Kết hợp tên lửa phòng không Pháp - Israel: Lưới lửa mạnh nhất ĐNÁ

Tuấn Sơn |

Việc kết hợp tên lửa phòng không tầm trung Aster-30 từ Pháp trực chiến cùng SPYDER và các loại tên lửa tầm thấp đã tạo thành một lưới lửa mạnh nhất Đông Nam Á.

Singapore - Quốc đảo nhỏ bé nhưng rất quan tâm tới quốc phòng!

Được mệnh danh là Quốc đảo Sư tử, với diện tích nhỏ bé - chỉ hơn 700km2, nhỉnh hơn đảo Phú Quốc (574km2) của Việt Nam đôi chút và dân số chừng 5,5 triệu người, nhưng Singapore lại có nền kinh tế hết sức phát triển với tổng GDP (danh nghĩa) năm 2014 là khoảng 453 tỷ USD, bình quân đầu người đạt hơn 56.300 USD, thuộc hàng cao nhất thế giới.

Nhờ có tiềm lực kinh tế mạnh, nền quốc phòng Singpore cũng được quan tâm đầu tư, với tổng ngân sách ước đạt 10,3 tỷ USD (2016), chiếm 3,4% GDP và có nhiều bước tiến vượt bậc về mua sắm vũ khí trang bị khiến nhiều quốc gia trong khu vực phải thèm muốn.

Về cơ cấu tổ chức, mặc dù chỉ có 71.600 quân thường trực, khá khiêm tốn, nhưng Quân đội Singapore có đầy đủ các lực lượng Hải - Lục - Không quân. Trong đó:

Lục quân Singapore: có 3 sư đoàn bộ binh thường trực, 2 sư đoàn bộ binh dự bị và một số tiểu đoàn pháo, công binh độc lập với nhiều vũ khí tối tân như xe tăng Leopard-2A4, xe thiết giáp AMX-10PAC 90, pháo xe kéo LG-1, FH-2000, pháo tự hành 155mm nội địa, tên lửa chống tăng Spike,...

Hải quân Singapore: có 2 hạm đội và một số bộ tư lệnh đóng chủ yếu tại 2 căn cứ hải quân chính với 2 tàu ngầm lớp Archer (sẽ có thêm 2 chiếc Type-218SG rất hiện đại đặt mua của Đức, dự kiến bắt đầu hoạt động từ năm 2019-2020; 6 tàu khinh hạm tàng hình lớp Formidable cùng nhiều tàu hộ vệ, tàu tuần tra, tàu đổ bộ - hậu cần hiện đại.

Không quân Singapore: có 17 đơn vị đóng tại 4 căn cứ không quân chính, trang bị nhiều máy bay hiện đại như tiêm kích F-15SG, F-16 Block52; trực thăng tấn công AH-64D Longbow Apache cùng nhiều loại máy bay tiếp dầu, cảnh báo sớm, vận tải,...

Ngoài ra, lực lượng Không quân Singapore còn sở hữu nhiều loại tên lửa phòng không và radar hiện đại bậc nhất khu vực như SAM-P/T, SPYDER-SR, I-Hawk, Rapier MkII, Igla, RBS-70,...

Việc Singapore đặt mua SAM-P/T là một thông tin gây sửng sốt với nhiều người, nhưng trên hết, đây là quyết định hoàn toàn đúng đắn.

Kết hợp tên lửa phòng không Pháp - Israel: Lưới lửa mạnh nhất ĐNÁ - Ảnh 1.

Tổ hợp tên lửa phòng không SPYDER-SR của Singapore.

Lưới lửa hiện đại, mạnh nhất Đông Nam Á

Nhìn vào số lượng và chất lượng trang bị của phòng không Singapore, quả thực không ít người phải thốt lên "quá mạnh". Thực vậy, họ đang có trong tay những thứ vũ khí phòng không tối tân, hợp thành lưới lửa liên hoàn, có chiều sâu, đủ khả năng chống đỡ những cuộc tiến công đường không.

Phòng không tầm xa được bảo đảm bởi tổ hợp tên lửa phòng không (SAM-P/T). Với tên lửa Aster-30 có tầm bắn tới 70km (hoặc thậm chí tới 120km), ô hỏa lực của chúng đủ sức bao phủ một vùng không gian rộng lớn, có tầm cao tới 20km.

Kết hợp tên lửa phòng không Pháp - Israel: Lưới lửa mạnh nhất ĐNÁ - Ảnh 2.

Hệ thống phòng không SAMP/T.

SAMP/T đang được triển khai hoạt động trong quân đội Pháp và Italy, góp phần quan trọng vào hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo chung của khối NATO ở khu vực châu Âu, được đánh giá có hiệu quả cao trong việc chống các mục tiêu cơ động linh hoạt trên khu vực rộng.

Sau khi SAM-P/T đưa vào trực chiến có thể tên lửa phòng không tầm trung I-Hawk sẽ được đưa vào niêm cất hoặc loại biên.

Tiếp đến là vòng hỏa lực của các tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn SPYDER-SR có vùng diệt mục tiêu 15km, dải độ cao từ 20 đến 9.000m.

Kết hợp tên lửa phòng không Pháp - Israel: Lưới lửa mạnh nhất ĐNÁ - Ảnh 3.

Tổ hợp tên lửa phòng không cơ động Igla.

Vòng trong cùng chính là hỏa lực dày đặc của các loại tên lửa tầm thấp hiện đại như Rapier MkII, Igla, RBS-70. Trong đó, Igla được đặt trên khung gầm xe mang phóng bánh xích có sức cơ động việt dã rất tốt.

Tất nhiên, trước khi đến lượt các tổ hợp tên lửa phòng không phải khai hỏa thì các máy bay tiêm kích hiện đại như F-15, F-16 của Không quân Singapore đã xuất kích đánh chặn từ rất xa, ngoài ô bảo vệ của tên lửa.

Để hỗ trợ cho không quân tiêm kích, tên lửa phòng không, mạng tình báo trên không của Singapore cũng được chú trọng đầu tư, các loại máy bay cảnh báo sớm như G-550 (Israel), radar nhìn vòng như FPS-117 (Mỹ), AMB (Thụy Điển) có khả năng phát hiện từ xa các loại mục tiêu bay, cho phép các đơn vị hỏa lực chuyển cấp chiến đấu sớm.

Kết hợp tên lửa phòng không Pháp - Israel: Lưới lửa mạnh nhất ĐNÁ - Ảnh 4.

Mạng hỏa lực phòng không của Singapore

Như vậy, có thể khẳng định đến thời điểm này, Singapore đã hoàn thành mục tiêu xây dựng mạng lưới phòng không thế hệ thứ 3 hết sức hiện đại theo đúng lộ trình đã đặt ra, biến Không quân nước này thành một lực lượng đáng gờm trong khu vực, nếu không nói là mạnh nhất Đông Nam Á.

Tất nhiên, với một diện tích nhỏ hẹp như vậy, bấy nhiêu vũ khí có lẽ đã đủ, nhưng so với các quốc gia rộng lớn trong khu vực, để "che" toàn bộ lãnh thổ thì chừng đó chẳng thấm tháp gì bởi có quá nhiều mục tiêu quan trọng cần cosoo phòng không bảo vệ như thành phố lớn, đầu não, các khu công nghiệp, căn cứ quốc phòng siêu hạng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại