Duy trì trừng phạt các nước trong dịch Covid-19, Mỹ đang “thức thời”?

Thu Hoài |

Việc Mỹ duy trì trừng phạt một số nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới dường như không phải là lựa chọn thức thời.

Vấn đề nới lỏng trừng phạt với những nước có hệ thống y tế yếu như Iran hay Syria những ngày gần đây đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã gửi thư lên Liên Hợp Quốc kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump dỡ bỏ lệnh trừng phạt với lý do cấm vận trong thời điểm dịch Covid-19 sẽ làm tổn hại nghiêm trọng phục lợi cả người dân tại những nước này.

Đại sứ Iran tại Bỉ ngày 4/4 một lần nữa kêu gọi Liên minh châu Âu chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran trong bối cảnh nước này đang phải gồng mình đối phó với dịch viêm phổi cấp do virus SARS-CoV-2.

Iran là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của dịch Covid-19, với hơn 55.000 người mắc, trong đó hơn 3 nghìn trường hợp tử vong. Một vài nước, trong đó có UAE, Trung Quốc, Anh, Pháp, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi tàu chở các thiết bị hỗ trợ tới Iran nhằm giúp quốc gia này đối phó với dịch bệnh.

Tuy nhiên, những hỗ trợ trên chẳng thấm là bao, nhất là khi các lệnh trừng phạt của Mỹ đang cản trở 80 triệu người dân nước này tiếp cận những thứ vốn cơ bản trong cuộc sống như lương thực, thực phẩm và các dụng cụ vệ sinh, y tế cần thiết để chống dịch.

Còn tại Syria, mặc dù số ca mắc Covid-19 vẫn còn tương đối thấp, song đây lại là một trong những quốc gia tiềm ẩn nguy cơ nhất. Xung đột triền miên, cùng với những lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu đã khiến nước này từ nhiều năm nay phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, hệ thống y tế thì xuống cấp.

Lời cầu cứu mới đây của một bác sĩ tại Syria: “Chúng tôi lấy đâu ra máy thở!”, có lẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho những vấn đề về y tế mà quốc gia Trung Đông này đang phải đối mặt.

Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, vào thời điểm mà cuộc chiến chống Covid-19 bước vào giai đoạn cam go nhất, thì mọi trở ngại đối với việc nhập khẩu vật tư y tế quan trọng, bao gồm cả việc tuân thủ quá mức các lệnh trừng phạt của các ngân hàng cần phải được dỡ bỏ để tránh gây tác hại lâu dài cho những cộng đồng dễ bị tổn thương:

“Bây giờ là lúc để đoàn kết đối mặt với mối đe dọa đối với toàn nhân loại này. Trong bối cảnh Covid-19 đang là mối đe dọa hàng đầu đối với mọi người dân ở khắp nơi trên thế giới, thì điều đáng lo ngại nhất chính là những người vốn đang bị ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng. Người dân và những cộng đồng đã bị hủy hoại do xung đột, do khủng hoảng khí hậu hoặc các dịch bệnh khác là những gì chúng ta phải ưu tiên khẩn cấp”, ông Guterres nói.

Cuối tháng 3 vừa qua, các đại diện thường trực tại Liên Hợp Quốc của Nga, Trung Quốc, Syria, Cuba, Triều Tiên, Iran, Nicaragua và Venezuela đã gửi thư kêu gọi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres dỡ bỏ lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ đối với một số quốc gia trong bối cảnh đại dịch toàn cầu.

Tuy nhiên, mọi lời kêu gọi tới nay dường như vẫn không được lắng nghe và thậm chí chính quyền Mỹ mới đây còn gia tăng các biện pháp trừng phạt không chỉ với Iran, mà còn với chính quyền của Tổng thống Venezuela hay cắt viện trợ cho Afghanistan để “dọn đường” cho một sự rút quân êm ả của Mỹ khỏi chiến trường Nam Á này.

Thái độ của Mỹ đã gây khó hiểu đối với nhiều chuyên gia, bởi nó không chỉ gây tổn hại tới người dân mà còn làm suy yếu khả năng chống dịch của chính quyền những nước liên quan. Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, vào thời điểm hiện nay, các cuộc chiến tranh thương mại và trừng phạt chỉ đang làm trầm trọng hơn tình hình.

“Điều cực kỳ quan trọng lúc này là đảm bảo quyền tiếp cận tài chính đối với các quốc gia đang cần tài nguyên, nhất là những nước đã chịu ảnh hưởng của khủng hoảng và dịch bệnh. Phải tạo ra một kênh xanh, tức là không có bất kỳ cuộc chiến tranh thương mại hay lệnh trừng phạt nào gây ảnh hưởng đến việc cung cấp hàng hóa y tế, thực phẩm, thiết bị và công nghệ”, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh.

Giáo sư Max Abrahams thuộc Đại học Đông Bắc thì cho rằng, ngay cả đối với kẻ thù, chúng ta cũng phải làm việc với họ để giải quyết những vấn đề chung và hơn nữa dịch bệnh càng sớm được dập tắt cũng là vấn đề thuộc về an ninh quốc gia của chính nước Mỹ. Trong bối cảnh tỷ lệ người dân Mỹ ủng hộ cách xử lý dịch Covid-19 của Tổng thống Donald Trump đang giảm mạnh (từ 55%-47%) thỉ rõ ràng, việc duy trì lệnh trừng phạt với một số nước ở thời điểm này dường như không phải là một lựa chọn thức thời./.

Duy trì trừng phạt các nước trong dịch Covid-19, Mỹ đang “thức thời”? - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại