Kết quả và những điểm còn bỏ ngỏ tại COP 27

Thiều Dương |

Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) vừa khép lại với một thoả thuận lịch sử về việc thành lập quỹ bồi thường tổn thất và thiệt hại cho các nước dễ bị tổn thương. Đây được xem là minh chứng về một quyết tâm hành động nhằm chống biến đổi khí hậu.

Thoả thuận lịch sử về việc thành lập quỹ bồi thường tổn thất và thiệt hại cho các nước dễ bị tổn thương được xem là kết quả nổi bật tại COP27. Đối với nhiều nhà hoạt động môi trường, quỹ này đại diện cho một chiến thắng gian khổ kéo dài nhiều năm và được thúc đẩy thành lập trong bối cảnh sự chú ý toàn cầu hướng về những nạn nhân trong các thảm họa khí hậu như trận lũ lụt tàn khốc ở Pakistan vào mùa hè năm nay.

Kết quả và những điểm còn bỏ ngỏ tại COP 27 - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters

Phát biểu hoan nghênh việc thành lập quỹ này, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết: “Tôi hoan nghênh quyết định thành lập quỹ tổn thất và thiệt hại và vận hành nó trong giai đoạn tới. Rõ ràng điều này sẽ không đủ, nhưng đó là một tín hiệu chính trị rất cần thiết để xây dựng lại niềm tin giữa các quốc gia. Tiếng nói của những nạn nhân của cuộc khủng hoảng khí hậu phải được lắng nghe. Hệ thống Liên Hợp Quốc sẽ hỗ trợ nỗ lực này từng bước một.”

Tại COP27, các quốc gia tái khẳng định mục tiêu giữ cho nhiệt độ toàn cầu chỉ tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Bên lề COP27, Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới, tuyên bố nối lại các cuộc thảo luận về khí hậu. Nếu một trong hai quốc gia không nỗ lực giảm khí phát thải, thế giới không thể đạt mục tiêu đặt ra.

Tuy nhiên, ngay khi kết quả COP27 được công bố, không ít quốc gia và vùng lãnh thổ bày tỏ thất vọng về những điểm còn trống.

Theo Chủ tịch COP26 Alok Sharma, so với kỳ họp trước, COP 27 vẫn còn thiếu nhiều cam kết: “Mục tiêu lượng khí thải đạt đỉnh trước năm 2025 không có trong văn bản này. Việc loại bỏ từng bước sử dụng than đá không được đề cập trong văn bản này. Một cam kết rõ ràng về việc loại bỏ dần tất cả nhiên liệu hóa thạch cũng không có trong văn bản này. Những cam kết về chuyển đổi năng lượng trở nên mờ nhạt dần”.

Trong khi đó, hiệu quả về điểm sáng lớn nhất tại hội nghị COP 27 dường như không chắc chắn. Qqũy bồi thường tổn thất và thiệt hại đã được thành lập, song những điều khoản chi tiết về hoạt động của quỹ này sẽ phải chờ thêm ít nhất 1 năm nữa, đến khi lãnh đạo các quốc gia tiếp tục thảo luận tại COP28. Do đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố muốn tổ chức một hội nghị thượng đỉnh riêng với các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu trong năm tới.

Ông Frans Timmermans, đặc phái viên phụ trách chính sách khí hậu của Liên minh châu Âu nhấn mạnh, đây là thập kỷ mang tính sống còn, nhưng những gì đạt được là chưa đủ để thực hiện một bước tiến vì người dân và hành tinh này./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại