Kết hôn nhưng... ai ở nhà nấy - trào lưu sống khó hiểu của các cặp vợ chồng châu Á để giữ lửa hôn nhân: Tình cảm thêm cháy bỏng, hạnh phúc hơn vì có không gian riêng

Tú Khê |

Nhiều cặp vợ chồng hiện đại đang theo đuổi lối sống LAT sau khi kết hôn để giữ lửa hôn nhân, tuy "xa mặt" nhưng không hề "cách lòng".

Đối với Sujata, bức tranh về một cuộc hôn nhân truyền thống từ lâu đã chẳng khác nào một cơn ác mộng.

Suốt cả tuổi thơ, cô phải chứng kiến bầu không khí hằn học giữa cha mẹ mình. Điều này khiến cô tự hỏi, làm thế nào mà một cặp đôi không hạnh phúc lại có thể sống chung dưới một mái nhà.

"Cách bố mẹ đối xử với nhau ảnh hưởng rất nhiều đến tôi thời còn bé", nữ kỹ sư cơ khí 30 tuổi đang sống tại Dubai (UAE) cho biết. "Bây giờ mọi chuyện còn tệ hơn. Họ sống như hai kẻ xa lạ trong nhà, chẳng nói với nhau bất cứ câu gì".

Vì nỗi ám ảnh này, Sujata và chồng quyết định sẽ sống theo lối sống LAT (Living Apart Together): mỗi người sống một nơi vẫn trên danh nghĩa vợ chồng. Cấu trúc gia đình phi truyền thống này đang ngày càng phổ biến nhờ tính linh hoạt của nó.

Kết hôn nhưng… ai ở nhà nấy

Theo đó, các cặp vợ chồng sẽ sống tách biệt với nhau, dù là tự chọn hay do hoàn cảnh. Họ vẫn yêu nhau, nhưng sống riêng để đảm bảo tính cá nhân và những khoảnh khắc riêng tư. Hai người có thể ở hai phòng riêng trong cùng nhà, hoặc sống trong hai ngôi nhà riêng biệt, thậm chí chỉ giao lưu xã hội chứ không quan hệ tình dục với nhau.

Sujata biết tới mô hình LAT khi còn đang học ở Ấn Độ. Đây cũng là khoảng thời gian cô gặp người chồng bây giờ của mình.

"Hầu hết bạn bè trong lớp tôi đều có cha mẹ không phải người Ấn Độ và đang sống kiểu này", cô tiết lộ.

"Điều này hoàn toàn trái ngược với gia đình không mấy hòa thuận của tôi. Tôi chưa từng thấy cha mẹ ngồi thảo luận tử tế với nhau bao giờ. Cha bận làm đến mức chẳng có thời gian cho chúng tôi. Khi về nhà, ông ấy chẳng nói gì ngoài 1-2 câu đáp trả lời than vãn dài dòng của mẹ".

Kết hôn nhưng... ai ở nhà nấy - trào lưu sống khó hiểu của các cặp vợ chồng châu Á để giữ lửa hôn nhân: Tình cảm thêm cháy bỏng, hạnh phúc hơn vì có không gian riêng - Ảnh 1.

Vợ chồng Sujata không mất quá nhiều thời gian để theo đuổi lối sống LAT, bởi họ đã quen nhau từ khi còn đi học.

"Anh ấy từng là hàng xóm cạnh nhà nên biết rõ tôi nghĩ gì về một cuộc hôn nhân truyền thông", cô cho biết.

Người phụ nữ 30 tuổi tin rằng lối sống LAT sẽ giúp họ vượt qua 3 năm đầu của cuộc hôn nhân.

"Tôi ở Dubai (UAE), còn chồng ở Mumbai (Ấn Độ). Chúng tôi thích sống như vậy hơn. Chúng tôi gặp nhau 2 tháng/lần, nên khoảng thời gian chờ đợi càng khiến chúng tôi hào hứng. Đến khi gặp đối phương, chúng tôi càng cảm thấy yêu nhau sâu đậm hơn", cô nói.

Với Sujata, một trong những mặt tốt của LAT là nó cho phép cô có không gian riêng để thở, cũng như kiểm soát được tự do của chính minh.

"Bên cạnh nỗi hoài nghi về hôn nhân, mối quan hệ giữa tôi và chồng lúc nào cũng trục trặc bởi chúng tôi đã chia tay quá nhiều lần trong quá khứ", cô giải thích.

"Vì thế, chúng tôi quyết định không sống chung. Ngay cả những chuyện nhỏ nhất như chia sẻ khăn tắm, rửa bát hay xem phim buổi tối,... cũng có thể khiến căng thẳng leo thang".

Kết hôn nhưng... ai ở nhà nấy - trào lưu sống khó hiểu của các cặp vợ chồng châu Á để giữ lửa hôn nhân: Tình cảm thêm cháy bỏng, hạnh phúc hơn vì có không gian riêng - Ảnh 2.

Sống riêng như một cách giữ lửa hôn nhân

Theo chuyên gia tư vấn hôn nhân Pallavi Barnwal, "chủ quyền" trong hôn nhân chính là thứ tác động đến tuổi thọ.

"Việc kết hôn rồi sống chung với ai đó, hoặc hy vọng họ sẽ mãi yêu mình bất chấp tất cả là một kỳ vọng vô cùng lớn lao", cô nói. "Bạn cần một nền tảng như LAT để tìm ra điểm cân bằng hòa hợp giữa không gian và cảm giác đồng hành".

Theo Barnwal, mô hình gia đình truyền thống có thể khiến cho tình cảm vợ chồng phạt nhạt dần. Sự thân thuộc khiến cả hai trở nên nhàm chán trong mắt nhau, bởi họ phải ở bên nhau mỗi ngày.

"Gần đây, tôi đã gợi ý mô hình LAT cho một người vợ, bởi cô ấy cảm thấy cuộc hôn nhân của mình đã trở nên nhàm chán", Barnwal nhớ lại.

"Cô ấy lo ngại rằng chồng sẽ ngoại tình nếu họ không sống cùng với nhau nữa. Tôi đáp: Nếu muốn ngoại tình, anh ta vẫn sẽ làm thế kể cả khi hai người sống chung dưới một mái nhà".

Kết hôn nhưng... ai ở nhà nấy - trào lưu sống khó hiểu của các cặp vợ chồng châu Á để giữ lửa hôn nhân: Tình cảm thêm cháy bỏng, hạnh phúc hơn vì có không gian riêng - Ảnh 3.

Theo một nghiên cứu được tiến hành bởi ĐH Bradford (Anh), LAT giúp phụ nữ chống lại được những định kiến về giới. Ngoài ra, lối sống này cũng đang trở nên phổ biến hơn ở nhiều lứa tuổi. Ngày càng có nhiều cặp đôi lớn tuổi chọn sống riêng dù vẫn duy trì mối quan hệ vợ chồng.

Tuy nhiên, không phải cặp vợ chồng nào cũng đủ dư dả để lựa chọn LAT. Gánh nặng tài chính khi phải duy trì chi phí sinh hoạt ở hai nơi khác nhau, đặc biệt là nếu gia đình có trẻ nhỏ, không phải là điều mà ai cũng có thể chịu đựng. Đa số những người theo đuổi lối sống LAT đều có nhà riêng sẵn, không phải đi thuê hay mua thêm.

Sau nhiều năm thử nghiệm lối sống LAT, Sujata và chồng cũng quyết định chuyển về sống cùng nhau. Nhiều cặp đôi nổi tiếng như vợ chồng diễn viên Gwyneth Paltrow, vợ chồng diễn viên Helena Bonham Carter… cũng sống chung sau một thời gian theo đuổi lối sống LAT.

"Tôi nhận ra rằng việc ở cùng chồng rất quan trọng, bởi tôi sẽ hiểu được anh ấy đang sống thế nào mỗi ngày, anh ấy đang lo sợ điều gì…", Sujata giải thích về quyết định dừng lối sống LAT.

"Dù LAT đem lại không ít lợi ích, nhưng tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc khi được sống bên cạnh chồng và chia sẻ với nhau một không gian chung. Tôi thừa nhận rằng mình chọn LAT bởi nỗi ám ảnh từ cuộc hôn nhân của cha mẹ".

Kết hôn nhưng... ai ở nhà nấy - trào lưu sống khó hiểu của các cặp vợ chồng châu Á để giữ lửa hôn nhân: Tình cảm thêm cháy bỏng, hạnh phúc hơn vì có không gian riêng - Ảnh 4.

Tạo không gian riêng cho các cặp vợ chồng

Dù vậy, nhiều đôi vợ chồng đã hưởng lợi nhờ theo đuổi lối sống LAT. Shilpa Saji - chuyên viên phân tích dữ liệu 26 tuổi - cho biết, LAT đã khiến người chồng Rishal Matthew của cô sáng tạo hơn trong cách bày tỏ tình yêu.

"Anh ấy sẽ nấu gì đó và mang đến cho tôi, hoặc tạo bất ngờ bằng một bó hoa mỗi khi tôi cảm thấy tồi tệ", Saji cho biết. "Tôi không chắc là anh ấy sẽ làm những điều này nếu chúng tôi vẫn sống cùng nhau như các cặp đôi bình thường".

Cả Saji và Matthew quyết định dồn sức theo đuổi lối sống LAT sau khi cân nhắc nhiều lựa chọn, từ yêu xa cho đến sống thử. LAT giúp họ đào sâu thêm mối quan hệ, từ đó thêm yêu đối phương.

"Chúng tôi đã phát hiện rằng cả hai phụ thuộc vào nhau như thế nào", cô nói. "Tôi có tiền sử bị trầm cảm. Vì thế, mỗi khi cảm thấy tồi tệ, tôi lại gọi cho chồng. Sự xuất hiện của anh ấy trên màn hình là một cách trị liệu tuyệt vời".

Dĩ nhiên, lối sống này không nhận được nhiều cái nhìn thiện cảm từ xã hội. Saji đã phải nghe họ hàng đàm tiếu rằng vợ chồng cô sống riêng vì "còn ngại ngùng và chưa biết sống cùng nhau". Cô chỉ biết bỏ ngoài tai những lời này.

"Vợ chồng tôi đã quen biết nhau từ lâu", cô cho biết. "Việc sống như thế nào ở từng giai đoạn là việc riêng của chúng tôi".

Kết hôn nhưng... ai ở nhà nấy - trào lưu sống khó hiểu của các cặp vợ chồng châu Á để giữ lửa hôn nhân: Tình cảm thêm cháy bỏng, hạnh phúc hơn vì có không gian riêng - Ảnh 5.

Vợ chồng Saji và Matthew

LAT cũng giúp các cặp đôi giải quyết vấn đề sống chung cùng bố mẹ chồng.

"Ở Ấn Độ, việc có không gian cho riêng mình khi sống cùng nhà chồng là rất khó khăn", Saji nói. "LAT giúp tôi giải quyết ổn thỏa mọi chuyện".

Chuyên viên phân tích dữ liệu 26 tuổi cho biết, LAT cũng giúp cô hình thành dược dấu ấn cá nhân.

"Tôi từng đánh mất niềm đam mê với các sở thích như hội họa và phác thảo. Khi dọn ra sống riêng, các tác phẩm của tôi trở nên sinh động, lạ lẫm và đẹp đẽ hơn", cô nhận định.

Bidisha Das - chuyên viên phân tích chất lượng 36 tuổi - cũng xem LAT là phương tiện để phát triển bản thân. Cô và bạn đời đã theo đuổi lối sống này suốt 3 năm qua.

"Khi mọi người sống cùng nhau, nhất là trong thời buổi đại dịch, mâu thuẫn là chuyện không tránh khỏi", cô nói. "Khả năng bạn hành động bốc đồng tăng cao gấp đôi. Đôi khi, bạn khiến người mình yêu cảm thấy ngột ngạt dù không cố ý".

Cứ đến cuối tuần, Das và bạn đời lại lái xe hơn 1 tiếng để đến chỗ nhau.

"Ngay cả chuyện giường chiếu cũng trở nên nồng nhiệt hơn. Bởi lẽ, chúng tôi muốn tận dụng tốt 2 ngày cuối tuần này, nhờ đó cuộc sống của chúng tôi cũng trọn vẹn hơn", cô nói.

Theo BArnwal, lối sống LAT nên được xem là một nhu cầu bình thường của con người về không gian cá nhân.

"Chúng ta luôn chọn phần giường mình sẽ nằm, chiếc cốc đặc biệt để uống cà phê, thậm chí là một ngăn riêng trên giá sách", cô giải thích. "LAT chỉ đưa việc này lên một tầm cao mới".

(Nguồn: Vice)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại