Vượt cửa tử, mẹ cho con một cuộc đời
Từ lâu, cô gái gốc Việt Trúc Mai (SN 1994 - hiện sống ở Phnôm Pênh, Campuchia) luôn mơ ước được làm mẹ, ẵm bồng đứa con do mình sinh ra.
Vì thế, sau đám cưới ấm cúng với chàng trai Hồ Chí Khang - người mang 50 khay lễ đến hỏi cưới, Mai bắt đầu hành trình thuyết phục, để anh đồng ý cho cô sinh con.
Lý do khiến chồng Mai lưỡng lự là sức khỏe của vợ không được tốt, di chứng của cơn sốt lúc nhỏ khiến cô bị liệt hai chân, cột sống cong vẹo như lưng tôm, việc di chuyển phải gắn liền với chiếc xe lăn.
Chí Khang từng xác định không sinh con vì lo lắng cho sức khỏe của vợ.
‘Từ thời điểm yêu nhau, biết sức khỏe của tôi, anh xác định không sinh con, chỉ cần ngày ngày ở bên, chăm sóc tôi là đủ nhưng thấy khao khát của vợ, anh đưa tôi đến bệnh viện nhờ bác sĩ tư vấn.
Tim tôi như có ai cứa thành hàng ngàn mảnh vụn khi bác sĩ hết lời khuyên can, nói việc mang thai có thể nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ và đứa trẻ trong bụng. Lúc ra về, tôi đã khóc vì tuyệt vọng, anh Khang ôm tôi vào lòng an ủi’, Mai chia sẻ.
Kìm nén ước muốn vào lòng, hơn một năm sau ngày cưới, Mai như vỡ òa khi phát hiện mình có bầu. Mỗi lần đến kỳ khám thai, cô hồi hộp, sợ đứa bé mắc dị tật hay ảnh hưởng từ sức khỏe của mẹ.
Trúc Mai lúc nhỏ.
Với người phụ nữ bình thường, việc mang thai đã vất vả, mệt mỏi, với Mai những khó khăn càng tăng lên gấp bội phần.
‘Suốt mấy tháng đầu, tôi bị nghén ngẩm, hễ ngửi mùi đồ ăn là nôn thốc nôn tháo, có lúc phải nhập viện cấp cứu vì cơn đau dạ dày hành hạ.
Một bác sĩ thấy tình trạng tôi không tốt, cũng khuyên gia đình cân nhắc, suy nghĩ kỹ việc bỏ thai. Vì nếu thai lớn, cơ thể tôi khó có thể chịu đựng nổi’, Mai xúc động nhớ lại.
Gạt những lời khuyên của bác sĩ, Mai kiên quyết đối mặt với mọi thứ, kể cả tình huống xấu nhất để đưa con đến cuộc đời.
Đến tháng thứ 5, khi thai nhi ngày càng lớn, nghiêng về bên phải khiến Mai như rã rời, cơ thể đau nhức, suy nhược. Nhiều lần cô gục xuống bàn vì huyết áp tụt.
Cả ngày lẫn đêm, Mai chịu đựng cảnh ngủ ngồi, kê gối lên thật cao. Chỉ cần nằm xuống, cơn đau tức ngực, khó thở sẽ ập đến và Mai phải vào bệnh viện cấp cứu.
‘Một lần, tôi bị khó thở, đau ngực giữa đêm, chồng làm mọi cách, xoa lưng, kê gối… tôi vẫn không thở được, nước mắt chảy dài, như chết đi sống lại. Anh vội đưa tôi đến bệnh viện, được bác sĩ cho thở oxy, thăm khám.
Lúc đó, tôi dặn chồng, dù tôi có bệnh tình nguy kịch ra sao cũng phải nhờ bác sĩ giữ bằng được con. May mắn, mọi thứ vẫn ổn, chỉ là em bé phát triển lớn, chèn ép lên tim, phổi, gây khó thở’, Mai rùng mình kể. Một lần thăm khám định kỳ, vị bác sĩ siêu âm khoảng 20 phút rồi thốt lên: ‘Đứa nhỏ hình như có một tay thôi’.
Vợ chồng Mai nhìn nhau đầy lo lắng, nước mắt rưng rưng nơi khóe mắt thai phụ trẻ, chờ đợi một kỳ tích. 30 phút sau, vị bác sĩ chẩn đoán, em bé vẫn ổn, tứ chi đầy đủ, Mai thở hắt ra, cảm giác muộn phiền đều tan biến.
Mai thừa nhận, quãng thời gian mang bầu là khoảng thời gian cô bị khủng hoảng tâm lý trầm trọng. Giấc ngủ chập chờn, mỗi lần mở mắt ra, cô liên tục bị ám ảnh, lo lắng cho sự an toàn của con.
Với thể trạng có cột sống gù vẹo, bác sĩ tiên lượng Mai khó có thể sinh thường mà phải dùng đến phương pháp mổ đẻ, như vậy mới đảm bảo an toàn cho hai mẹ con.
Thời gian dự sinh của Mai vào ngày 4/9, tuy nhiên, ở tuần thứ 36 của thai kỳ, em bé gò nhiều, bụng Mai bắt đầu có các cơn đau chuyển dạ nhẹ. Bệnh viện yêu cầu gia đình cho cô mổ gấp. Thai nhi có dấu hiệu suy.
‘Khi tôi nằm trên bàn phẫu thuật, bác sĩ nhìn lưng cong vẹo của tôi liền thở dài vì rất khó để tìm điểm gây tê màng cứng. Tiên lượng cứu em bé là 50/50.
Cuộc hội chẩn nhanh chóng diễn ra, các bác sĩ quyết định cho tôi gây mê phẫu thuật. Sau đó, em bé chào đời khỏe mạnh. Khi lơ mơ tỉnh dậy, tôi gặp phản ứng phụ của thuốc gây mê, lên cơn co giật, toàn thân lạnh toát.
Trải qua hai ngày nằm trong phòng hậu phẫu, tôi mới dần tỉnh táo, có thể nói chuyện. Giây phút người ta đưa con đến, nghe tiếng con khóc, mọi đau đớn dường như tan biến. Thời khắc đó thực sự thiêng liêng’, Mai nghẹn ngào nói.
Trúc Mai và con gái.
Cô bé được vợ chồng Mai đặt cho cái tên Việt là An Nhiên, những mong cuộc đời sau này con luôn vui vẻ, bình lặng.
Nỗi tủi hờn của người mẹ trẻ
Trong thời gian mang thai vất vả, Mai luôn có chồng và gia đình bên cạnh chăm sóc, động viên.
‘Chồng tôi kém tuổi vợ nhưng rất khéo léo, yêu thương vợ hết mực. Lúc mang bầu, cả ngày tôi quanh quẩn ở nhà, làm bạn với bốn bức tường. Chồng tâm lý, tối rảnh rỗi là chở vợ đi chơi, hóng gió. Nhờ đó, tâm trạng tôi thoải mái hơn’, Trúc Mai tâm sự.
Con gái ra đời, đối với Mai và đại gia đình là món quà quý giá mà ông trời ban tặng. Mọi người xúm vào hỗ trợ cô chăm bé. Ban ngày, mẹ ruột Mai chăm cháu, tối đến ông xã cô đảm nhiệm.
‘Chồng tôi bận rộn ở cửa hàng, chợ búa nhưng tối về, chuyện cơm nước, giặt giũ quần áo cho vợ, tắm cho con, anh làm hết. Nhiều đêm thức trắng, sáng hôm sau đi làm sớm, cực nhọc là vậy nhưng anh chưa bao giờ kêu ca’, cô nói.
Bé An Nhiên trong vòng tay bà nội.
Hạnh phúc là vậy nhưng Mai chia sẻ, sâu thẳm trong tâm hồn, cô mang một nỗi buồn day dứt.
‘Làm mẹ, ai cũng muốn tự tay ôm con vào lòng, cho con ăn… nhưng cơ thể yếu ớt của tôi, bế con cũng khó. Mỗi lần nằm cạnh, nghe con khóc, tôi nén nước mắt, lí nhí nói xin lỗi con rồi gọi người nhà ra bế bé lên. Sau này bé lớn hơn, tôi cũng chỉ có thể nhìn con tập đi mà không thể dìu bước chân con’, người mẹ trẻ bộc bạch.
Chồng Mai thay vợ chăm sóc con gái.