Grant Sabatier là một trong những tiếng nói đi đầu trong phong trào FIRE - viết tắt của từ độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm. Những người tuân theo triết lý này nhắm đến mục tiêu tiết kiệm và đầu tư phần lớn thu nhập để tích đủ tiền cho việc nghỉ hưu trước khi 60 tuổi.
Vào năm 2015, ở tuổi 30, Sabatier đã tiết kiệm được 1,25 triệu USD, đủ để đảm bảo anh không cần làm việc mà vẫn sống tốt. Song thay vì nghỉ hưu, Sabatier bắt tay vào công việc mới là dạy cho người khác cách đạt được sự độc lập tài chính.
Bí quyết làm giàu: Tập trung toàn lực tăng thu nhập
Vào năm 2010, Grant Sabatier sở hữu vỏn vẹn 2,26 USD trong tài khoản tiết kiệm. Thực tế là với số tiền này, thậm chí anh còn chẳng thể dùng bữa ở một nhà hàng bình dân. Sớm nhận ra rằng tình trạng này không thể kéo dài, Sabatier nhanh chóng đặt ra mục tiêu: Tiết kiệm 1 triệu đô và nghỉ hưu sớm nhất có thể.
Sabatier sau khi tìm thấy mục tiêu cuộc đời đã không ngừng nỗ lực và mang về cho mình nguồn thu đáng nể: 300.000 USD một năm.
Anh làm công việc marketing kỹ thuật số và được trả 50.000 USD/năm, nhưng như vậy vẫn không đủ. Grant nói: "Tôi sẽ không thể nhanh chóng thực hiện mục tiêu của mình và tiết kiệm 5-10% thu nhập."
Giải pháp của Grant là bắt đầu tạo các trang web tìm công việc phụ. Anh chia sẻ với CNBC: "Trang web đầu tiên tôi xây dựng là một trang web trị giá 300 USD cho 1 công ty luật. Sau đó, họ đã giới thiệu tôi cho 1 công ty khác cùng ngành. Trong 6 tháng, tôi đã tăng mức phí cho mỗi lần tham gia thành 5000 USD."
Anh bật mí với thu nhập "khủng" đó, 80% được dành cho tiết kiệm và các hoạt động đầu tư sinh lợi khác.
Chính xác là trong vòng 5 năm, 3 tháng, 6 ngày, Sabatier đã xuất sắc "gõ cửa" ước mơ năm 24 tuổi với 1,2 triệu USD tiết kiệm trong tài khoản. Những con số trên là thống kê tài sản của anh vào năm 2015. Chỉ trong vòng 4 năm, con số đó đã được nhân lên gấp nhiều lần.
Không thể phủ nhận rằng có nhiều yếu tố quyết định thành công của Sabatier. Nhưng theo vị triệu phú trẻ tuổi, lời khuyên thiết thực nhất cho những ai muốn làm giàu chính là tập trung toàn lực tăng thu nhập. Hơn thế nữa, hãy chú trọng vào công việc hiện tại của bạn hơn bất cứ thứ gì hết.
"Muốn kiếm tiền, trước hết hãy tập trung vào công việc chính. Nếu bạn dành tâm huyết cho công việc, đó chính là mỏ vàng với trữ lượng, tiềm năng không đùa được đâu. Trên thực tế, vô số người không nhận ra giá trị của công việc mình đang có", vị tỷ phú kiêm tác giả cuốn sách "Financial Freedom: A Proven Path to All the Money You Ever Need" (Tạm dịch: "Tự chủ tài chính: Đích đến cuối cùng của mọi nguồn thu nhập") chia sẻ.
Đừng quên tận dụng triệt để các chính sách phúc lợi mà công ty dành cho bạn như bảo hiểm, quỹ hưu trí. Nếu bạn băn khoăn chưa biết tận dụng chúng ra sao, hãy sắp xếp hẹn gặp trực tiếp phòng nhân sự, hỏi và hiểu về những lợi ích bạn được hưởng bởi "những thứ đó có thể mang lại tỷ suất lợi nhuận cực kỳ cao".
Đừng bao giờ bỏ lỡ cơ hội
Muốn đảm bảo nguồn thu, hãy chắc chắn rằng số tiền bạn nhận được xứng với năng lực và công sức bỏ ra.
Đáng buồn thay, không mấy ai nhận thức rõ ràng điều này: Theo báo cáo thu nhập năm 2018 của Indeed, chỉ 19% lao động Mỹ cảm thấy hài lòng với thu nhập hiện tại. Trong số đó, khoảng 60% người tham gia khảo sát cho rằng họ cần được tăng lương, tối thiểu 6.000 USD nữa để có thể cảm thấy thỏa mãn với nguồn thu của mình.
Nói về thực trạng trên, Sabatier cho rằng: "Phần đông người lao động Mỹ tin rằng họ xứng đáng được tăng lương nhưng không có mấy ai dám đòi hỏi quyền lợi. Họ sợ rằng nếu lên tiếng, họ có thể mất việc, họ e dè trước quyền lực, và vì thế, họ cứ mãi cam chịu một công việc, một mức lương không hề xứng đáng. Và đó là lý do họ không bao giờ trở nên giàu có."
Sabatier chỉ ra rằng, chi phí thay đổi nhân sự là "hố đen" chết người với một công ty nhưng lại là lợi thế tuyệt vời đối với người lao động. Đó là nhân tố giúp bạn "nắm đằng chuôi" trong cuộc thương thuyết tăng lương. "Trên thực tế, nhân viên có nhiều "quyền lực" hơn họ tưởng. Và một trong số đó là quyền đòi tăng lương", Sabatier khẳng định.
Nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Vì thế, để được tăng lương thành công, hãy tự tìm hiểu để biết số tiền mình xứng đáng nhận được là bao nhiêu. "Giá trị của một người lao động chỉ đơn giản là lượng tiền mà một công ty sẵn sàng chi trả để có được năng lực, kinh nghiệm của người đó", Sabatier giải thích.