Kế hoạch "vô tiền khoáng hậu": Ném bom nguyên tử trên mặt trăng của Mỹ

Nguyễn Sơn |

Dự án "Nghiên cứu các chuyến bay thám hiểm mặt trăng" bí số A119 là kế hoạch tuyệt mật của QĐ Mỹ cuối thập niên 1950 nhằm thử nghiệm các cuộc ném bom nguyên tử trên mặt trăng.

Chương trình "Nghiên cứu các chuyến bay thám hiểm mặt trăng" (A Study of Lunar Research Flights) mang bí số A119 là một kế hoạch tuyệt mật của Quân đội Mỹ hồi cuối thập niên 1950 nhằm thử nghiệm các cuộc ném bom nguyên tử trên bề mặt mặt trăng.

Những người vạch ra kế hoạch này hy vọng thành công của chương trình sẽ chứng minh sự vượt trội của Mỹ trước Liên Xô cũng như phần còn lại của thế giới trong Chiến tranh Lạnh.

Sự tồn tại của dự án này lần đầu tiên được tiết lộ vào năm 2000 bởi cựu lãnh đạo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) Leonard Reiffel, người trực tiếp phụ trách dự án này từ năm 1958.

Điều thú vị là nhà thiên văn học nổi tiếng sau này Carl Sagan (lúc đó đang là một nghiên cứu sinh) giữ một vai trò quan trọng trong dự án, phụ trách việc đánh giá tác động của các vụ nổ hạt nhân trong môi trường lực hấp dẫn thấp.

Các tài liệu liên quan đến dự án này đã được đóng dấu tuyệt mật suốt gần 45 năm, và mặc cho Reiffel tiết lộ, chính phủ Mỹ chưa bao giờ công nhận sự tồn tại của dự án này.


Kế hoạch vô tiền khoáng hậu: Ném bom nguyên tử trên mặt trăng của Mỹ - Ảnh 1.

Dự án A119

Bối cảnh của dự án

Hồi đầu Chiến tranh Lạnh, Liên Xô vượt qua Mỹ trong cuộc đua giành quyền làm chủ vũ trụ. Mốc son đầu tiên diễn ra ngày 04/10/1957, khi Liên Xô phóng thành công Vệ tinh Sputnik-1 lên quỹ đạo. Đây là vệ tinh nhân tạo đầu tiên bay trên quỹ đạo gần trái đất.

Điều trớ trêu là thành công đó lại diễn ra đúng lúc Mỹ đang thất bại nặng nề trong chương trình Vanguard nhằm đưa các thiết bị do thám lên quỹ đạo. Sputnik-1 bỗng trở thành tiếng cồng khai cuộc cho cuộc chạy đua vào vũ trụ tốn kém khủng khiếp sau đó.

Với tham vọng "lội ngược dòng" trong cuộc đua sinh tử ấy, Mỹ vạch ra hàng loạt dự án nghiên cứu mà kết quả cuối cùng là đưa được vệ tinh Explorer-1 lên quỹ đạo và thiết lập Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).

Cũng trong những năm 1950-1960 ấy, Liên Xô và Mỹ đã tiến hành thành công hàng loạt vụ nổ hạt nhân trong các môi trường khác nhau. Lúc đó, việc thử nghiệm các vụ nổ hạt nhân trong vũ trụ chưa hề bị cấm bởi bất cứ công ước quốc tế nào thành thử việc tiến hành Dự án A119 là hoàn toàn hợp pháp và không đáng bị dư luận quốc tế lên án.

Dự án

Năm 1949, Quỹ nghiên cứu Armour (ARF) thuộc Đại học Công nghệ Illinois bắt đầu nghiên cứu ảnh hưởng của các vụ nổ hạt nhân đến môi trường. Những nghiên cứu này kéo dài tới tận năm 1962. Tháng 5/1958, ARF bắt đầu nhận được các khoản tài trợ của Quân đội Mỹ để bí mật nghiên cứu khả năng tiến hành một vụ nổ hạt nhân trên mặt trăng.

Mục tiêu chính của chương trình là tạo được một vụ nổ hạt nhân đủ lớn để có thể quan sát được từ trái đất. Những người tài trợ cho chương trình hy vọng vụ nổ sẽ nâng cao lòng tự hào và ái quốc của các công dân Mỹ.

Song song với việc nghiên cứu nói trên, báo chí Mỹ cũng xì ra một loạt tin tức về việc Liên Xô đang gấp rút tiến hành làm nổ một quả bom khinh khí trên mặt trăng. Thậm chí có bài báo còn khẳng định nguyệt thực ngày 7/11/1957 đúng dịp kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười là do một vụ nổ hạt nhân trên mặt trăng do Liên Xô tiến hành.

Dự án A119 ra đời trong hoàn cảnh đó. Ý tưởng này được đưa ra bởi Edward Teller, cha đẻ của bom khinh khí Mỹ. Tháng 2/1957, ông này đã đề xuất đưa một quả bom khinh khí lên mặt trăng và cho nổ cách bề mặt mặt trăng một khoảng nhất định để nghiên cứu tác động của vụ nổ từ trái đất.

Kế hoạch vô tiền khoáng hậu: Ném bom nguyên tử trên mặt trăng của Mỹ - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Nghiên cứu

Mười nhà khoa học do Leonard Reiffel đứng đầu đã được triệu tập tới Đại học Công nghệ Illinois ở Chicago để nghiên cứu triển vọng nhìn thấy vụ nổ từ trái đất, cũng như ý nghĩa khoa học và ảnh hưởng của vụ nổ lên bề mặt mặt trăng.

Trong nhóm các nhà khoa học này có nhà thiên văn học Gerard Kuiper và nghiên cứu sinh Carl Sagan của ông ta. Họ lập một mô hình toán học mô phỏng việc khuyếch tán đám mây bụi mặt trăng trong không gian quanh vệ tinh này. Đó là yếu tố quan trọng nhất để thấy được vụ nổ từ trái đất.

Để tiến hành thử nghiệm, thoạt tiên các nhà khoa học Mỹ dự kiến đưa một quả bom khinh khí lên mặt trăng. Tuy nhiên, khối lượng của quả bom khinh khí vào thời đó lớn tới mức đại diện quân đội Mỹ phải "phủ quyết" phương án này vì không thể tìm đâu ra tên lửa đẩy có thể tải được một vật nặng cỡ đó lên quỹ đạo.

Khi đó các nhà khoa học đề xuất mang một đầu đạn W25 lên mặt trăng. Đó là đầu đạn hạt nhân nhỏ, gọn, rất nhẹ với sức nổ 1,7 kiloton. (Để so sánh: Quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Hirosima của Nhật Bản có sức nổ 13-18 kiloton).

Theo kế hoạch, đầu đạn W25 này sẽ được tên lửa đẩy phóng lên mặt trăng ở đúng đường chu vi nhìn thấy từ trái đất và được kích nổ khi chạm vào bề mặt vệ tinh này. Đám mây bụi tạo thành từ vụ nổ sẽ bốc cao. Tia sáng của mặt trời chiếu xuyên qua nó sẽ khiến đám mây bụi khổng lồ đó có thể được nhìn thấy từ trái đất.

Theo dự tính của Leonard Reiffel, tiến bộ của Quân đội Mỹ trong việc sản xuất các tên lửa vượt đại châu có thể biến điều này thành hiện thực từ cuối năm 1959. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ không tin rằng tiến bộ công nghệ đến lúc đó đã có thể đẩy một đầu đạn hạt nhân lên mặt trăng rơi chính xác tới mức như vậy.

Cuối cùng, phương án có vẻ nhưng khả thi hơn cả là đẩy một lúc nhiều đầu đạn hạt nhân W25 lên mặt trăng. Phương án này đặt ra những khó khăn không giải quyết nổi là làm sao tập trung được tất cả các đầu đạn đó vào một khu vực đủ hẹp và kích nổ đồng thời.

Thậm chí đến tận bây giờ, trình độ công nghệ vẫn chưa đủ để việc tính toán sao cho các đầu đạn rơi cùng một lúc trong một khu vực hẹp trên mặt trăng có thể được thực hiện.

Dừng dự án

Dự án đang được gấp rút chuẩn bị thì được lệnh ngưng lại vào tháng 2/1959. Nguyên nhân cho đến nay chưa được tiết lộ. Có thể nhóm khoa học và chính phủ Mỹ lo ngại phản ứng tiêu cực nào đó từ dư luận xã hội.

Cũng không loại trừ dự án A119 có thể gây hại cho chính dân Mỹ nếu cuộc phóng tên lửa đẩy không thành công và đầu đạn W25 sẽ rơi ngay xuống đất Mỹ. Còn nếu nó rơi xuống Liên Xô thì một đòn trả đũa hạt nhân ngay lập tức sẽ biến trái đất thành tro bụi.

Còn một lý do nữa: không ai xác định được mức độ nhiễm xạ mặt trăng sẽ nặng đến đâu và rộng đến đâu. Lúc đó, tác hại của hai quả bom nguyên tử ném xuống Hirosima và Nagazaki mạnh đến nỗi làm chùn tay những con diều hâu hiếu chiến nhất trong chính quyền và quân đội Mỹ, đồng thời người Mỹ luôn tin rằng một ngày nào đó họ sẽ làm chủ và sử dụng mặt trăng.

Cũng có thể kế hoạch đã không được thực hiện có lẽ bởi việc đưa người lên mặt trăng đáng tự hào hơn đối với người Mỹ, và giới khoa học cũng như chính phủ Mỹ đã tập trung toàn bộ nguồn lực trí tuệ và tài chính cho việc thực hiện mục tiêu này.

Kỳ tới: Bí mật bị rò rỉ và phản ứng của Liên Xô

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại