Thứ 5 tuần trước (1/3), Tổng thống Donald Trump đã thổi bùng lên nguy cơ chiến tranh thương mại trên phạm vi toàn cầu khi thông báo Mỹ sẽ áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu . Theo các cố vấn thương mại của Nhà Trắng, đây sẽ là thuế vĩnh viễn và không có nước nào được miễn trừ. Mục tiêu là để bảo vệ các nhà sản xuất kim loại trong nước.
Động thái này khiến người Mỹ nhớ lại câu chuyện trong quá khứ, khi các Tổng thống Mỹ khác cũng đã từng dùng đến thuế quan để bảo hộ ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên, cũng chính lịch sử cho thấy rằng cách tiếp cận này sẽ mang đến cho nước Mỹ nỗi đau hơn là lợi lộc. Và trong bối cảnh hiện nay, giới phân tích dự báo những hệ lụy tiêu cực sẽ còn nghiêm trọng hơn so với những cuộc chiến thương mại trước đây.
Thuế là công cụ thường xuyên được sử dụng trong chiến tranh thương mại
Từ thời Lyndon Johnson, nhiều Tổng thống đã cố gắng sử dụng nhiều biện pháp hạn chế thương mại để làm giảm lượng nhập khẩu, hỗ trợ ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên hầu hết những người tiền nhiệm của ông Trump – gồm Johnson, Richard Nixon và Ronald Reagan, đã sử dụng hạn ngạch (quota) để bảo hộ. Ví dụ, năm 1969 Johnson đặt hạn ngạch nhập khẩu tối đa 5,75 triệu tấn thép.
Sau này, Jimmy Carter cũng từng hạn chế thép nhập khẩu bằng cách đặt ra mức giá sàn cho thép nhập khẩu. Dù giới hạn này không phải là thuế, nó vẫn tỏ ra hiệu quả khi buộc các nhà sản xuất thép nước ngoài phải duy trì giá ở một mức độ nhất định và không thể bán ở giá quá rẻ để cạnh tranh không công bằng với thép do Mỹ sản xuất.
Gần đây nhất, Barack Obama cũng áp thuế cao đối với những loại thép đặc biệt được sử dụng làm linh kiện ô tô trong nỗ lực hạn chế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tuy nhiên trường hợp giống với động thái của Tổng thống Trump nhất là chính sách thuế được cựu Tổng thống George W. Bush áp dụng năm 2002. Mỹ đã thông qua luật đánh thuế từ 8% đến 30% vào các sản phẩm thép nhập khẩu, tuy nhiên chỉ sau hơn 1 năm chính sách này đã bị bãi bỏ do phản ứng dữ dội từ thế giới và những hệ lụy tiêu cực lên nền kinh tế.
Trong khi đó các biện pháp hạn chế nhôm nhập khẩu ít xuất hiện hơn, một phần là vì đến gần đây giá nhôm nhập khẩu mới rẻ đến mức làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Mỹ. Theo Hiệp hội nhôm Hoa Kỳ, tỷ lệ nhôm được tiêu thụ ở Mỹ được làm ra bởi các nhà sản xuất trong nước đã giảm từ mức 84% trong năm 2004 xuống chỉ còn 69% trong năm 2016. Cùng lúc đó, thị phần của nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc tăng từ 0% trong năm 2004 lên 22% trong năm 2016.
Những con số này khiến các công ty nhôm hối thúc Chính phủ hành động ngay lập tức để bảo hộ thương mại.
Điều này có ý nghĩa gì với người Mỹ?
Phần lớn các báo cáo phân tích cho thấy biện pháp đánh thuế chỉ mang lại rất ít lợi ích cho nền kinh tế Mỹ nói chung và ngành thép nói riêng. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng thậm chí các biện pháp hạn chế thép nhập khẩu còn làm tổn hại nền kinh tế.
Mức giá sàn của Carter không thể ngăn ngành thép của nước Mỹ lao dốc nhưng lại gây ra mâu thuẫn nghiêm trọng với các đồng minh như Nhật Bản hay các quốc gia châu Âu. Chính sách hạn ngạch mà Johnson và Reagan áp dụng không thể khiến thép nội chiến thắng thép ngoại.
Dưới góc độ kinh tế vi mô, nghiên cứu chỉ ra rằng bằng cách đánh thuế kim loại nhập khẩu, giá thép và nhôm sẽ tăng lên, dẫn đến chi phí sản xuất của nhiều ngành khác vốn dựa vào 2 kim loại này cũng tăng lên. Ví dụ, ngành bia đã cảnh báo nếu thuế đánh vào nhôm nhập khẩu tăng 10% thì chi phí mà các nhà sản xuất bia và đồ uống có cồn phải gánh sẽ tăng thêm 256,3 triệu USD, dẫn đến giá tăng và người tiêu dùng bị thiệt.
Ngoài ra còn có những tác động lên thị trường lao động. Theo ước tính thuế suất mà Bush áp dụng đã khiến các ngành sử dụng thép nhập khẩu mất đi từ 26.000 đến 200.000 việc làm. Chính sách bảo hộ ngành thép trong những năm 1970 khiến người tiêu dùng Mỹ phải trả thêm 290.000 USD để bù đắp chi phí tăng thêm để có thể giữ được 1 việc làm.