Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nền ngoại giao toàn cầu đã chao đảo như thế nào?

Thu Ngọc |

Cuộc khủng hoảng toàn cầu mang tên Covid-19 đang đe dọa thay đổi cán cân quyền lực trên thế giới.

Cán cân quyền lực thế giới bị đe dọa

Các quốc gia bị phong tỏa, các chuyến viếng thăm cấp quốc gia bị hoãn, quy định hạn chế du lịch được ban hành và những cuộc họp quan trọng bị hủy hoặc chuyển qua hình thức trực tuyến.

Theo hãng tin AP, dịch COVID-19 đang thay đổi cách thức chúng ta thực hiện các hoạt động ngoại giao trên toàn cầu. Những gì đang xảy ra trong thời gian dịch bệnh bùng phát này đang tạo ra ý nghĩa to lớn cho nền hòa bình thế giới, các cuộc chiến tranh, vấn đề kiểm soát vũ khí v.v...

Tính đến hiện tại, nước Mỹ đã hoãn ít nhất hai cuộc họp thượng đỉnh mà nước này dự định tổ chức và chuyển cuộc họp của Ngoại trưởng G7 thành hình thức trực tuyến. Các quan chức ngoại giao hàng đầu của NATO tuần trước đã phải hủy bỏ kế hoạch gặp mặt trực tiếp. Liên minh Châu Âu (EU) cắt giảm lịch trình các cuộc họp, một hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu tại Scotland bị hủy và nhiều các cuộc họp cấp thấp tại Liên hiệp quốc (LHQ) bị hủy. Cuộc khủng hoảng toàn cầu mang tên COVID-19 đang đe dọa thay đổi cán cân quyền lực trên thế giới.

Nếu đại dịch lần này không được kiểm soát thì khả năng cao cuộc họp thường niên cao cấp của Đại hội đồng LHQ nhân kỉ niệm 75 năm thành lập sẽ bị hủy bỏ. Lý do cuộc họp sẽ diễn ra tại thành phố New York, tâm dịch của nước Mỹ hiện nay. Cuộc họp Đại hội đồng có ý nghĩa lớn về mặt ngoại giao không khác gì ý nghĩa của Đại hội thể thao Olympics của giới thế thao.

Chủ tịch Đại hội đồng LHQ tuyên bố hôm thứ Sáu vừa qua rằng, 193 nước thành viên sẽ cùng quyết định trong các tháng tới xem có hoãn cuộc họp dự định diễn ra ngày 22/9 tới đây hay không.

Nếu có một trung tâm ngoại giao toàn cầu thì chắc chắn đó là tòa nhà trụ sở Liên hiệp quốc tại thành phố New York. Tòa nhà này là nơi diễn ra rất nhiều cuộc họp chính thức và phi chính thức. Các cuộc đàm phán và đối thoại diễn ra trong các bữa ăn, tại các quán cà phê và vô vàn buổi tiệc tối quy mô lớn. Và các hoạt động ngoại giao thông thường này đột ngột chấm dứt do đại dịch COVID-19 tấn công New York. Khi cả thế giới đang tham gia vào “một cuộc chiến chống lại virus corona chủng mới” như cách gọi của Tổng thư kí LHQ Antonio Guterres, nhiều nhà ngoại giao đang tự hỏi liệu cuộc sống sôi động như trước kia có quay trở lại khi cuộc chiến này kết thúc.

Các hoạt động ngoại giao ở LHQ hiện nay đều tiến hành thông qua điện thoại, email và các cuộc họp trực tuyến bao gồm cả ở Đại hội đồng bảo an. Các cuộc gặp mặt trực tiếp trở nên hiếm hoi và các cuộc họp qua video, điện đàm hiện đang trở thành một hình thức làm việc mới.

Một số người lo ngại đại dịch lần này có thể làm xói mòn nền ngoại giao toàn cầu. “Bệnh dịch này khiến cho mọi thứ trở nên khó khăn hơn. Tôi không nghĩ mọi thứ sẽ bị đình trệ hoàn toàn nhưng nỗi lo sợ nhiễm bệnh có thể trở thành một cái cớ hoàn hảo để các nhà ngoại giao từ chối những việc mình không muốn làm”, nhận định của ông Ronald Neumann, cựu Đại sứ Mỹ hiện là Giám đốc Học viện ngoại giao Mỹ.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nền ngoại giao toàn cầu đã chao đảo như thế nào? - Ảnh 1.

Ngày 26/8/2019, TT Trump và TT Macron kết thúc cuộc họp báo chung tại hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Biarritz, Pháp. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều cuộc họp quan trọng đã bị hoãn. Ảnh: AP

Các cuộc đàm phán hòa bình bị trì hoãn

Các cuộc đàm phán hòa bình cho cuộc chiến lâu năm tại Afghanistan, Yemen và Syria đều đã bị hoãn do dịch bệnh. Cùng lúc đó, các cuộc thảo luận về nhân quyền, các vấn đề y tế toàn cầu không phải về dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và thương mai đều có khả năng cao bị hủy bỏ.

Danh sách các sự kiện của LHQ mới bị hủy bỏ gần đây gồm: Hội nghị LHQ kỉ niệm 25 năm về lộ trình cho bình đẳng giới tại Bắc Kinh, Phiên họp về Luật Biển, Hội nghị đánh giá 5 năm thực hiện Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân...

Chúng tôi phải tận dụng tối đa các công cụ sẵn có để vượt qua khó khăn trong mùa dịch. Trong thời gian này, chúng tôi cũng học những điều thú vị như lợi ích của các cuộc hội thảo trực tuyến”, Đại sứ Nauy tại LHQ Mona Juul chia sẻ với hãng tin AP.

Tại thủ đô Geneva, một trung tâm ngoại giao khác của LHQ, tình hình cũng không khác biệt. Phiên họp của Hội đồng nhân quyền dự định diễn ra giữa tháng 3 đã bị hoãn cho tới khi có thông báo tiếp theo và hai phiên họp toàn thể của Ủy ban Giải trừ Vũ khí đã bị hủy bỏ.

Vào ngày thứ 2 tuần trước, đặc phái viên LHQ về Syria Geir Pedersen phát biểu tại Hội đồng an ninh cho biết, người đứng đầu ủy ban đã đồng ý một lộ trình mới về các cuộc đàm phán đối với hiến pháp Syria nhưng cũng nói thêm là “dịch COVID-19 khiến các cuộc họp bị trì hoãn".

Hội nghị thường niên của Tổ chức Y tế Thế giới dự kiến tổ chức vào tháng 5 và cuộc họp của các lãnh đạo cấp cao của Tổ chức Lao động Quốc tế dự kiến tổ chức vào tháng 6 đều có khả năng cao sẽ bị hủy.

Tại thủ đô Brussels, các Ngoại trưởng NATO đã tổ chức cuộc họp đầu tiên năm nay bằng hình thức họp trực tuyến kéo dài 2 tiếng thay vì phiên họp toàn thể kéo dài 2 ngày như mọi năm. EU cũng cố gắng thực hiện giãn cách xã hội trong việc tổ chức các cuộc họp. Ngoài một loạt các cuộc họp chủ yếu qua hình thức trực tuyến, cơ quan này cũng tổ chức các cuộc họp chỉ toàn các nhóm nhỏ. Tuy vậy, một số quan chức ngoại giao cũng lên tiếng phàn nàn về tính hiệu quả của hình thức họp nhóm này.

Thứ 5 tuần trước, Chủ tịch Quốc hội Châu Âu David Sassoli cũng đã chủ trì một cuộc họp khẩn về đại dịch Covid-19 mà không có quan chức nào tham dự họp. “Tất nhiên mọi thứ sẽ chậm lại. Nhưng chúng ta sẽ không dừng lại bởi vì dịch bệnh không thể chiến thắng nền dân chủ. Thay vào đó, nhiệm vụ của chúng ta trong thời điểm khó khăn này là phục vụ nhu cầu của người dân”.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nền ngoại giao toàn cầu đã chao đảo như thế nào? - Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại