Kết cục thảm khốc của hành tinh đen tối nhất dải Ngân hà, vốn có thể ‘nuốt chửng’ 94% ánh sáng

ANH VIỆT |

Nằm cách Trái Đất 1400 năm ánh sáng, điều kỳ lạ của ngoại hành tinh được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2008 này chính là nó có thể hấp thụ gần như mọi loại ánh sáng chiếu đến.

Tính đến hiện tại, con người đã phát hiện được hàng nghìn "ngoại hành tinh" – thuật ngữ những hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời bằng các thiết bị như kính viễn vọng không gian Kepler hoặc Hubble. Các ngoại hành tinh đã được phát hiện rất đa dạng về cả hình dạng và kích cỡ. Trong số này, có một số hành tinh có bề mặt rất kỳ lạ, thậm chí là đáng sợ giống như trong phim khoa học viễn tưởng, đơn cử như ngoại hành tinh WASP-12b.

Nằm cách Trái Đất 1400 năm ánh sáng, điều kỳ lạ của ngoại hành tinh được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2008 này chính là nó có thể hấp thụ gần như mọi loại ánh sáng chiếu đến.

Kết cục thảm khốc của hành tinh đen tối nhất dải Ngân hà, vốn có thể ‘nuốt chửng’ 94% ánh sáng - Ảnh 1.

WASP-12b thuộc một lớp các hành tinh khí khổng lồ gọi là "sao Mộc nóng". Do có quỹ đạo rất gần ngôi sao chủ, bề mặt của WASP-12b bị đốt nóng đến nhiệt độ khắc nghiệt. Hầu hết các phân tử hydro nằm ở phía ban ngày của WASP-12b, nơi có nhiệt độ trên 2.500 độ C, không thể tồn tại lâu dài. Chúng sẽ nhanh chóng phân hủy thành hydro dạng nguyên tử.

Hiện tượng này khiến bầu khí quyển của WASP-12b hoạt động như một ngôi sao khối lượng thấp, khi những đám mây giúp phản xạ ánh sáng vào không gian không thể hình thành.

Ánh sáng sau khi xâm nhập xuống sâu bề mặt hành tinh sẽ bị các nguyên tử hydro hấp thụ và chuyển hóa thành năng lượng. Kết quả, WASP-12b hấp thụ 94% ánh sáng chiếu xuống bề mặt, biến nó trở thành một trong số những hành tinh ‘đen’ nhất trong dải Ngân hà. Tuy nhiên, do nhiệt độ bề mặt của WASP-12b quá nóng, các nhà khoa học vẫn phát hiện được ngoại hành tinh này dưới bức sóng hồng ngoại.

WASP-12b là hành tinh bị khóa thủy triều với ngôi sao chủ, với một nửa hành tinh luôn là ban ngày, trong khi nửa còn chìm vĩnh viễn trong màn đêm. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa hai mặt rất lớn, lên tới 1.000 độ C.

Do nằm quá gần ngôi sao chủ, WASP-12b bị lực hấp dẫn của ngôi sao tác động mạnh đến nỗi bị nén ép thành hình dạng quả trứng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước mở đầu cho kết cục đầy ‘bi thảm’ của ngoại hành tinh này. WASP-12b đang dần bị phân rã theo thời gian, khi ngoại hành tinh này đang tiến gần lại với ngôi sao chủ. Theo tính toán của các nhà khoa học, hành tinh màu đen đặc biệt này sẽ bị ngôi sao chủ ‘nuốt chửng’ sau khoảng 3,25 triệu năm nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại