Việt Nam "nổ" đang sở hữu 10 ha Sâm Ngọc Linh trong ngày khai trương trụ sở

Cụ thể, năm 2020, ông A Ngao bán cho Công ty Sâm Việt Nam 500 cây sâm Ngọc Linh với giá 200 triệu đồng. Sau khi mua, công ty gửi lại số sâm này cho ông A Ngao trồng tại tiểu khu 226, thuộc xã Ngọk Lây, huyện Tu Mơ Rông. Đến năm 2021, 500 cây sâm Ngọc Linh nói trên đã cho thu hoạch được khoảng 1.000 hạt và ông A Ngao đã gieo số hạt này tại vườn.

Trong quá trình mua bán, ông A Ngao có ký hợp đồng với công ty nhưng không đọc rõ nội dung được thể hiện, gồm: nội dung hợp tác; số lượng cây, hạt giống sâm Ngọc Linh; vị trí và diện tích trồng. Ngoài ra, Công ty Sâm Việt Nam trả cho ông A Ngao 100.000 đồng/ngày công để bảo vệ và chăm sóc số lượng sâm trên.

Trong khi đó, ngày 17-10-2020, ông A Ghôi bán 50 cây sâm Ngọc Linh với số tiền 100 triệu đồng cho Công ty Sâm Việt Nam. Sau khi mua, công ty cũng gửi 50 cây sâm này cho ông A Ghôi tiếp tục chăm sóc tại vườn thuộc tiểu khu 225, xã Ngọk Lây, huyện Tu Mơ Rông.

Ông A Ghôi cũng ký hợp đồng với Công ty Sâm Việt Nam nhưng không đọc rõ nội dung được thể hiện, gồm: nội dung hợp tác; số lượng cây, hạt giống Sâm Ngọc Linh; vị trí và diện tích trồng.

Kết quả xác minh vụ mượn danh quốc bảo để trục lợi? - Ảnh 2.

Với các hộ dân được một số báo chí phản ánh đang liên kết trồng sâm với Công ty Sâm Việt Nam (gồm ông A. L ở xã Tê Xăng; ông A.K và ông A.P ở xã Ngọc Lây), cơ quan chức năng đã tiến hành xác minh. Kết quả, trên địa bàn xã Tê Xăng (thôn Tu Thó và Đắk Viên) có 7 người tên A.L nhưng không ai liên kết trồng sâm với Công ty Sâm Việt Nam. Đối với hộ ông A.K và ông A.P, Công an xã Ngọc Lây đang xác minh nhưng chưa đủ thông tin nên chưa xác định được.

Kết quả xác minh vụ mượn danh quốc bảo để trục lợi? - Ảnh 3.

Công ty Sâm Việt Nam cho biết đang sở hữu 2 ha sâm Ngọc Linh tại huyện Đắk Glei nhưng cơ quan chức năng xác định không có diện tích nào

Về thông tin Công ty Sâm Việt Nam đang sở hữu 2 ha sâm Ngọc Linh tại xã Mường Hoong, huyện Đắk Glei, kết quả kiểm tra cho thấy xã này có 17 tổ liên kết trồng sâm với diện tích khoảng 4 ha. Tuy nhiên, không có Công ty Sâm Việt Nam phối hợp đầu tư hoặc liên kết trồng sâm tại các thôn, tổ thuộc địa bàn xã Mường Hoong.

Tổ công tác đã 3 lần đến trụ sở Công ty Sâm Việt Nam để làm việc theo lịch và có giấy mời với công ty này. Tuy nhiên, nhân viên thông báo không có lãnh đạo Công ty Sâm Việt Nam ở trụ sở và cũng không biết lãnh đạo đi đâu, nên tổ công tác chưa làm việc được.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại