Đại dịch nguy hiểm
John Clayton, chuyên gia được mệnh danh là "Kẻ hủy diệt Châu chấu", đang phải đối chọi với một trong những thảm họa thiên nhiên kinh hoàng nhất mà ông từng chứng kiến trong hơn 40 năm qua. Hiện tại, các đàn châu chấu khổng lồ liên tục tấn công các nguồn lương thực của các quốc gia như Ethiopia, Somalia và Kenya.
Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc đã cảnh báo rằng các vùng ở Đông Phi sẽ phải đối diện với "thảm họa" khi đàn châu chấu di chuyển hơn 160km/1 ngày và ăn số lượng thực phẩm đủ cho 3 triệu người sử dụng.
Anh đã cam kết sẽ tài trợ 18 triệu bảng Anh cho chương trình khẩn cấp của LHQ nhằm giúp đối phó với nạn châu chấu. Trong chương trình này, chuyên gia Clayton là người tham gia ở tiền tuyến. Trước đó, Anh đã cam kết cấp 8 triệu bảng cho chương trình tương tự để hỗ trợ Kenya, Somalia, Ethiopia, Sudan, Nam Sudan, Eritrea, Djibouti, Tanzania và Pakistan tiêu diệt châu chấu.
Chuyên gia tiêu diệt châu chấu John Clayton.
Ông Clayton đánh giá: "Đối với người dân ở đây, dịch châu chấu có thể còn nguy hiểm hơn cả COVID-19. Đây là thảm họa kinh hoàng nhất trong 70 năm qua ở khu vực này. Thông thường, một đợt dịch châu chấu xuất hiện sau khoảng 10 tới 12 năm, nhưng tôi chưa từng gặp dịch châu chấu nào tệ như thế này".
"Bên cạnh đó, hạn chế di chuyển do COVID-19 còn khiến việc cung cấp hỗ trợ và đào tạo chống châu chấu trở nên phức tạp hơn. Dịch châu chấu thực sự là thảm họa trong thảm họa".
Ông Clayton đã đi khắp thế giới cùng hãng Micron Sprayers, chuyên sử dụng các loại máy bay, trực thăng và xe tải chuyên dụng để tiêu diệt châu chấu.
Ông Clayton cùng các thành viên khác trong đội ngũ diệt châu chấu.
Anh đã đầu tư một siêu máy tính để giúp các nước ở Đông Phi theo dõi hướng di chuyển của châu chấu ở quanh lục địa. Theo ước tính, một số đàn châu chấu còn rộng hơn cả Paris, New York và đàn châu chấu lớn nhất ở Kenya che phủ một diện tích rộng hơn 2.400km2.
Hàng tỉ con châu chấu
Ông Clayton kể lại: "Bầu trời tối sầm lại giống như có một đám mây đen khổng lồ với hàng tỉ con châu chấu bọc hàng tỉ con khác bay qua".
"Một đàn châu chấu trung bình có thể hủy diệt lượng thực phẩm cho 2.500 người chỉ trong 1 ngày. Khi chúng hạ cánh xuống một cánh đồng, điều đó đồng nghĩa với rắc rối lớn".
"Ví dụ, một cánh đồng ngô được người nôn dân chăm sóc trong nhiều tháng vất vả có thể bị châu chấu quét sạch chỉ trong 1 hoặc 2 giờ đồng hồ. Đây là vấn đề rất nhức nhối bởi những người dân sống ở khu vực thiếu lương thực lại là những người chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ các đàn châu chấu."
Trong sự nghiệp của mình, ông John Clayton đã từng tham gia tiêu diệt châu chấu làm tổn hại 12 triệu héc-ta đất nông nghiệp ở Đông Phi vào năm 1987. Tuy nhiên, ông đã phải tốn tới 3 năm mới tiêu diệt được các đàn châu chấu này.
Chuyên gia Clayton tin rằng thuốc trừ sâu và các thiết bị theo dõi sẽ giúp làm giảm số lượng châu chấu, tuy nhiên tình hình chính trị ở một số khu vực cũng khiến việc chống châu chấu trở nên phức tạp hơn.
Ông Clayton nói: "COVID-19 đã khiến mọi thứ đảo lộn. Một số nước không chỉ đối phó với châu chấu, mà còn phải xử lí đại dịch COVID-19 và vấn đề an ninh nội địa. Hàng triệu người đang đứng trước nguy cơ không có lương thực".
"Tình hình ở châu Phi, Pakistan và Ấn Độ thực sự là vấn đề sinh tử. Ở Scotland, người ta hay phàn nàn về muỗi vằn, nhưng nếu so với châu chấu, thì thực sự chẳng thấm vào đâu".
Bộ trưởng Anh chịu trách nhiệm khu vực châu Phi, ông James Duddridge, cho rằng các chuyên gia Anh đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các cộng đồng châu Phi thoát khỏi nạn đói.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói: "Nếu các nước khác cũng đẩy mạnh hành động, cuộc khủng hoảng an ninh lương thực này sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn".